Vén màn văn hóa trụy lạc tại WeWork dưới thời cựu CEO Adam Neumann

Vén màn văn hóa trụy lạc tại WeWork dưới thời cựu CEO Adam Neumann

(PLVN) - Các nhân viên của nhà cung cấp không gian làm việc chung (co-working) WeWork trong các cuộc chuyện trò với tờ Business Insider đã tiết lộ nhiều tình tiết gây sốc về cuộc sống bên trong một trong những công ty khởi nghiệp gây tranh cãi nhất và phát triển nhanh nhất mọi thời đại...


Cú ngã ngựa bất ngờ

Ngày 24/9 vừa qua, Adam Neumann - 1 trong 2 nhà sáng lập của Wework - chính thức rời vị trí Giám đốc điều hành (CEO) công ty, đánh dấu bước ngoặt mới trong hàng loạt những động thái gây xôn xao dư luận của công ty.

Năm 2010, Neumann và một người bạn tên Miguel McKelvey đứng ra thành lập văn phòng làm việc chung WeWork đầu tiên tại khu SoHo Manhattan. Về cơ bản, WeWork thuê các văn phòng làm việc với giá sỉ, sau đó sắp xếp, bài trí chúng lại, tạo nên các không gian làm việc chung dành cho các công ty và cá nhân có nhu cầu.

Neumann đã đứng ra thuyết phục những nhà đầu tư lớn như Softbank, Benchmark Capital và tỉ phú bất động sản Mort Zuckerman rằng phần mềm, thiết kế thông minh và cộng đồng có thể biến WeWork thành một trong những công ty công nghệ nổi bật nhất.

Kinh doanh ở một lĩnh vực còn mới mẻ nhưng chỉ sau 1 thời gian, WeWork đã phát triển mạnh mẽ, startup này đã trở thành tên tuổi có tiếng về bất động sản thương mại với hơn 10.000 nhân viên làm việc tại 29 nước. Trước khi những trục trặc phát sinh, WeWork được định giá 47 tỷ USD và dường như đang phát triển theo quỹ đạo “không thể ngăn cản”, dần tiến tới giấc mơ 100 tỷ USD của Adam Neumann.

Cựu CEO WeWork Adam Neumann.
Cựu CEO WeWork Adam Neumann. 

Tuy nhiên, đến gần đây, hoạt động của công ty trên đã tuột dốc không phanh, liên tục báo lỗ. Đỉnh điểm là vào ngày 16/9, WeWork thông báo hoãn kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) sau khi định giá của công ty chỉ là 10 tỷ USD, gần bằng 1/5 so với định giá khi công ty này đăng ký IPO vào tháng 8.

Công ty cũng phải đối mặt với sự hoài nghi ngày càng tăng về mô hình kinh doanh và khả năng quản trị doanh nghiệp. Một số đơn vị thậm chí dự báo rằng WeWork chỉ đủ tiền để tiếp tục hoạt động đến giữa năm sau. Giới phân tích nhận định, nếu WeWork không được rót thêm vốn hoặc có thực hiện cắt giảm các chi phí hoạt động một cách hợp lý, công ty này có thể phải nộp đơn xin phá sản.

Giữa tâm bão đó, mọi sự chú ý đổ dồn vào CEO của công ty Neumann, đặc biệt là các khoản đầu tư kinh doanh cũng như hàng loạt những mối quan hệ cá nhân phức tạp của ông ta trong nội bộ WeWork vốn cho thấy tiềm ẩn khả năng có xung đột lợi ích.

Các nhà đầu tư tiềm năng tỏ ra băn khoăn trước việc Neumann có quyền biểu quyết tương đương với 20 thành viên Ban giám đốc của công ty. Trong khi đó, bà Rebekah (vợ của ông ta) cũng có tiếng nói quan trọng trong việc chọn ra CEO mới nếu Neumann không thể tiếp tục đảm nhiệm chức vụ.

Sau khi những thông tin này được tiết lộ, WeWork đã chỉnh sửa lại quy định về quản trị và cấu trúc sở hữu, trong đó quyền biểu quyết của CEO của công ty chỉ còn bằng một nửa so với trước đó, đồng thời quy định toàn bộ Ban giám đốc sẽ quyết định người kế nhiệm Neumann khi cần thiết.

Người này cũng bị chỉ trích về việc đăng ký nhãn hiệu “We”, sau đó buộc WeWork mua lại với giá lên tới 5,9 triệu USD. Vụ lùm xùm sử dụng ma túy “cỏ” trên máy bay cá nhân trong chuyến đi tới Israel vào mùa hè năm ngoái của Neumann cũng bị khui lại. Theo các nguồn tin, trong chuyến bay này, phi hành đoàn đã tìm thấy một lượng lớn cần sa được nhét trong một hộp ngũ cốc trên máy bay, sau khi nhóm của Adam Neumann rời đi.

Trước những rắc rối này, Neumann chính thức thông báo rời công ty. Tuy không còn là CEO, Neumann vẫn còn số tài sản lớn liên quan đến WeWork. Theo thông tin trong hồ sơ mới nhất của công ty, Neumann và người đồng sáng lập công ty là McKelvey vẫn nắm giữ 114 triệu cổ phiếu của công ty thông qua We Holdings LLC.

Bản thân Neumann cũng sở hữu riêng 2,4 triệu cổ phiếu khác. Tờ Wall Street Journal đưa tin, ông ta sẽ nhận được gần 1,7 tỷ USD như một phần của thỏa thuận mua lại khi từ chức, trong đó có 1 tỷ USD để chi trả cho số cổ phiếu mà ông ta sẽ bán lại, 185 triệu USD phí tư vấn và khoản tín dụng 500 triệu USD.

Trước đó, Forbes ước tính tài sản của cựu CEO WeWork là khoảng 2,2 tỉ USD, giảm đáng kể so với con số hơn 4 tỉ USD ước tính ở thời điểm sau khi công ty hoàn tất vòng gọi vốn tư nhân cuối cùng. Bên cạnh cổ phần trong WeWork, Neumann cũng sở hữu một danh mục bất động sản đáng kể, trong đó có 2 ngôi nhà ở Manhattan, 1 căn nhà ở ngoại ô San Francisco được thiết kế mang hình dáng một cây guitar. Ngoài ra ông cũng có 4 tòa nhà thương mại. Tất cả đều được WeWork thuê lại.

Những chai rượu đắt tiền

Trong một thời gian, WeWork được đánh giá khá cao trong hoạt động. Bầu không khí làm việc của công ty khiến nhiều người ao ước khi được mô tả là không tồn tại ranh giới giữa công việc và vui chơi. CEO Neumann được nhiều người mô tả là một người đầy sáng tạo, say mê và hứng khởi với công việc, tích cực thúc đẩy sự phát triển của công ty, thường xuyên thổi vào nhân viên những bài phát biểu kiểu như “chúng ta đang thay đổi thế giới” đầy cảm hứng. Những cuộc vui hết mình cùng lời hứa trả lương hậu hĩnh cũng đã khiến không ít nhân viên WeWork vô cùng thích thú, ít nhất là trong thời gian đầu.

Tuy nhiên, những cuộc nói chuyện của Business Insider với 20 người hiện đang là nhân viên công ty hoặc từng làm việc tại đó, bao gồm cựu giám đốc, nhân viên và đối tác kinh doanh của WeWork đã cho thấy những góc khuất ít người biết trong “văn hóa” làm việc tại đây dưới thời cựu CEO Neumann.

Một nhân viên của WeWork cho hay, các nhân viên của công ty ở hàng trăm văn phòng trên thế giới luôn phải nhớ “nguyên tắc” là phải chắc chắn đã chuẩn bị một vài ly thủy tinh và vài chai rượu tequila cao cấp Don Julio 1942 mỗi khi CEO của họ đến thăm.

WeWork từ đỉnh cao về vực sâu...
WeWork từ đỉnh cao về vực sâu... 

Nếu không có “món” này, ông ta sẽ không hài lòng. Các cuộc họp do Neumann điều hành kéo dài nhiều giờ đồng hồ và không bao giờ thiếu rượu. Tại trụ sở ở Chelsea, văn phòng của Neumann có phòng tắm riêng lớn với vòi sen, phòng tắm hơi và bàn massage.

Nguyên tắc cần phải ghi nhớ tiếp theo là âm nhạc, nhạc luôn phải được bật ở âm lượng lớn ở các sự kiện có sự tham gia của Neumann. “Mọi thứ ầm ĩ đến mức các nhân viên như chúng tôi không thể tập trung làm bất cứ việc gì. Nhiều người ở bên ngoài phàn nàn về tiếng nhạc quá lớn nhưng nếu tắt đi, chúng tôi sẽ bị Neumann khiển trách”, người này kể lại.

Đối với những sinh viên mới ra trường, vốn chiếm phần lớn trong hàng ngũ nhân viên công ty, họ không mất nhiều thời gian để nhận ra rằng đây không phải một công việc bình thường. Tương tự nhiều startup muốn phát triển nhanh, WeWork yêu cầu các nhân viên phải làm việc nhiều giờ liên tục và phải có khả năng chịu đựng sự thay đổi đột ngột.

Như một “tấm gương” điển hình cho khả năng làm việc “điên cuồng” mà công ty đòi hỏi ở nhân viên, Neumann xây dựng cho mình hình tượng người truyền cảm hứng và tầm nhìn rộng. Để tiết kiệm thời gian, Neumann thường tổ chức các cuộc họp hay phỏng vấn xin việc trên máy bay riêng hoặc trong những chiếc xe hơi sang trọng. Bằng tài thuyết phục của mình, ông ta vẽ ra viễn cảnh thương vụ IPO 100 tỷ USD vào năm 2020 cùng mức lương vô cùng hậu hĩnh cho các nhân viên.

Đi kèm với đó tất nhiên là yêu cầu tất cả cần nỗ lực hết mình, sẵn sàng “sống và hít thở” theo cách của WeWork. Mỗi ngày, các nhân viên của công ty lại được giao các nhiệm vụ với các dự án mới, cứ vài tháng lại thay người quản lý. Những ai phàn nàn về khối lượng công việc sẽ không có tên trong bảng lương. Số lượng nhân viên công ty đã tăng từ 2.200 người vào đầu năm 2017 lên hơn 10.000 người vào năm 2019.

Các nhân viên thuộc “Thế hệ Millennial”, tức những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến những năm 2000, bị thu hút bởi tầm nhìn của Neumann cho hay họ đã phải làm việc rất vất vả, mà nhiều người cho biết là vất vả nhất trong số những công việc họ từng làm. Thời gian làm việc của họ thậm chí được đo theo cách mà họ thường nói đùa là “năm WeWork”. “Làm việc ở WeWork 1 năm giống như 10 năm tại bất kỳ công ty nào ngoài kia”, một cựu nhân viên công ty nói.

Với nhân viên, yêu cầu đặt ra khắt khe là vậy nhưng người thân của Neumann lại luôn là ngoại lệ. Theo các cựu nhân viên công ty, CEO của họ thường xuyên đưa bạn bè và các thành viên trong gia đình không có kinh nghiệm vào làm việc tại công ty. Nếu không có việc cho những người đó, các nhân viên của WeWork sẽ phải cố tạo ra một công việc nghe có vẻ hợp lý để họ làm. Thậm chí, bạn bè và người thân của Neumann còn chẳng buồn đi làm nhưng không ai có quyền sa thải họ.

Những bữa tiệc trụy lạc

Tuy nhiên, tình tiết gây sốc nhất có lẽ phải kể đến những bữa tiệc trụy lạc ở WeWork. Các nhân viên hiện tại và nhân viên cũ của công ty kể lại rằng WeWork thường tổ chức những bữa tiệc bắt buộc, ngập ngụa trong rượu, nơi tiếng những đồng nghiệp trong công ty quan hệ tình dục với nhau văng vẳng khắp nơi.

Một nhân viên của công ty cho hay, tháng 8/2018, WeWork tổ chức trại hè - chuyến đi hàng năm bắt buộc đối với nhân viên. Công ty chi trả vé máy bay cho mọi người nhưng yêu cầu các nhân viên phải... ngủ trong lều.

Nếu muốn được ở chỗ “xịn” hơn và có điện để dùng, họ sẽ phải trả thêm tiền. Trong số các hoạt động ở dịp trại hè này có các hoạt động như làm đồ thủ công, yoga, thiền, leo núi nhân tạo, bắn cung, chèo thuyền, pha chế cocktail và nếm rượu. Xen kẽ với đó là những bài phát biểu đầy cảm hứng của Neumann. Đến tối, nhân viên được thưởng thức âm nhạc do các nghệ sĩ tên tuổi biểu diễn.

Nghe thì có vẻ hay vậy nhưng một nhân viên của công ty vẫn rùng mình khi kể lại đợt trại hè “kinh khủng” đó. “Họ quan hệ với nhau trong bụi rậm hay bất cứ nơi nào họ thích. Họ công khai dùng chất kích thích. Bạn có thể nghe thấy họ ân ái với nhau trong lều bất kể ngày hay đêm. Mọi người tiểu tiện và đại tiện ngay giữa các lều vì họ say xỉn đến mức không thể vào nhà vệ sinh”, người này kể lại.

Nhiều người "quan hệ" với nhau bất kể ngày đêm trong các lều tại trại hè (Ảnh minh họa)
 Nhiều người "quan hệ" với nhau bất kể ngày đêm trong các lều tại trại hè (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, WeWork cũng tổ chức các Hội nghị thượng đỉnh - một sự kiện tập trung vào chủ đề kinh doanh của công ty. Thế nhưng, tại đây, ban ngày, các nhân viên lắng nghe cuộc trò chuyện truyền cảm hứng từ các giám đốc điều hành, còn ban đêm là thời gian cho những bữa tiệc, khiến quỹ thời gian mà họ phải ở công ty ngày càng tăng.

Theo một số người, ban đầu, văn hóa tiệc tùng của công ty khá thú vị. Song, sau nhiều tháng hay nhiều năm tại đây, các nhân viên nhận ra rằng thời gian mà họ phải dành cho công ty lên tới từ 12 giờ đến 14 giờ mỗi ngày.

Qua lời kể của những người đã, đang làm việc ở WeWork hoặc có mối liên quan đến công ty này cũng khẳng định ở đây tồn tại tình trạng phân biệt đối xử giới tính và quấy rối tình dục. Nhiều nữ nhân viên của công ty cho rằng ở WeWork, phụ nữ đóng vai trò thứ yếu. Họ được khuyến khích không nên tham dự quá nhiều, không nói quá nhiều về đóng góp của mình trong các cuộc họp lớn. Ở nhiều cuộc họp như vậy, họ được khuyến khích nhường cho đồng nghiệp nam phát biểu.

Còn những phụ nữ da màu cho hay, họ cảm thấy văn hóa của WeWork dường như luôn muốn loại họ ra khỏi công ty. Một số người kể rằng các sếp nam trong đội của họ từng mời các nữ nhân viên trẻ về lều riêng trong trại hè.

Những người khác cũng kể về việc bị quấy rối tình dục hay chứng kiến sự việc đó. Việc WeWork đã bị 2 giám đốc của công ty kiện vì cáo buộc phân biệt giới tính và để xảy ra tình trạng quấy rối tình dục phần nào chứng minh cho những tuyên bố như vậy.

Điểm đáng mừng là các trại hè với chi phí tổ chức lên tới hàng triệu USD ở WeWork đã phải dừng lại sau năm 2018. Cùng với đó, trong số các quyết định đầu tiên của CEO mới sau khi lên thay thế Neumann có việc bán chiếc chuyên cơ mà Neumann và gia đình anh ta thường sử dụng khi còn đương nhiệm để thu về một khoản tiền đáng kể. Việc chấm dứt văn hóa tiệc tùng cực đoan, những buổi họp và hoạt động không mấy lành mạnh của WeWork được nhiều nhân viên của công ty xem là sự “giải thoát”.

Lỗ ròng tăng gấp đôi

Ngày 8/11 vừa qua, WeWork đã công bố bản “kế hoạch 90 ngày”, trong đó nêu chi tiết các thay đổi sâu rộng trong công ty, nhấn mạnh vào việc thoái vốn khỏi toàn bộ “hoạt động kinh doanh không cốt lõi” và cắt giảm nhân sự. Thay vào đó, WeWork sẽ tập trung vào mảng kinh doanh không gian làm việc chung - vốn là nền tảng cốt lõi của startup này - nhằm đưa công ty ra khỏi khó khăn cũng như khích lệ tinh thần nhân viên và khuyến khích đưa ra các sáng kiến làm việc.

WeWork cũng cho hay dự kiến sẽ chuyển hướng tập trung từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (thường là các startup) sang các đối tượng khách hàng doanh nghiệp lớn hơn. WeWork còn nhấn mạnh, công ty sẽ được lãnh đạo bởi “các giám đốc có năng lực từ các mảng kinh doanh khác nhau” thay vì chủ yếu do nhà sáng lập dẫn dắt như trước.

Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau đó, ngày 13/11, WeWork báo lỗ ròng 1,25 tỷ USD trong quý 3, tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Hơn 1 tuần sau đó, startup chia sẻ văn phòng này vào ngày 21/11 cho biết sẽ sa thải 2.400 nhân viên trên toàn cầu.

Trong một thông cáo, người phát ngôn của WeWork cho biết việc sa thải nhân viên là một phần trong nỗ lực tạo ra một tổ chức hiệu quả hơn và tái tập trung vào mảng kinh doanh chia sẻ văn phòng cốt lõi. Số lượng nhân viên bị sa thải chiếm 19% tổng nhân sự 12.500 người của công ty tính tới ngày 30/6/2019.

Theo người phát ngôn của WeWork, việc sa thải đã được bắt đầu vài tuần trước tại các khu vực trên khắp thế giới và được thực hiện trong tuần qua tại Mỹ. “Việc sa thải sẽ ảnh hưởng tới khoảng 2.400 nhân viên trên toàn cầu. Họ sẽ nhận được trợ cấp thất nghiệp, phúc lợi và các hình thức hỗ trợ khác để chuyển đổi công việc.

Đây là những nhân viên vô cùng tài năng và chúng tôi biết ơn những đóng góp của họ trong việc xây dựng WeWork suốt thập kỷ qua”, thông cáo từ đại diện WeWork cho biết. Hiện chưa rõ các kế hoạch mới nói trên có giúp WeWork vực dậy trong thời gian tới hay không.

Đọc thêm