Vì sao không nhập khẩu xăng dầu giá rẻ?

 Câu chuyện nhập khẩu xăng dầu giá rẻ một lần nữa lại đặt ra câu chuyện: tồn tại những nguồn cung giá rẻ hơn trong khi các nhà nhập khẩu Việt Nam dường như chưa quan tâm đúng mức vấn đề này.
Câu chuyện nhập khẩu xăng dầu giá rẻ một lần nữa lại đặt ra câu chuyện: tồn tại những nguồn cung giá rẻ hơn trong khi các nhà nhập khẩu Việt Nam dường như chưa quan tâm đúng mức vấn đề này.

80% thị phần xăng dầu nằm trong tay 3 “đại gia” nhập khẩu. Quy định về bán lẻ đã tạo ra quy trình khép kín khiến cho thị trường thiếu tính cạnh tranh. Ảnh minh họa: Trần Việt

Câu chuyện 5 năm trước

Năm 2006, Cty Tư vấn và Thương mại Hải Vân (do ông Phạm Ngọc Hà làm Giám đốc) được Cty Australian Crucible Minerals (ACM) giới thiệu làm đại diện, môi giới bán xăng dầu vào Việt Nam. Cty ACM thay mặt Cty Project Equity Nominees (PEN) – Cty con của Project Equity Service Group (PESG) giao dịch chào hàng.

Theo chào hàng, thay vì phương thức hiện giờ các nhà nhập khẩu xăng dầu Việt Nam nhập vào  là giá Platt’s FOB Singapore (giá chào của sàn giao dịch dầu mỏ khu vực), nhà nhập khẩu phải chịu chi phí vận chuyển và bảo hiểm vận chuyển (ước tính tốn khoảng 700 – 800 triệu USD mỗi năm), thì PESG sẽ bán dầu cho Việt Nam theo phương thức giá Platt’s CIF Vietnam Port (chuyển tận cảng của Việt Nam), cùng với mức chiết khấu nhất định. Với phương thức này, nhà nhập khẩu Việt Nam sẽ không phải chịu chi phí vận chuyển và bảo hiểm vận chuyển, bên bán cũng sẽ có lợi là đường vận chuyển ngắn hơn, không phải tốn chi phí kho bãi bốc dỡ.

Bên bán cũng cam kết sẽ cho bên mua trả chậm không lãi suất một khoảng thời gian tới 13,5 tháng, cam kết cung cấp hàng hóa trong thời gian đủ  mức đảm bảo an ninh năng lượng (10 năm)… Bên bán dự tính, với những ưu đãi này, giá xăng vào Việt Nam sẽ rẻ hơn mức giá mà các nhà nhập khẩu Việt Nam vẫn đang giao dịch, chưa kể nguồn lợi về môi trường từ các chỉ tiêu kỹ thuật sản phẩm mà họ chào bán.

Thế nhưng, lời chào hàng hấp dẫn này đã bị hai công ty nhận được lời chào hàng lúc đó là Petrolimex và Vinapco từ chối với nhiều lý do khác nhau (bên bán chào sỉ trong khi các DN Việt Nam mua lẻ, những bất tiện do việc mở thư bảo lãnh tại ngân hàng… ).

Câu chuyện này đã khuấy động dư luận suốt một thời gian dài, lôi kéo sự chú ý, tham gia của nhiều cơ quan chức năng và chuyên gia kinh tế.

Mối quan tâm hiện tại

Ông Phạm Ngọc Hà – Giám đốc Cty Hải Vân – DN được ủy quyền chào hàng ở Việt Nam  - mới đây đã gửi tới Kiểm toán Nhà nước một phép tính cho rằng, khi các nhà nhập khẩu Việt Nam từ chối những ưu đãi của bên bán – tập đoàn PESG – đã khiến nhà nước và người tiêu dùng thiệt hại tới 3 tỷ USD mỗi năm (gồm chi phí vận tải và bảo hiểm, chiết khấu của bên bán dành cho bên mua, trả chậm không lãi suất). Đó là chưa kể xăng dầu hiện đang tiêu dùng ở Việt Nam chỉ đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam TCVN có chất lượng thấp hơn xăng dầu chào hàng có chất lượng quốc tế (hệ ASTM), gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề hơn và ảnh hưởng tiêu cực tới độ bền của máy móc.

Mới đây, trước những tranh cãi thiệt hơn về việc giao dịch xăng dầu theo phương thức này, phía cung cấp đã ngỏ ý bán thử cho Việt Nam 1 lô hàng 100.000 tấn (+- 5%) theo giá Platt’s CIF Việt Nam Port, chất lượng quốc tế (ASTM), cho trả chậm 12 tháng. Bên bán đặt trước Bond 2% và chịu phạt 5% giá trị lô hàng nếu không đảm bảo hợp đồng.

Chưa có câu trả lời rõ ràng cho lời chào hàng hấp dẫn này, nhưng rõ ràng, trên thực tế tồn tại cả các phương thức giao dịch linh hoạt hơn việc chỉ giao dịch tại các sàn giao dịch. Có thể, việc giao dịch không theo phương thức các nhà nhập khẩu Việt Nam đang thực hiện sẽ tốn công sức theo sát thị trường, săn đón thị trường và có thể chịu rủi ro nếu doanh nghiệp không phán đoán tốt thị trường. Trong khi đó, việc giao dịch qua sàn giao dịch dầu giá cao hơn một chút, phải tốn chi phí vận chuyển, bảo hiểm, thì vẫn có thể được nhà nước miễn giảm thuế, đồng thời được toàn bộ người tiêu dùng chia sẻ gánh nặng lỗ lãi thông qua Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Tuấn An

Đọc thêm