Vi phạm tại “dự án” 4 mặt tiền Đà Nẵng: Dấu hiệu thất thoát tài sản công và hợp đồng điều khoản bất thường của Tân Hiệp Phát

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 4/3/2022, Báo PLVN có bài viết “Ai “bảo kê” cho Tân Hiệp Phát vi phạm tại dự án 4 mặt tiền: Đà Nẵng cần xử lý nghiêm theo Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng”.
Dự án Tân Hiệp Phát mới chỉ vẽ ra trên giấy nhiều năm
Dự án Tân Hiệp Phát mới chỉ vẽ ra trên giấy nhiều năm

Trong thông cáo báo chí ngày 5/3/2022, Sở TN&MT cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin Báo nêu đã chỉ đạo Thanh tra Sở làm việc trực tiếp với UBND quận Sơn Trà, chuyển toàn bộ hồ sơ có liên quan dự án trên đến Sở; để kiểm tra làm rõ vi phạm. “Sở sẽ tham mưu, báo cáo UBND TP xử lý theo đúng quy định”, thông báo nêu.

Thực hiện đúng chức năng của báo chí, góp phần phục vụ công cuộc phòng chống lãng phí vi phạm, hỗ trợ cho cơ quan chức năng Đà Nẵng xử lý sự việc đúng quy định pháp luật, Báo PLVN tiếp tục công bố các thông tin, chứng cứ đã thu thập được về những khuất tất, dấu hiệu vi phạm pháp luật khác liên quan dự án này.

Vi phạm tại khu đất “điểm nhấn kiến trúc trung tâm Đà Nẵng”

Dự án trên của Cty TNHH Dịch vụ & Thương mại Tân Hiệp Phát (trụ sở Bình Dương) tại trung tâm Đà Nẵng, theo quảng cáo của Tân Hiệp Phát có tên Century Bay Hotel; “ôm” 14 ngàn m2 có 4 mặt tiền, vị trí đắc địa bậc nhất TP.

Thường trực HĐND Đà Nẵng từng đánh giá “khu đất thuộc vị trí quy hoạch điểm nhất kiến trúc của TP”. Sở Xây dựng cũng đánh giá dự án này “có quy mô lớn nằm tại vị trí điểm nhấn kiến trúc trung tâm TP” (Văn bản số 4582/SXD-QLKT ngày 17/6/2019).

Thế nhưng sau khi Tân Hiệp Phát “nhận chuyển nhượng” từ ông Phạm Đăng Quan (SN 1974, ngụ TP HCM) trong một hợp đồng chuyển nhượng có nhiều điều khoản bất thường; chưa rõ “dự án” đã được chấp thuận chủ trương đầu tư hay chưa, nhưng ngày 21/6/2019 Đà Nẵng vẫn cấp đổi “sổ đỏ” với khu đất cho Cty con của Tân Hiệp Phát (Cty CP Đầu tư Century Bay Đà Nẵng) đứng tên.

Trước đó, ngày 29/3/2018, Sở TN&MT đã lập biên bản xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai tại khu đất trên là chậm đưa đất vào sử dụng; vi phạm điểm i, khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai 2013: “Đất được Nhà nước giao, cho thuê thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong 12 tháng liên tục, hoặc tiến độ SDĐ chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư”.

Thực tế khu đất

Thực tế khu đất

Theo điều luật này, “trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng (…); hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng, thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất”. Nói cách khác là với vi phạm này, chỉ có 1 lần được “châm chước”, được gia hạn 2 năm. Nếu “tái phạm”, Nhà nước sẽ thu hồi khu đất mà không bồi thường.

Bà Trần Uyên Phương (con gái ông Trần Quí Thanh, đồng thời là cổ đông nắm giữ gần 30% vốn góp Tân Hiệp Phát, đồng thời là đại diện Century Bay Đà Nẵng) sau đó có đơn cam kết “quá 24 tháng kể từ 6/4/2018, Cty không đưa đất vào sử dụng thì Cty phải chịu thu hồi đất theo quy định pháp luật”; và được UBND quận Sơn Trà gia hạn tiến độ đưa đất vào sử dụng đến hết 6/4/2020.

Tân Hiệp Phát vẫn không thực hiện cam kết. Đến 6/4/2020, Tân Hiệp Phát vẫn không đưa khu đất trên vào thực hiện “dự án”. Lẽ ra Sở TN&MT, UBND TP Đà Nẵng phải áp dụng pháp luật và thực hiện các văn bản chỉ đạo của chính mình, ra quyết định thu hồi khu đất. Nhưng cả Tân Hiệp Phát và Đà Nẵng đều không thực hiện đúng quy định pháp luật, khu đất vẫn bị bỏ hoang, dự án vẫn không được thực hiện. Tới nay, tháng 3/2022, thêm hai năm nữa, vi phạm dây dưa kéo dài của Tân Hiệp Phát cũng chưa bị xử lý.

Cam kết của bà Trần Uyên Phương “quá 24 tháng kể từ 6/4/2018, Cty không đưa đất vào sử dụng thì phải chịu thu hồi đất theo quy định pháp luật”.

Cam kết của bà Trần Uyên Phương “quá 24 tháng kể từ 6/4/2018, Cty không đưa đất vào sử dụng thì phải chịu thu hồi đất theo quy định pháp luật”.

Dấu hiệu thất thoát tài sản công tại khu đất 4 mặt tiền

Theo hồ sơ, năm 2005, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng có công văn cho phép Ban quản lý công trình đường Bạch Đằng Đông (BQL) lập thủ tục chuyển quyền SDĐ khu đất trên cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ (hiện là TGĐ Cà phê Trung Nguyên). Ngày 4/8/2005, BQL và ông Vũ lập “Hợp đồng kinh tế” 01/2005/HĐKT-CQSDĐ về việc chuyển quyền SDĐ. UBND quận Sơn Trà cấp “sổ đỏ” cho ông Vũ, ghi rõ “đất cơ sở sản xuất kinh doanh”; thời hạn sử dụng lâu dài.

Báo cáo của một số cơ quan chức năng Đà Nẵng cho rằng đất trên thuộc dự án “Trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng và khách sạn cho thuê ven sông Trung Nguyên”. Tuy nhiên chưa rõ thực tế “dự án” trên đã có từng được thực hiện hay không, dù chỉ trên giấy tờ, hay đó chỉ là một “dự án truyền khẩu”?

Một LS thuộc Đoàn LS TP HCM băn khoăn: “Ngay từ 2005, việc “chuyển nhượng” khu đất trên đã “có vấn đề”. Không rõ việc Văn phòng UBND TP Đà Nẵng có công văn cho phép BQL lập thủ tục chuyển quyền SDĐ khu đất trên cho ông Vũ; rồi BQL và ông Vũ lập “Hợp đồng kinh tế” về việc chuyển quyền SDĐ là có đúng quy định Luật Đất đai 2003 và pháp luật liên quan hay không?”.

Cũng theo LS trên, theo bảng giá đất UBND Đà Nẵng có hiệu lực năm 2005, thì vị trí 1, đường loại 1, đất cơ sở sản xuất kinh doanh tại đô thị Đà Nẵng có giá 8,4 triệu đồng/m2. Vậy tại sao Đà Nẵng lại chỉ “chuyển quyền SDĐ” cho ông Vũ với giá 3,8 triệu đồng/m2?. “Tôi cho rằng ngay từ giai đoạn này, liên quan khu đất đã có dấu hiệu của hành vi thất thoát tài sản Nhà nước, và cần xem lại thẩm quyền của BQL khi lập “Hợp đồng kinh tế” với ông Vũ”, LS nói.

Thực tế cho thấy băn khoăn trên của vị LS là có cơ sở. Năm 2008, ông Vũ đã chuyển nhượng khu đất trên cho ông Phạm Đăng Quan (SN 1974, ngụ TP HCM). Thế nhưng 10 năm sau, Sở Tài chính vẫn có Văn bản 896/STC-GCS ngày 16/3/2018 gửi ông Nguyên Vũ, cho biết theo một Kết luận Thanh tra, với khu đất trên, ông Vũ phải nộp thêm vào ngân sách nhà nước gần 550 triệu đồng.

Trong Văn bản số 269/CV-VPĐKĐĐ của Văn phòng Đăng ký Đất đai (Sở TN&MT) ngày 11/5/2018, thì khoản tiền trên được gọi là “thu hồi số tiền thất thu”.

Chứng từ cho thấy Tân Hiệp Phát sau đó đã nộp số tiền này vào ngày 18/4/2018.

Cũng trong Văn bản 896/STC-GCS, dự án được gọi là “Dự án khu đất công trình công cộng phía Bắc đường dẫn vào cầu sông Hàn (cao ốc TN)” chứ không phải “Trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng và khách sạn cho thuê ven sông Trung Nguyên”.

Muốn bán đất, phải “xin phê duyệt chủ trương xây dựng” cho Tân Hiệp Phát

Từ 2008 - 2011, hai khu đất liên tục được thế chấp cho Cty Phương Trang; Cty CP Xây dựng 79 của Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”, hiện là phạm nhân trong nhiều vụ án - NV)…

Cùng trong một ngày 30/12/2016, có 2 sự kiện xảy ra với khu đất. Thứ nhất, Chi nhánh VPĐKĐĐ Sơn Trà điều chỉnh mục đích SDĐ từ đất cơ sở sản xuất, kinh doanh sang đất thương mại dịch vụ, thời hạn 50 năm, ông Quan trả tiền thuê hàng năm. Thứ hai, ông Quan ký hợp đồng “chuyển nhượng” khu đất cho Tân Hiệp Phát với giá 771 tỷ đồng (trung bình 50 triệu đồng/m2).

Hai sự kiện diễn ra quá “trùng hợp”, nên trong hợp đồng, tại phần miêu tả lô đất chuyển nhượng (Điều 1), phần ghi mục đích SDĐ là “Đất cơ sở sản xuất kinh doanh” rồi viết tay vào sau “Đất thương mại dịch vụ”.

Hợp đồng chuyển nhượng giữa Tân Hiệp Phát và ông Quan có nhiều điều khoản bất thường.

Theo Điều 5 hợp đồng, trong 6 tháng, ông Quan phải “làm các thủ tục với cơ quan thẩm quyền để xin phê duyệt chủ trương xây dựng tại lô đất trên theo yêu cầu của Tân Hiệp Phát (nếu có) như độ cao, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, công năng công trình xây dựng và các nội dung khác”.

Nếu ông Quan không làm được các việc trên trong thời hạn 6 tháng, thì phải trả lại cho Tân Hiệp Phát toàn bộ số tiền, và “trong mọi trường hợp, Tân Hiệp Phát không bị cấn trừ” 1 xu nào. Nếu ông Quan không hoàn trả tiền, thì phải trả lãi cho Tân Hiệp Phát 2%/tháng (Điều 6 hợp đồng).

Đến năm 2019 Sở TN&MT cấp GCN với sổ đỏ mới khu đất cho công ty con của Tân Hiệp Phát.

Đến năm 2019 Sở TN&MT cấp GCN với sổ đỏ mới khu đất cho công ty con của Tân Hiệp Phát.

Để “chuyển nhượng” được khu đất trên cho Tân Hiệp Phát, ông Quan cũng phải “cam kết không có bất cứ thông tin, chủ trương thay đổi mục đích SDĐ, thu hồi đất nào liên quan khu đất” vào ngày 30/12/2016 là thời kiểm ký bán đất cho Tân Hiệp Phát (Điều 7 hợp đồng).

Không rõ Tân Hiệp Phát và ông Quan đã thực hiện các “thỏa thuận” trên ra sao, nhưng mãi gần hai năm sau, 9/5/2018, khi Sở TN&MT đã lập biên bản xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai là chậm đưa đất vào sử dụng tại khu đất trên; ông Quan và Tân Hiệp Phát mới làm thủ tục sang tên “sổ đỏ”. Ông Quan bị phạt chậm nộp hơn 7,6 tỷ đồng, Tân Hiệp Phát lại nộp thay.

Ông Trần Phước Lộc (SN 1976, ngụ quận 6, TP HCM), một người tố cáo bà Trần Uyên Phương “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua hợp đồng giả cách (vụ việc này, ngày 9/3/2021, Bộ Công an đã có Quyết định khởi tố vụ án hình sự 20/QĐ-VPCQCSĐT-P4 sau khi C01 sau khi kiểm tra, xác minh đơn tố giác, “xác định có dấu hiệu tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS), nhận xét: “Không loại trừ đây cũng là một vụ vay tiền rồi bị buộc phải ký giả cách hợp đồng “chuyển nhượng”, sau đó hai bên phát sinh mâu thuẫn”.

Về phía LS, thì băn khoăn: “Vậy thực sự thì trên khu đất này, đến thời điểm 30/12/2016, có “dự án” hay không?”.

Lá đơn nội dung bất thường có đóng dấu Cty Tân Hiệp Phát

Nhận xét của ông Lộc là có cơ sở, khi ngày 29/3/2018, Sở TN&MT lập biên bản xác định vi phạm tại khu đất, dù đã “chuyển nhượng” khu đất cho Tân Hiệp Phát gần 2 năm trước, ông Quan vẫn “có đơn xin gia hạn thời hạn SDĐ”.

Tới tháng 5/2018, UBND TP Đà Nẵng nhận được văn bản ghi ngày 3/5/2018 đóng dấu Tân Hiệp Phát, do ông Nguyễn Anh Tuấn (Nam) ký tên (không phải là Vũ Anh Tuấn người của Tân Hiệp Phát bị Công an Bà Rịa – Vũng Tàu kết luận thông đồng dìm giá khi đấu giá khu đất 8ha tại Côn Đảo hồi cuối 2021 – NV).

Ở đầu thư, ông Tuấn xưng là “Giám đốc điều hành và phụ trách các dự án (Cty Tân Hiệp Phát tại miền Trung và Tây Nguyên). Cuối đơn, ông Tuấn lại ghi là “Giám đốc điều hành và phụ trách các dự án miền Trung”.

Dù đã mua của ông Quan khu đất trên, đơn đóng dấu Tân Hiệp Phát lại nhắc đến mối quan hệ với ông Quan “chúng tôi không có ý định liên kết liên doanh với bất cứ Cty nào và với ông Phạm Đăng Quan để triển khai dự án (vì chúng tôi đã hoạch định kế hoạch cũng như sắp xếp đủ khả năng tài chính để thực hiện, không muốn bất kỳ ai tham gia trong việc kinh doanh của Cty và thực hiện dự án của tập đoàn chúng tôi.)”.

Văn bản ghi ngày 3/5/2018 đóng dấu Tân Hiệp Phát, nhưng do ông Nguyễn Anh Tuấn (Nam) ký tên.

Văn bản ghi ngày 3/5/2018 đóng dấu Tân Hiệp Phát, nhưng do ông Nguyễn Anh Tuấn (Nam) ký tên.

“Chúng tôi không nợ hay nhận góp vốn của bất cứ Cty nào hay cá nhân nào nên cần phải liên kết với họ mới được triển khai dự án như theo đề nghị của một số quý cấp”.

Đơn đóng dấu Tân Hiệp Phát đề nghị UBND Đà Nẵng “quan tâm xem xét và duyệt cho Cty chúng tôi được cấp phép có tư cách pháp nhân ký hợp đồng để triển khai dự án”.

Văn bản do ông Nguyễn Anh Tuấn ký tên này vào ngày 8/5/2018 được một lãnh đạo Đà Nẵng bút phê “chuyển GĐ Sở TN&MT xử lý”.

Những bất thường khác liên quan khu đất và “dự án” trên khu đất này, PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.

Đọc thêm