UBND quận 9: Chưa bồi thường bổ sung đã tổ chức cưỡng chế

(PLO) - Khi thực hiện dự án xây dựng nhà ở lưu trú công nhân Khu công nghệ cao phường Long Thạnh Mỹ thì UBND quận 9, TP.Hồ Chí Minh đã đồng ý bồi thường bổ sung một số tài sản, công trình cho bà Trần Ngọc Hồng hơn 152 triệu đồng. 
UBND quận 9: Chưa bồi thường bổ sung  đã tổ chức cưỡng chế
Nhưng trong khi chưa thực hiện chi trả bổ sung thì ngày 27/5/2015, UBND quận 9 tổ chức cưỡng chế, buộc bà Hồng phải giao mặt bằng cho chủ đầu tư, gây bức xúc trong dư luận.
Khuất tất trong Biên bản kiểm kê tài sản
Trong đơn khiếu nại yêu cầu bồi thường bổ sung, bà Hồng cho rằng, theo Điều 51 Quyết định 106/2005/QĐ-UB ngày 16/6/2005 của UBND TP.HCM thì Phương án bồi thường được phê duyệt chỉ có hiệu lực trong 12 tháng nhưng UBND quận 9 lại căn cứ vào các quyết định và phương án lập từ năm 2005 để áp giá bồi thường là trái với quyết định của UBND TP.HCM.
Quyết định số 839/QĐ-UBND-BBTQ9 của UBND quận 9 công bố giá trị bồi thường, hỗ trợ tái định cư ghi hộ bà Trần Ngọc Hồng là không đúng đối tượng vì tài sản, công trình trên đất là của doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Tân Tiến. Ngoài ra, UBND quận 9 dựa vào Biên bản kiểm kê không số, ngày, tháng dẫn tới việc nhiều hạng mục, công trình không được bồi thường, cụ thể là: 2 trạm điện 250kVA, 150kVA; 2 cối ép gạch; 2.000m2 trại gạch nền bê tông…Một số tài sản, công trình khác bị áp giá đền bù quá thấp như: 2 lò gạch 4 bầu lửa và 5 bầu lửa; 6.305m2 đất đã sử dụng liên tục trên 30 năm; 1.717,38m2 trại gạch nền bê tông, cột gạch, mái ngói... 
Như vậy, UBND quận 9 đã có sai sót trong kiểm kê tài sản dẫn đến bồi thường không đúng giá trị, không đúng số tài sản. Ngoài ra, việc hỗ trợ ngừng sản xuất, hỗ trợ người lao động mất việc làm, chuyển đổi ngành nghề của DNTN Tân Tiến cũng chưa đúng với quy định pháp luật.
Tòa “ngâm” án... không xử!?
Tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 98/QĐ-UBND-TT ngày 29/9/2011, UBND quận 9 đã thừa nhận chưa đền bù 2 trạm điện 150kVA và 250kVA, đồng thời bồi thường bổ sung một số tài sản, công trình cho bà Hồng trên 152 triệu đồng, nhưng bà Hồng vẫn không đồng ý và khởi kiện Quyết định này vì cho rằng UBND quận 9 đã không giải quyết dứt điểm việc khiếu nại và việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư chưa chính xác. Ngày 30/3/2012, TAND quận 9 đã có Thông báo thụ lý vụ án và đến ngày 17/9/2013 thì đưa vụ án ra xét xử. Nhưng TAND quận 9 đã không tuyên án mà lại có quyết định “hoãn phiên tòa” và hiện không biết đến khi nào mới mở lại. 
Trong khi đang chờ Tòa xét xử thì bất ngờ vào ngày 17/6/2014, UBND quận 9 có Quyết định số 115/QĐ-UBND cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ bà Hồng (không phải là DNTN Tân Tiến). Chỉ có điều, cơ quan này lại căn cứ vào Quyết định 839/QĐ-UBND-BBTQ9 - văn bản đã bị thay thế bởi Quyết định số 98/QĐ-UBND-TT ngày 29/9/2011. 
Theo Luật sư Trần Thế Vinh (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thu hồi đất quy định “chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau: thực hiện đúng trình tự, thủ tục về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy định tại các Điều 29, 30, 31 của Nghị định này” và “trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thanh toán xong tiền bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất theo phương án  được duyệt thì người có đất bị thu hồi phải bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trường hợp việc bồi thường thực hiện theo tiến độ thì chủ đầu tư được nhận bàn giao phần diện tích mặt bằng đã thực hiện xong việc bồi thường triển khai dự án”.
Rõ ràng, việc UBND quận 9 ban hành Quyết định cưỡng chế đối với hộ bà Hồng là không đúng Nghị định 69/2009/NĐ-CP vì chưa thanh toán xong tiền bồi thường, chưa thanh toán đầy đủ tài sản bị thiệt hại và chưa chi trả về chính sách đối với doanh nghiệp bị ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Quá bức xúc, bà Trần Ngọc Hồng lại khởi kiện Quyết định số 115/QĐ-UBND của UBND quận 9 về cưỡng chế thu hồi đất và ngày 24/12/2014, TAND quận 9 có Thông báo thụ lý vụ án. Nhưng cho đến nay, vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử.
Phải chăng việc kéo dài vụ án hết năm này đến năm khác của TAND quận 9 như trên nhằm tạo điều kiện để UBND quận 9 tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của DNTN Tân Tiến để đặt vụ việc trước sự đã rồi?
Cưỡng chế “lố”... 1.624,7m2
 Thực hiện chỉ đạo của UBND quận 9, ngày 27/5/2015 UBND phường Long Thạnh Mỹ và các cơ quan quận 9 tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của bà Hồng đề giao cho Cty TNHH MTV Phát triển Khu công nghệ cao (chủ đầu tư). Nhưng lực lượng cưỡng chế lại tiến hành phá dỡ tài sản, công trình trên diện tích 7.929,7m2, thay vì trong diện tích 6.305m2, tức là cưỡng chế, phá dỡ “lố” nhiều tài sản trên 1.624,7m2 đất của bà Hồng. 
Vấn đề khó hiểu ở chỗ, hiện có 5 doanh nghiệp và 11 hộ dân nằm trong danh sách bị cưỡng chế nhưng UBND quận 9 chỉ cưỡng chế đối với bà Hồng, còn các doanh nghiệp khác thì không hề bị đụng tới. Liệu có gì khuất tất, mang tính cá nhân ở đây?
Bất thường hơn là việc Chủ tịch UBND quận 9 còn gửi văn bản vượt cấp đến Thanh tra Bộ Công an, Tổng cục Chính trị Bộ Công an, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II… cho rằng ông Nguyễn Văn Oai (chồng bà Hồng) vi phạm những điều đảng viên không được làm và 10 điều kỷ luật Công an nhân dân (ông Oai là Đại tá Công an). Một số cơ quan đã gửi lại bản giải trình của ông Oai để Chủ tịch UBND quận 9 xem xét, trả lời nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm. Trong khi đó, việc gửi văn bản và cưỡng chế lại được tiến hành vội vã, làm ảnh hưởng đến uy tín, quyền lợi của gia đình một cán bộ trong lực lượng công an. Việc đúng, sai trong vụ việc này cần sớm được Tòa án và cơ quan có thẩm quyền làm rõ.