Càng nhiều, càng... ít
Quy định là thế nhưng thực trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán thì diễn ra không ngơi nghỉ, có vẻ như càng ngày càng mạnh và phức tạp hơn nhiều.
Theo quan sát của phóng viên tại nhiều tuyến phố nội đô, tình trạng họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa, sửa chữa xe, rửa xe, đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo, làm mái che trên lòng đường đô thị, hè phố hoặc thực hiện các hoạt động, dịch vụ khác trái phép trên lòng đường đô thị, hè phố gây cản trở giao thông xảy ra thường xuyên.
Cụ thể là trên tuyến đường Nguyễn Trãi, đoạn từ ngã tư Khuất Duy Tiến đến Hà Đông, tôi không thấy có một vỉa hè nào dành cho người đi bộ. Vạch vôi trắng rõ nét ghi phần đường dành cho người đi bộ nhưng đã bị chiếm dụng làm chỗ để xe máy, kinh doanh nước uống.
Thậm chí, tại địa điểm Ngã Tư Sở, người đi bộ phải đi xuống lòng đường bởi phần đường của họ đã bị “chiếm” làm chỗ kinh doanh. Đến những giờ cao điểm, các quán hàng lại đông đúc, đội quân cò mồi thi nhau làm việc, chúng chửi mắng và xua đuổi người đi bộ.
Không chỉ có Ngã Tư Sở, địa điểm Nguyễn Quý Đức (quận Thanh Xuân) và đường Nguyễn Xiển là hai tụ điểm, “hai đại bản doanh” có tiếng ở Hà Nội về buôn bán, kinh doanh lấn chiếm vỉa hè.
Chính quyền làm gì?
Thời gian gần đây, chính quyền, công an đã vào cuộc, xử lý nghiêm nhiều trường hợp lấn chiếm vỉa hè, chiếm dụng lòng đường. Một ngày có tới 5-6 lượt công an phường đến nhắc nhở và xử phạt. “Chúng nhanh lắm, chỉ cần có công an ở đầu đường thì cuối đường họ đã thu dọn hết đồ đạc vào trong rồi”.
Tạt vào một quán nước trên đường Nguyễn Trãi, lân la hỏi thăm thì được chị chủ quán nước chia sẻ: “Bọn chị phải thường xuyên chạy công an. Buổi sáng thì họ lùng, chỉ bán được từ 10h đến 2h chiều, tranh thủ lúc họ ăn uống nghỉ ngơi mình mang hàng ra bán”.
Khi được hỏi về vấn đề chuyển nhượng hay sang tên, bán suất kinh doanh buôn bán từ người này sang nguời khác, chị bán nước thẳng thắn cho biết: “Không có đâu em ạ, chị bán nước ở đây mười mấy năm, chưa thấy có tình trạng bán chỗ hay sang tên gì cả. Thời buổi người khôn của khó, nếu có thì chỉ toàn anh em, gia đình trong nhà thôi. Như chị đây, mẹ chị bán nước ở đây từ năm 1997, đến năm 2003 thì nhường lại chỗ này cho chị bán, người ngoài làm gì có được vào”.
Có thể nhận thấy chiêu trò lách luật của những người kinh doanh buôn bán lấn chiếm vỉa hè rất nhiều. Thêm vào đó là việc quản lý của chính quyền, lực lượng công an chưa được chú trọng, chưa làm hết khả năng.
Mặt khác, một số bộ phận chính quyền còn liên kết với chủ các quán hàng kinh doanh, kiếm chút lợi lộc để hai bên cùng có lợi: “Những quán nước nhỏ lẻ như chị đây thì họ không bao giờ nhận tiền đâu em. Được mấy đồng thì họ lấy làm gì, có lấy thì họ lấy ở mấy tụ điểm buôn bán ở Nguyễn Quý Đức và Nguyễn Xiển em ạ”.
Thực tế, chính quyền có làm nhưng chưa làm hết khả năng của mình. Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán vẫn diễn ra như bình thường. Có xử lý thì cũng chỉ xử lý được những hành vi buôn bán kinh doanh nhỏ, còn cái “đại bản doanh” vi phạm thì chưa thấy đâu. Cần phải có những biện pháp mạnh hơn nữa, xử lý nghiêm hơn nữa thì mới chấm dứt được tình trạng trên.
Nghị định 71/2012/NĐ-CP quy định hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 30 triệu đồng, trong đó hành vi bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng. Hành vi cấm họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa, sửa chữa xe, rửa xe, đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo, làm mái che trên lòng đường đô thị, hè phố hoặc thực hiện các hoạt động, dịch vụ khác trái phép trên lòng đường đô thị, hè phố gây cản trở giao thông đều được qui định rõ trong Nghị định.