Theo dõi thi hành pháp luật: Cần bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí

(PLO) - Kịp thời tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân trong việc theo dõi thi hành pháp luật và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có hành vi sai phạm là một trong những giải pháp được Bộ Tư pháp xác định trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Ảnh minh họa từ Internet
Ảnh minh họa từ Internet

Bộ Tư pháp vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về công tác theo dõi thi hành pháp luật (TDTHPL) 2016.

Theo Bộ Tư pháp, các văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) cơ bản được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và quản lý nhà nước. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp thấy rằng, tình trạng nợ đọng văn bản, chậm ban hành văn bản hay tình trạng văn bản chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính khả thi vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Một trong những yếu tố quan trọng của công tác TDTHPL là các điều kiện về bộ máy cũng như con người, kinh phí. Năm 2016, các cơ quan thực thi pháp luật đã chú trọng kiện toàn, phân định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp trong quá trình triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước. Song qua tổng hợp cho thấy, kinh phí dành cho công tác TDTHPL, kiểm tra tình hình THPL còn hạn hẹp, mặc dù các Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực do số lượng VBQPPL rất lớn nên chưa thực hiện tổng kết, đánh giá về điều kiện bảo đảm kinh phí cho công tác THPL.

Đáng chú ý, việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ ngày càng được đề cao và kịp thời xử lý những sai phạm trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, cá nhân còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa nghiêm.

Việc theo dõi, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực chưa đáp ứng được yêu cầu; tình trạng vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… đang diễn biến phức tạp; số vụ tham nhũng bị phát hiện chưa tương xứng với tình hình thực tế; số vụ vi phạm hành chính nghiêm trọng tăng nhanh, nhưng số vụ bị kiến nghị xử lý hình sự còn rất ít.

Bộ Tư pháp chỉ ra nguyên nhân do ý thức tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân vẫn còn hạn chế, một số cơ quan, công chức có thẩm quyền áp dụng pháp luật để giải quyết công việc chưa tuân thủ đúng trình tự, thủ tục luật định. Bên cạnh đó, biên chế, kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ công tác còn hạn hẹp nên một số lĩnh vực hiệu quả chưa cao; nội dung một số VBQPPL quy định còn chồng chéo, khó khăn trong việc áp dụng; công tác giáo dục, thuyết phục để các bên đương sự hiểu và tự nguyện thi hành bản án của Tòa án và các quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa được quan tâm đúng mức; việc tuyên truyền pháp luật cho người dân còn hạn chế.

Năm 2016, các Bộ, ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ quan nhà nước ở địa phương và người có thẩm quyền trong quản lý hành chính nhà nước về lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, ngành. Qua công tác thanh tra cho thấy, các cơ quan nhà nước ở địa phương cơ bản thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện một số vi phạm về quản lý nhà nước ở một số địa phương trong lĩnh vực như đất đai, môi trường, xây dựng.

Năm 2016, tình hình THPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành (lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai) đều đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật về trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất. Việc giải quyết các thủ tục liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công trên địa bàn các tỉnh được thực hiện kịp thời, đầy đủ, chính xác, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, tuy nhiên, còn một số hạn chế như việc tuân thủ pháp luật của một số chủ đầu tư còn hạn chế; việc kiểm tra, xử lý kết quả theo dõi THPL về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công đã được thực hiện nhưng chưa kịp thời…

Nâng cao hiệu quả công tác TDTHPL trong thời gian tới, Bộ Tư pháp xác định cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức; hoàn thiện thể chế, pháp luật; bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí cũng như ban hành và tổ chức thực hiện đầy đủ, thực chất các nội dung của Kế hoạch TDTHPL hàng năm tại địa phương.

Đọc thêm