Vấn nạn bạo lực gia đình: Đừng để những vết thương lên tiếng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không ít phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình vẫn giữ quan niệm “một sự nhịn chín sự lành”, họ cam chịu bởi nhiều lý do như lệ thuộc kinh tế, vì con cái. Tuy nhiên, chính suy nghĩ này đã vô tình “tiếp tay” cho hành vi bạo lực.
Chương trình sân khấu hóa đã góp phần tuyên truyền pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình.
Chương trình sân khấu hóa đã góp phần tuyên truyền pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình.

Nhức nhối bạo lực gia đình

Mới đây, sự việc người vợ ở Yên Bái bị chồng đánh đập suốt từ đêm đến sáng gây ra thương tích nặng nề khiến dư luận xôn xao.

Theo chị H. tố cáo, tối 9/10, chị cùng chồng là anh T. đi tiệc cùng với bạn bè, trên đường trở về thì 2 vợ chồng xảy ra cãi cọ. Chồng chị H. đã ra tay hành hung vợ ngay trên xe taxi. Chưa dừng lại ở đó, vừa về đến nhà, chị tiếp tục bị chồng hành hung.

Chị H. cho biết, dù đã quỳ xuống van xin chồng nhưng chồng chị không buông tha, đánh đập vợ bằng nhiều hung khí khác nhau, trong đó có cả thanh sắt. Cuộc hành hung kéo dài từ 23h đến 4h sáng. Chị H. đã phải nhập viện với di chứng toàn thân bị bầm tím, mặt bị biến dạng.

Sau khi lên tiếng, chị H. còn cho biết người chồng đã liên lạc, hăm dọa sẽ tiếp tục đánh đập và tung ảnh nóng nếu chị H. không rút lại lời tố cáo.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái đã có văn bản gửi tới cơ quan chức năng đề nghị xem xét, xử lý nghiêm vụ việc. Hiện người chồng nói trên đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú.

Những hành vi như trên không phải cá biệt trong xã hội. Đầu tháng 10, một hotgirl ở Hà Nội đã lên tiếng tố cáo chồng sắp cưới bạo hành mình gây thương tích nặng nề về thể xác và tinh thần.

Theo cô gái tên K.T, cô và người yêu đã sống chung 3 năm nay, chuẩn bị cưới nhưng phải hoãn do dịch bệnh. Trong suốt thời gian sống chung, cô đã không ít lần bị “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” và lần mới đây là nặng nhất, khiến cô phải nhập viện vì vết thương ở tay, chân, u mủ mắt, trật khớp... tỉ lệ thương tích lên đến 28%.

Nhiều người thường cho rằng, phụ nữ mềm yếu, ở nhà làm nội trợ mới dễ bị chồng bắt nạt, hành hung. Nhưng thực tế cho thấy, kể cả phụ nữ thành đạt, có sự nghiệp, nổi tiếng vẫn có thể trở thành nạn nhân của bạo hành gia đình. Hotgirl K.T nói trên là người mẫu kiêm chủ của một spa làm đẹp.

Trước đó ít lâu, nữ diễn viên Hoàng Yến cũng từng tố cáo bị chồng cũ hành hung trong lúc đang đi cùng bạn bè. Theo lời nữ diễn viên, trong quá trình sống chung, cô từng nhiều lần bị chồng đánh đập, bạo hành cả thể xác và tinh thần.

Vì sao nhiều phụ nữ im lặng?

Có một thực tế dễ nhận thấy trong nhiều cuộc bạo hành gia đình, đó là hầu hết chị em phụ nữ khi lên tiếng tố cáo hành vi bạo hành đều không phải lần đầu. Họ đã là nạn nhân của những trận “đòn thù” từ nhiều hoặc rất nhiều lần trước. Họ chỉ lên tiếng khi những trận đòn đã ngày một tăng nặng hơn, tàn nhẫn hơn và sức chịu đựng của họ đã đến giới hạn. Lúc ấy, tiếng nói của họ chỉ là một tiếng nói yếu ớt.

Điều thực sự lên tiếng ở đây chính là những vết thương khốc liệt để lại trên cơ thể họ.

Không ít sự việc, thậm chí người vợ nhất quyết không lên tiếng dẫu bị đánh đập, đe dọa tinh thần đến nghiêm trọng. Sự việc chỉ bị hé lộ khi một đoạn clip nào đó được tung lên mạng, hoặc hàng xóm hảo tâm báo đến cơ quan chức năng. Thế nhưng, nhiều trường hợp đâu lại vào đấy khi người vợ rút đơn tố cáo, tha thứ rồi quay về sống với chồng. Kế tiếp đó là chuỗi ngày chịu đựng như cũ.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, có nhiều lý do cho sự chấp nhận, cam chịu này như bị phụ thuộc về kinh tế, tinh thần, lo sợ điều tiếng khi công khai mọi chuyện và ly dị. Nhưng lý do được nhiều người phụ nữ đưa ra nhiều nhất là “vì con”. Nhiều chị tâm sự rằng, dù gia đình rách nát thì vẫn mong giữ cha lại cho con mình, cho gia đình không “tan đàn, xẻ nghé”.

Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý Minh Nga, chính sự cam chịu và không phản kháng ấy đã khiến đối phương ngày càng “được nước lấn tới”. Về phần con cái, những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình bạo hành sẽ có sự tổn thương, đổ vỡ từ sâu bên trong. Không chỉ thế, các em còn có thể bị lệch lạc về quan niệm sống. Nữ chuyên gia kể, bà từng gặp trường hợp đứa trẻ chứng kiến cha đánh mẹ khi lên trường thường bạo hành với bạn bè, khi bị cô giáo phạt thì trả lời “con trai đánh con gái là đương nhiên”.

Bởi vậy, không một lý do nào đáng để người phụ nữ phải trở thành đối tượng bị bạo lực. Việc trang bị những kiến thức, kĩ năng cần thiết để phòng ngừa, phản kháng với bạo hành gia đình; yêu cầu sự hỗ trợ của hội phụ nữ và các cơ quan chức năng khi bị bạo hành là điều mà mỗi người phụ nữ nên làm, chứ không phải chờ đến lúc những vết thương lên tiếng thay cho lời nói.

Đọc thêm