Tham gia BHXH tự nguyện sau khi chấm dứt HĐLĐ: Có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?

(PLVN) - Bạn đọc Trần Văn Quỳnh (Hà nội) hỏi: Năm nay tôi 34 tuổi, đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc được 13 năm. Giờ tôi muốn nghỉ làm ở công ty để kinh doanh tự do. Cho tôi hỏi, nếu tôi không đi làm nữa và đóng BHXH tự nguyện luôn thì có được nhận trợ cấp thất nghiệp (TCTN) không? Hay tôi phải nhận TCTN xong mới tham gia BHXH tự nguyện? Nếu nhận TCTN xong, tôi tiếp tục đóng BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm có được không? Khi đó tôi khoảng 42 tuổi, sau đó tôi dừng đóng và bảo lưu đến 60 tuổi nhận lương hưu là 55%, thì mỗi năm tôi có bị trừ 2% do nghỉ hưu trước tuổi không?

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời:

1. Về việc tham gia đóng BHXH tự nguyện

Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật BHXH năm 2014 thì người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm về điều kiện hưởng TCTN thì không loại trừ đối với trường hợp NLĐ đang tham gia BHXH tự nguyện.

Như vậy, đối chiếu với các quy định nêu trên thì sau khi chấm dứt HĐLĐ ở Công ty, ông có thể tham gia BHXH tự nguyện và không ảnh hưởng tới quyền lợi hưởng TCTN.

2. Về tỷ lệ hưởng lương hưu

Một trong những nguyên tắc khi thực hiện chính sách BHXH là “mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH”. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì từ năm 2022, lao động nam cần 35 năm đóng BHXH để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75%, ngoài ra tỷ lệ hưởng lương hưu giảm 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định và từ năm 2028 tuổi nghỉ hưu của lao động nam làm việc trong điều kiện bình thường là 62 tuổi.

Như vậy, ông có thể cân nhắc kéo dài thời gian tham gia BHXH tự nguyện để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu cao nhất và nghỉ hưu đúng tuổi theo quy định để không bị giảm trừ tỷ lệ do nghỉ hưu trước tuổi.

Đọc thêm