Thực hiện nhiệm vụ đương nhiên xóa án tích:Cần sự quan tâm bố trí nguồn lực của địa phương

(PLO) - Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã có hiệu lực một phần) có giao Sở Tư pháp căn cứ vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp để xác minh tình trạng đương nhiên xóa án tích theo quy định cho cá nhân có yêu cầu. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ chế để bảo đảm nguồn nhân lực và các điều kiện khác phục vụ cho công tác này. Do vậy, địa phương đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu các cơ quan có thẩm quyền có cơ chế phù hợp, bố trí cán bộ, hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể để Sở Tư pháp thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tiếp nhận hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp của công dân.
Tiếp nhận hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp của công dân.

Bộ Tư pháp cho biết, Bộ luật Hình sự năm 2015 giao cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp Phiếu Lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện theo quy định. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 (ban hành kèm theo Quyết định số 393/QĐ-BTP ngày 10/3/2016), trong đó giao Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính tổ chức tập huấn chuyên sâu về Bộ luật Hình sự cho đội ngũ cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp. 

Tuy nhiên, ngày 29/6/2016, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 144/2015/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự năm 2015 và bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2016. Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã phối hợp với Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính báo cáo và được Lãnh đạo Bộ cho phép lùi thời gian tổ chức lớp tập huấn chuyên sâu về Bộ luật Hình sự cho đội ngũ cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp, đợi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 3) và trong thời gian tới, lớp tập huấn chuyên sâu sẽ sớm được tổ chức. 

Hiện nay, việc thực hiện xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhân lực và điều kiện hiện có của các Sở Tư pháp. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Bộ Tư pháp đề nghị UBND cấp tỉnh tiếp tục quan tâm bố trí nhân lực, cơ sở vật chất cho công tác lý lịch tư pháp của địa phương theo Quyết định số 2369/QĐ-TTg ngày 28/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp”.

Riêng với những trường hợp đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 34/TTLLTPQG-TTrC ngày 24/01/2017 hướng dẫn thực hiện đương nhiên được xóa án tích gửi Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, hướng dẫn rất cụ thể trường hợp Sở Tư pháp nhận được hồ sơ đề nghị xóa án tích thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích của cá nhân có yêu cầu thì hướng dẫn cho những người này thực hiện thủ tục cấp Phiếu Lý lịch tư pháp theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp.

Tuy nhiên, để bảo đảm thực hiện việc cấp Phiếu Lý lịch tư pháp cho những trường hợp này, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp. Dự thảo Luật đã cập nhật, bổ sung quy định về xác định cơ quan cung cấp thông tin về hành vi phạm tội mới: “Trường hợp thông tin về hành vi phạm tội mới chưa được cập nhật vào lý lịch tư pháp của người yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp thì Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp nơi tiếp nhận yêu cầu đề nghị Viện kiểm sát, Tòa án, Cơ quan điều tra có liên quan cung cấp thông tin về việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với người đó”.

Bên cạnh đó, một số địa phương cũng phản ánh, việc cấp Phiếu Lý lịch tư pháp đối với một số trường hợp có án tích do phải thực hiện xác minh ở nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau, các cơ quan, đơn vị gửi kết quả chậm, thiếu thông tin về bản án, trong khi quỹ thời gian theo quy định không đủ để thực hiện nên chưa đảm bảo thời hạn cấp Phiếu. Chia sẻ vấn đề này, Bộ Tư pháp cho biết thời gian qua, thời hạn cấp Phiếu Lý lịch tư pháp đối với trường hợp phải xác minh án tích và điều kiện đương nhiên được xóa án tích ở nhiều nơi, nhiều đơn vị khác nhau còn chưa bảo đảm phù hợp. Vì thế, để giảm bớt áp lực cho Sở Tư pháp, tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp, Bộ Tư pháp đã kiến nghị sửa đổi thời hạn cấp Phiếu Lý lịch tư pháp tăng lên 20 ngày cho trường hợp phải xác minh thông tin về điều kiện đương nhiên được xóa án tích ở nhiều nơi, nhiều cơ quan.

Đọc thêm