Về Thu Cúc đón tết Doi mùng 7

(PLO) - Từ bao đời nay, tết Doi vốn là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Đây cũng là miền ký ức gọi những người con xa quê hương có dịp hội tụ quây quần bên nhau mỗi dịp xuân về.
Ở đâu cũng tràn ngập tiếng cười, tất cả dự cảm một mùa xuân yên vui.
Ở đâu cũng tràn ngập tiếng cười, tất cả dự cảm một mùa xuân yên vui. 
Cứ vào mùng 7 tháng Giêng,  người dân địa phương và khách thập phương lại về chung vui và khám phá nét văn hóa đặc sắc của đồng bào  miền núi Tân Sơn.
Theo già làng Xùng A Vang ở  khu Mĩ Á, xã Thu Cúc, đây là nghi lễ đặc biệt để nhân dân đón lấy vía lúa, lộc trời với mong muốn nhà nhà ấm no, hạnh phúc, cây cối tốt tươi.
Về lịch sử của tết Doi, ông Hà Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn cho biết: “Ngay từ buổi sơ khai, ngài Mường Cúc (hay còn gọi là Ngài Cúc) sinh hạ được một người con gái rất xinh đẹp, thông minh, giỏi giang hơn người, không những thế nàng còn hết lòng yêu thương dân làng, mong muốn dân làng luôn đoàn kết yêu thương lẫn nhau, nhà nhà gặp nhiều thuận lợi,  ngô được đầy thúng, thóc đựng đầy bồ. Nhưng  dân làng có miệt mài, chịu khó đến đâu thì cũng chưa thoát khỏi nạn đói nghèo. 
Một năm hạn hán kéo dài, ruộng nương khô cạn, dân làng chìm trong đói khổ. Chứng kiến cảnh tình đó, nàng vô cùng xót thương và thưa với cha tình nguyện lên đường đi tìm giống lúa mới, vía lúa về cho bản làng. Vượt qua bao nhiêu khó khăn, đi qua nhiều ảng mương, đồng lấp, đồng lạng, nước ngầu mới tìm được giống lúa,  gọi mời được vía lúa từ mường Cang Ó, mường Cang U Lang Theng. Khi đó nàng vui mừng trở về. Khi đến cửa Mường thì Nàng bị hãm hại. 
Ngài Cúc và dân làng nghe tin đã đi tìm khắp chốn mà không thấy, chỉ còn sót lại trên mảnh đất này một bó lúa quý hiếm và một đôi dép đơn sơ. Ngài Cúc và dân làng đau xót, thương tiếc, khóc than đến rung động cả một vùng Mường.  Để tỏ lòng biết ơn, Ngài Cúc cho lập miếu thờ để tưởng nhớ nàng Cúc với mong muốn cầu cho mùa màng tốt tươi, bội thu, gia đình ấm no hạnh phúc”.
Tuy nhiên, cũng có già làng khác kể lại tết Doi là để dành cho những người con đi chiến trận mà trong dịp Tết không về sum họp cùng gia đình. Trẻ em nghèo hay nhiều người đi làm ăn xa không kịp về ăn tết với gia đình thì tết Doi là lúc để quây quần bên nhau. Sau tết Doi, ai có việc ở xa thì tiếp tục lên đường, những người ở lại quê hương cũng bắt đầu công việc đồng áng.
Tết Doi bắt đầu bằng tục rước vía lúa. Đoàn rước khởi hành từ trung tâm Thu Cúc đến miếu thờ vía lúa làm lễ cúng thần linh, sau đó đón rước vía lúa về với nhân dân Mường Cúc, bản làng Mường Cúc. Thầy Mo là người dẫn đầu thực hiện nghi lễ rước vía lúa về làng. Theo quan niệm người dân nơi đây, ai đi rước vía lúa đều được nàng Cúc che chở, phù hộ và giúp lúa có đầy bồ và ngô được đầy thúng, lợn gà đầy chuồng, cuộc sống ngày càng sung túc. 
Trong suốt thời gian tổ chức lễ rước và lễ cúng vía lúa, nhà Lang nổi chiêng trống và dân bản khua đuốc rộn ràng mời gọi vía lúa. Người dân ca vang những bài hát đặc sắc mỗi vùng miền của mình để đón chào một năm mới tràn ngập niềm vui và may mắn tới gia đình. Anh Vũ Đức Yên, ở Trực Ninh, Nam Định - người rời quê hương đến với đất này làm ăn sinh sống, nói: “Tôi rất vui sướng khi được đón tết nơi đây, một nét văn hóa đẹp mà đến nay vẫn giữ vững, lễ tết Doi giúp chúng tôi cảm nhận được sự yêu thương, đoàn kết các anh em nơi đây hơn nữa khiến tôi gạt bỏ mọi suy nghĩ nơi đất khách quê người”.
Tiếng hò, tiếng hát xen lẫn tiếng khèn rộn rã khắp núi rừng, ở đâu cũng tràn ngập tiếng cười, tất cả dự cảm một mùa xuân yên vui, no đủ với  đồng bào các dân tộc thiểu số Phú Thọ đang đến thật gần.

Đọc thêm