Vi phạm quy định bầu cử sẽ bị xử lý thế nào?

(PLVN) - Bầu cử là một định chế quan trọng của dân chủ, nền tảng hợp pháp để hình thành các chức danh, cơ quan lãnh đạo của các tổ chức thành viên hệ thống chính trị. Chính vì thế, hành vi xâm phạm hoặc làm sai phạm kết quả bầu cử là hành vi pháp luật nghiêm cấm, người vi phạm có thể bị phạt tù từ 1 đến 3 năm.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xử phạt nghiêm

Điều 95 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 160 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân nêu rõ mức hình phạt. Theo đó, người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. 

Thậm chí, nếu “phạm tội có tổ chức” hoặc “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”,  “dẫn đến hoãn ngày bầu cử, bầu cử lại hoặc hoãn việc trưng cầu ý dân” thì sẽ bị phạt từ từ 1 năm đến 2 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Đối với hành vi làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân, cũng được Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định. Cụ thể, người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Bên cạnh đó, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: Có tổ chức; Dẫn đến phải tổ chức lại việc bầu cử hoặc trưng cầu ý dân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Đảng viên vi phạm có thể bị khai trừ

Đáng lưu ý, đảng viên nếu vi phạm các quy định về bầu cử sẽ bị kỷ luật tùy vào mức độ vi phạm. Điều 9 Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 ngày 15/11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương đưa ra 3 mức kỷ luật đối đảng viên vi phạm quy định về bầu cử. Theo đó, đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách: Được phân công nhiệm vụ tổ chức, thực hiện bầu cử nhưng thiếu trách nhiệm kiểm tra, thẩm định, xem xét hồ sơ xin ứng cử. Thực hiện không đúng, không đầy đủ nguyên tắc, quy trình, thủ tục về bầu cử.  Không thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình về bầu cử theo quy định của pháp luật hoặc có hành vi làm mất an ninh trật tự nơi bầu cử.

Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 1 Điều 9 mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ): Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn tác động, gây áp lực đến các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền để đề cử người thân của mình vào các chức danh lãnh đạo của tổ chức đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; Tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội (theo quy định phải do tổ chức đảng giới thiệu) khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép; 

 Có trách nhiệm thẩm định, xét duyệt nhân sự, nhưng cố tình đưa người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bầu vào các chức danh lãnh đạo của tổ chức đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; Không trung thực trong việc kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử; có hành vi gian dối trong thực hiện các quy định về bầu cử; Có hành vi mua chuộc, xúi giục, cưỡng ép hoặc vận động bầu cử trái quy định; cản trở, đe dọa người khác thực hiện quyền ứng cử, đề cử hoặc bầu cử theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước; Không trung thực trong việc kê khai, nhận xét, xác nhận hoặc thẩm định hồ sơ, lý lịch, tài sản, thu nhập của người ứng cử theo quy định về bầu cử.

Đặc biệt, trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 9 gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ: Tổ chức thực hiện việc giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc làm sai lệch kết quả bầu cử. Có hành vi, việc làm phá hoại cuộc bầu cử. Tổ chức lực lượng, phe nhóm, dòng họ để vận động người tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử vào các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trái quy định.

Đọc thêm