Thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14: Nâng cao hiệu quả xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ

(PLO) - Thời gian qua, nhờ triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 mà các vướng mắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) để thu hồi nợ đã và đang có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết này, các ngân hàng, tổ chức tín dụng vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định.
Thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14: Nâng cao hiệu quả xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ

Thực tế cho thấy, hầu hết TSBĐ cho các khoản vay là đất và nhà ở đang được khách hàng vay hoặc bên có TSBĐ quản lý, sử dụng. Khi khoản vay phát sinh nợ xấu, ngân hàng áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 để thu giữ TSBĐ thì khách hàng chống đối, cản trở việc thu giữ TSBĐ như không ký biên bản bàn giao, không rời khỏi TSBĐ thu giữ, do đó ngân hàng không thể thu được tài sản này.

Đối với TSBĐ là bất động sản, hầu hết là các dự án đã được triển  khai và đang là dự án dang dở cho đến thời điểm khoản vay phát sinh nợ quá hạn tại ngân hàng. Trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư đã tiến hành bán cho các nhà đầu tư, người có nhu cầu mua nhà ở nên khi ngân hàng tiến hành thu giữ gặp phải sự chống đối, khiếu kiện của các nhà đầu tư, người mua nhà ở, do đó ngân hàng cũng không thể triển khai thu giữ được tài sản. Mặt khác, TSBĐ là dự án nên thường có giá trị lớn, do vậy việc tìm kiếm người mua có ngành nghề kinh doanh bất động sản, có tiềm lực tài chính để tiếp tục đầu tư là rất khó khăn. 

Đối với TSBĐ là phương tiện vận tải, do đặc thù của tài sản là động sản, thường di chuyển, không cố định một nơi, khi phát sinh nợ quá hạn, khách hàng, bên có TSBĐ thường không cung cấp địa chỉ bến, bãi và ngân hàng cũng khó xác định được địa điểm nên không thể tiến hành thu giữ được. Trường hợp xác định được địa điểm, khi triển khai thu giữ thì phương tiện đó đã di chuyển đến địa điểm khác. Còn TSBĐ là máy móc thiết bị thường có đặc tính kỹ thuật chuyên ngành cao, cần có quy trình bảo dưỡng nghiêm ngặt nên việc thu giữ những tài sản này cần có cơ quan hoặc người có chuyên môn để kiểm đếm, đánh giá chất lượng tài sản cũng như việc bảo quản, bảo dưỡng, trông coi tài sản.

Thậm chí, khi ngân hàng đã thu giữ được TSBĐ, tổ chức bán đấu giá để thu hồi nợ thì khách hàng hay bên có TSBĐ thường cố tình tạo ra các lý do để trì hoãn việc bán tài sản như tranh chấp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở với một bên khác để kiện ra tòa, khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền, đề nghị tòa mở thủ tục phá sản… Các đối tượng này thường có tâm lý dễ kích động hoặc có những hành động liều lĩnh, đe dọa cán bộ tham gia thu giữ tài sản. Với những rủi ro tiềm ẩn đó, các ngân hàng thường chọn con đường xử lý tài sản an toàn hơn là tiến hành khởi kiện ra tòa, thi hành án để thu hồi nợ.

Một yếu tố khác cũng gây khó khăn trong quá trình xử lý TSBĐ là hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 42. Do đó, khi thu giữ, xử lý TSBĐ là nhà, đất ở của cá nhân vẫn bị vướng mắc liên quan đến thuế thu nhập cá nhân bởi theo Nghị quyết số 42, khoản thuế này ngân hàng và người mua không phải chịu nhưng khi làm thủ tục sang tên, phòng đăng ký đất đai và nhà ở không thụ lý với lý do bên có tài sản chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính.

Để góp phần tháo gỡ những bất cập trên, cần rà soát kỹ nội dung của Nghị quyết số 42 để tiếp tục sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết theo thẩm quyền nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, vững chắc. Theo đó, Bộ Công an cần có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan Công an các cấp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự khi tổ chức tín dụng, cơ quan thi hành án dân sự thực hiện quyền thu giữ tài sản. TANDTC có văn bản hướng dẫn chi tiết hơn thủ tục rút gọn trong khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến TSBĐ tại Tòa án. Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn về việc đăng ký thế chấp, đăng ký thay đổi khi mua bán khoản nợ có TSBĐ là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà. Bộ Tài chính hướng dẫn chính sách thuế, phí liên quan đến việc thực hiện theo Nghị quyết số 42…

Cùng với đó, UBND các tỉnh, thành phố cần có văn bản chỉ đạo UBND cấp xã trong việc hỗ trợ ngân hàng, tổ chức tín dụng thực hiện quyền thu giữ khi bên có tài sản vắng mặt, không hợp tác. Các bộ, ngành ở Trung ương xây dựng các chính sách kinh tế về thị trường mua bán nợ, thúc đẩy các giao dịch trên thị trường mua bán nợ được thực hiện an toàn, minh bạch, thu hút sự tham gia tích cực, hiệu quả của các chủ thể trong và ngoài nước./.

Đọc thêm