Tăng cường cơ chế bảo vệ quyền cho người chưa thành niên

(PLO) - Đây là ý kiến được nhiều đại biểu nêu lên tại Hội thảo “Quyền của người chưa thành niên (CTN) trong pháp luật hình sự một số nước trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam” do Trường Đại học (ĐH) Luật Hà Nội tổ chức hôm qua (5/10).
Tăng cường cơ chế bảo vệ quyền cho người chưa thành niên

Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội Trần Quang Huy nhấn mạnh hội thảo nhằm giúp các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các giảng viên có cách nhìn khách quan, đa chiều về pháp luật hình sự, tạo diễn đàn để nghiên cứu, phản ánh kinh nghiệm quốc tế, từ đó đề xuất hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam dưới góc độ bảo vệ quyền cho người CTN. Hội thảo tập trung thảo luận về 2 mảng vấn đề là quyền và bảo vệ quyền của người CTN với tư cách người phạm tội hoặc nạn nhân, đối tượng tác động của tội phạm trong luật hình sự; quyền và bảo đảm quyền của người CTN với tư cách người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và người bị hại trong Luật Tố tụng Hình sự.

Thực tế cho thấy người CTN là nhóm người chưa phát triển đầy đủ, đặc biệt về mặt tâm lý và nhận thức. Tuy nhiên, người CTN đôi khi phải đối mặt thêm với những khó khăn, thách thức trong tiếp cận công lý bởi phần lớn các quốc gia, hệ thống tư pháp được xây dựng chủ yếu dành cho đối tượng là người trưởng thành. Những quy trình, thủ tục này khá xa lạ với người CTN, đồng thời cản trở sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của các em, do đó cũng ảnh hưởng khá nhiều đến việc thực hiện quyền của các em trong các quan hệ pháp luật.

Đến nay, Việt Nam đã có khá nhiều nghiên cứu về người CTN trong tư pháp hình sự nói chung và trong lĩnh vực pháp luật hình sự nói riêng. Tuy nhiên, cách nghiên cứu chủ yếu tiếp cận vấn đề dưới góc độ chính sách xử lý hình sự và tăng cường hiệu quả của cơ chế xử lý hình sự người CTN phạm tội. Những nghiên cứu chủ yếu nhìn nhận người CTN như một đối tượng của việc xử lý, một chủ thể mang trách nhiệm hơn là một chủ thể quyền. Bên cạnh đó, khía cạnh bảo vệ quyền của người CTN với tư cách nạn nhân, nhân chứng của tội phạm hầu như rất ít được đề cập đến.

Trong khi đó, một trong những đặc điểm của tư pháp đối với người CTN theo chuẩn mực pháp lý quốc tế là tư pháp dựa trên quyền của người CTN và lấy các em làm trung tâm. Mặt khác, Việt Nam đã ký và phê chuẩn nhiều văn kiện pháp lý quốc tế về bảo vệ quyền con người nói chung, quyền của trẻ em và người CTN trong lĩnh vực tư pháp hình sự nói riêng. Do vậy, trách nhiệm thực hiện những cam kết quốc tế đặt ra cho nước ta yêu cầu về phương pháp tiếp cận vấn đề dựa trên quyền. 

TS. Đào Lệ Thu, Viện Luật so sánh, ĐH Luật Hà Nội khẳng định, tư pháp đối với người CTN quan tâm trên hết đến việc bảo vệ quyền của trẻ em, người CTN cho dù các em liên quan đến các vấn đề pháp lý với bất kỳ vai trò và vì bất kỳ lý do gì. Quyền của người CTN được bảo vệ và bảo đảm trong mọi lĩnh vực pháp luật và tất cả quá trình tư pháp với tinh thần và nguyên tắc là vì những lợi ích tốt nhất của các em, do đó hệ thống tư pháp đối với người CTN luôn được xây dựng và phát triển để thực hiện sứ mệnh của một cơ chế bảo đảm quyền con người. Song thực tiễn cho thấy còn có những vi phạm của người CTN trong lĩnh vực tư pháp hình sự mà một phần nguyên nhân là do thiếu những cơ chế bảo đảm thực hiện quyền.

Còn PGS.TS Trương Quang Vinh, Khoa Pháp luật hình sự cho rằng điểm chung giữa những người CTN phạm tội ở các quốc gia là đã, đang và sẽ phải đối mặt với các thủ tục tố tụng hết sức nghiêm khắc theo quy định pháp luật do việc họ đã thực hiện những hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm. Trong khi đó, người CTN phạm tội vốn còn non nớt về thể chất, tinh thần, dễ bị tổn thương, cần sự trợ giúp, hướng dẫn của các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm, đặc biệt là các cơ quan áp dụng pháp luật. Trong quá trình thực hiện các thủ tục, các kỹ năng tố tụng cần bảo đảm rằng khi tiếp xúc với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, các em phải được đối xử một cách công bằng, tôn trọng và nhân đạo theo quy định của pháp luật quốc gia và Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Do đó, các đại biểu tham dự hội thảo đều đồng tình rằng cần quan tâm hơn nữa đến quyền của người CTN trong pháp luật hình sự để tăng cường cơ chế bảo vệ quyền con người, cơ chế tiếp cận công lý cho người CTN, đồng thời góp phần thực hiện giáo dục, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho người CTN phạm tội, từ đó giúp ngăn ngừa tội phạm của người CTN. Bởi vậy, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới khi xây dựng và sửa đổi pháp luật cần đề cao ý thức về việc thiết lập những cơ chế bảo vệ quyền cho người CTN một cách hiệu quả và nhân văn nhất./.

Đọc thêm