Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội Vụ

(PLO) -Chính phủ vừa ban hành Nghị định 34/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ. 

Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên ngành hành chính và quản lý nhà nước; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; tôn giáo; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của bộ theo quy định của pháp luật.

Theo Nghị định, Bộ Nội Vụ gồm những nhiệm vụ, quyền hạn sau: 

Trình dự án luật, dự án Nghị quyết của Quốc hội, dự án Pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự thảo Nghị định của Chính phủ, dự thảo Nghị quyết liên tịch gữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hằng năm của Bộ đã được phê duyệt và các đề án, chương trình, nghị quyết theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hằng năm và các dự án công trình quan trọng quốc gia thuộc ngành, lĩnh vực do Bộ nội vụ quản lí.

Về tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước: Trình Chính phủ đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo nhiệm kỳ Quốc hội; đề án, dự thảo nghị định của Chính phủ về thành lập mới, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Thẩm định các dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Về chính quyền địa phương: Bộ Nội vụ tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện việc chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; kiểm tra, đôn đốc Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện các quy định của pháp luật về bầu cử, các văn bản hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia và của các cơ quan trung ương, định kỳ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo tiến độ thực hiện công tác bầu cử. 

Về quản lý biên chế, tinh giản biên chế: Bộ Nội vụ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi biên chế công chức dự phòng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm. 

Quyết định giao biên chế công chức đối với từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quyết định giao biên chế công chức làm việc ở nước ngoài đối với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quyết định giao biên chế đối với các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Quyết định điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức đối với từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định; quyết định tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập. 

Về cơ cấu tổ chức: Bộ Nội vụ hiện nay gồm 22 đơn vị là các đơn vị hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ. Theo đó, 22 đơn vị đó là: Vụ Tổ chức - Biên chế, Vụ Chính quyền địa phương,  Vụ Công chức - Viên chức, Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, Vụ Tiền lương, Vụ Tổ chức phi chính phủ, Vụ Cải cách hành chính, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Tổng hợp, Vụ Công tác thanh niên, Vụ Tổ chức cán bộ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, Học viện Hành chính Quốc gia, Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Tạp chí Tổ chức nhà nước, Trung tâm Thông tin.

Đọc thêm