Sửa đổi quy định về thuế thu nhập cá nhân: Đừng gây thiệt hại cho người lao động có thu nhập thấp

(PLO) - Góp ý về việc sửa đổi các quy định pháp luật về thuế, trong đó có thuế thu nhập cá nhân (TNCN), chuyên gia pháp luật cho rằng, cần cân nhắc nhiều trường hợp bỏ hoàn thuế TNCN sẽ gây thiệt hại cho những người lao động có thu nhập thấp.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không thể “cào bằng” về thuế ngay cả khi cá nhân không phát sinh thu nhập

Về đề xuất thay đổi phương pháp xác định thu nhập chịu thuế và thuế suất áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn, Tờ trình của Bộ Tài chính xác định lý do cần thay đổi là “Thực tế thực hiện đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của cá nhân rất khó kiểm soát giá chuyển nhượng và chi phí liên quan. Đại đa số các trường hợp đều khai chênh lệch bằng 0 dẫn đến thất thu thuế, không công bằng với chuyển nhượng vốn dưới dạng chứng khoán. Thống nhất với nội dung sửa đổi bổ sung tỷ lệ % thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trên doanh thu đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài 1% nêu trên, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho sửa đổi quy định sửa đổi mức thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân (cư trú và không cư trú) ở mức 1% trên giá chuyển nhượng”. 

Liên quan đến nội dung này, Ths. Trần Minh Hiệp - Giảng viên Khoa Luật Thương mại (Trường Đại học Luật TP HCM) – không ủng hộ quan điểm này. Theo Ths. Trần Minh Hiệp, bản chất của thuế là điều tiết vào thu nhập phát sinh trong quá trình chuyển nhượng vốn. Việc ấn định thuế suất trên giá chuyển nhượng chỉ được áp dụng khi người nộp thuế không chứng minh được chi phí nhận chuyển nhượng vốn. “Việc ấn định thuế suất trên doanh thu phù hợp đối với trường hợp chuyển nhượng chứng khoán. Còn trường hợp chuyển nhượng vốn thì giá nhận chuyển nhượng và giá chuyển nhượng được thể hiện rất rõ ràng trên cơ sở hợp đồng chuyển nhượng. Trường hợp cá nhân lách giá chuyển nhượng thì phải gánh chịu các rủi ro phát sinh. Nhà nước không thể “cào bằng” về thuế ngay cả khi cá nhân không phát sinh thu nhập, thậm chí bị lỗ khi chuyển nhượng vẫn phải nộp thuế” – ông Hiệp nói.

Cho rằng mức thuế suất 1% trên giá chuyển nhượng là quá cao, Ths. Trần Minh Hiệp đề xuất giữ nguyên quy định về xác định thu nhập và thuế suất áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn theo quy định của pháp luật hiện hành.

Cân nhắc nhiều trường hợp bỏ hoàn thuế TNCN 

Khoản 5 Điều 4 của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung “Sửa đổi Điều 8 Luật Thuế thu nhập cá nhân” đã bỏ việc hoàn thuế TNCN.

Theo Luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang, cần cân nhắc nhiều trường hợp bỏ hoàn thuế TNCN sẽ gây thiệt hại cho những người lao động có thu nhập thấp. LS. Xoa đưa ra ví dụ, bà X làm ở Cty A lãnh 5 triệu đồng/tháng, có đăng ký giảm trừ gia cảnh bản thân tại Cty này. Cty A không thu thuế TNCN bà X vì không có thu nhập tính thuế. Bà X còn làm thêm ở Cty B với thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Cty B thu thuế TNCN bà X theo mức thuế suất 5% là 250 nghìn đồng/tháng (5 triệu đồng x 5%), một năm là 3 triệu đồng. Thu nhập cả năm là 120 triệu đồng nên bà X theo Luật chỉ nộp thuế TNCN 600 nghìn đồng [(120 triệu đồng - 108 triệu đồng) x 5%]. Nếu được hoàn thuế TNCN thì bà X sẽ được hoàn 2,4 triệu đồng (3 triệu đồng – 600 nghìn đồng), do bỏ hoàn thuế TNCN nên bà X bị thiệt hại 2,4 triệu đồng, bằng tiền mua sữa cho con 6 tháng.

Hoặc một tình huống khác, bà Y làm ở Cty C với mức lương 18 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng Cty trừ thuế TNCN của bà Y theo thuế suất năm 2019 là 450 nghìn đồng [(18 triệu đồng - 9 triệu đồng) x 5%], 6 tháng đầu năm là 2,7 triệu đồng. Bà Y làm tại Cty C từ tháng 01 đến tháng 6 năm 2019, từ tháng 7/2019 bà Y nghỉ việc tại Cty và cũng không đi làm, không có thu nhập nào khác 6 tháng cuối năm 2019. Với thu nhập năm 2019 là 108 triệu đồng thì bà Y thuộc diện không phải nộp thuế TNCN, nếu được hoàn thuế thì bà Y sẽ được lấy lại 2,7 triệu đồng, nhưng không cho hoàn thuế TNCN nên bà Y bị thiệt hại 2,7 triệu đồng.

Từ những tình huống đó, ông Xoa kiến nghị phải có giải pháp để đảm bảo cho người lao động có thu nhập thấp.

Đồng thời, ông Xoa cũng kiến nghị xem xét quy định tính lại theo thu nhập bình quân 12 tháng để xác định cá nhân phải nộp thêm hoặc nộp thừa. Bởi, khoản 9 Điều 4 của Dự thảo Luật có bổ sung: “Tổ chức chi trả thu nhập có trách nhiệm tạm tính thuế thu nhập cá nhân hàng tháng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công cho cá nhân theo biểu thuế lũy tiến. Cuối năm tổ chức chi trả có trách nhiệm tính lại theo thu nhập bình quân 12 tháng để xác định cá nhân phải nộp thêm hoặc nộp thừa và tự bù trừ cho cá nhân”. Tuy nhiên, trong trường hợp người lao động chỉ làm 6 tháng đầu năm (như bà Y ở ví dụ 2) hoặc trường hợp người lao động vào làm việc cho Cty từ tháng 5 đến tháng 12 thì Cty “có trách nhiệm tính lại theo thu nhập bình quân” trong những tháng thực tế làm việc tại Cty hay chỉ có người lao động nào làm đủ 12 tháng mới tính lại? 

Đọc thêm