Phải làm sao khi lỡ cho người tình nhận con đẻ làm con nuôi?

(PLO) - Sau 38 tuần mang bầu, em sinh con trai đúng như niềm mong mỏi của người tình. Đúng theo thỏa thuận, khi đứa con 6 tháng tuổi, một sáng nọ em để nó vào xe nôi rồi “bỏ rơi” trước cổng biệt thự nhà ông ta kèm toàn bộ giấy tờ liên quan. Theo kịch bản định sẵn, sau đó ông ta tình cờ “nhặt” được đứa trẻ và đón vào nhà, sau đó làm thủ tục nhận đứa trẻ bị “bỏ rơi” làm con nuôi...     
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Lẽ ra câu chuyện tình éo le của em sẽ dừng lại ở đó, khi cậu con trai được làm con nuôi chính gia đình quyền quý là cha đẻ của nó, còn bản thân em sẽ đi tìm hạnh phúc riêng cho mình khi em đã được người tình trả cho một số tài sản kha khá sau vụ “đẻ thuê”.

Nhưng thật oái oăm, em lại quá nặng lòng yêu dù ông ta đã thẳng thắn tuyên bố quan hệ giữa hai người đã chấm dứt. Em cố níu kéo bằng chiêu dọa sẽ phanh phui sự thật câu chuyện tình bóng tối của hai người ra ánh sáng. Không ngờ, chính em lại bị dồn vào thế yếu khi ông ta nói rằng việc ông ta có thể có con ngoài giá thú không hề vi phạm pháp luật.

Ngược lại, nếu vợ ông ta phát hiện ra việc ông tặng cho em khối tài sản khổng lồ thì bà ta có quyền đòi lại với căn cứ cho rằng đó là tài sản chung của vợ chồng. Ông ta khuyên em nên ngoan ngoãn biến khỏi cuộc đời cha con ông để đứa con còn có danh phận, chứ nếu quá đáng thì ông ta sẽ thỏa thuận với vợ tặng toàn bộ tài sản cho vợ và các con của vợ chồng ông ta, con trai em sẽ không được hưởng một xu.

Em hoang mang tột độ, không dám có ý định đòi lại con, cũng không muốn phanh phui sự việc ra ánh sáng mà chỉ lo phải làm sao để bảo đảm quyền lợi cho đứa con mình? (Thư của chị Ngọc Hân (28 tuổi, công nhân tại Hà Nội).

Xin chia sẻ với cảnh ngộ của chị Ngọc Hân. Chính vì chị không muốn đòi lại con, cũng không muốn đưa vụ việc “biến con đẻ thành con nuôi” ra ánh sáng pháp luật nên Luật sư sẽ không tư vấn về các thủ tục xác định mẹ cho con - điều mà bản thân chị hoàn toàn có thể thực hiện và được pháp luật bảo hộ. Khi chị không có tranh chấp, vợ chồng ông ta không có yêu cầu nào khác, như vậy hiện tại con trai bé nhỏ của chị vẫn đang là con nuôi của chính cha đẻ cháu. 

Về việc chị lo sợ người tình sẽ làm khó bằng cách gây phương hại đến quyền lợi vật chất của đứa con chị, Luật sư xin tư vấn như sau:

Theo Điều 68 Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam 2014 quy định về việc Bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con thì: “Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan. Giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định tại Luật này, Luật Nuôi con nuôi, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.

Mọi thỏa thuận của cha mẹ, con liên quan đến quan hệ nhân thân, tài sản không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”.

Căn cứ vào nội dung quy định đã viện dẫn trên, chị có thể hoàn toàn yên tâm rằng trong mọi trường hợp, quyền lợi của con chị đều được bảo đảm.

Đọc thêm