Việc THA đối với Cty Vĩnh Tường: Khổ vì “được nhận mà chưa được giao”

(PLO) - Sau hơn 4 tháng thực hiện việc cưỡng chế thi hành án (THA), buộc Cty Vĩnh Tường phải bàn giao Khách sạn Wooshu cho Cty Vĩnh Thiện Đồng Nai, đến nay nhiều tài sản vẫn chưa hoàn tất thủ tục bàn giao khiến người được THA vẫn không thể sử dụng tài sản.
Kiểm đếm tài sản để niêm phong tài sản phải bàn giao
Trên đã thông, dưới vẫn lúng túng
Ngày 23/5, theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo công tác THA, Cục THA dân sự tỉnh Đồng Nai đã thực hiện việc cưỡng chế THA, buộc Cty Vĩnh Tường phải giao Khách sạn Wooshu cho Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (SDĐ) và tài sản gắn liền với đất để đối trừ  khoản nợ vay tương đương hơn 11 triệu USD (bao gồm cả tiền lãi).
Tuy nhiên, đến nay việc THA vẫn chưa được thực hiện dứt điểm. Nhiều tài sản hiện chỉ được Cục THA dân sự tỉnh Đồng Nai tạm giao cho Cty Vĩnh Thiện Đồng Nai quản lý, với lý do những tài sản này không nằm trong danh mục tài sản được ban hành kèm theo bản án. Thời điểm nhận tài sản, mặc dù không thống nhất với việc “tạm giao” này nhưng Cty Vĩnh Thiện Đồng Nai vẫn nhận quản lý để chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Theo Bản án số 317/2013/DS-PT ngày 18/10/2013 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM thì Tòa án công nhận thỏa thuận chuyển nhượng quyền SDĐ và tài sản gắn liền với đất giữa Cty Vĩnh Thiện Đồng Nai và Cty Vĩnh Tường ký ngày 12 và 13/7/2012. Theo thỏa thuận thì toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (Khách sạn Wooshu) bao gồm ngoại thất và nội thất của tòa nhà này đều thuộc đối tượng chuyển nhượng. 
Kèm theo Bản án là một danh mục được liệt kê chi tiết tài sản do công ty thẩm định giá lập. Tuy nhiên, danh sách tài sản liệt kê chưa đầy đủ các tài sản gắn liền với đất. Vì vậy, cơ quan THA đã lúng túng vì không biết phải “giao tất cả” tài sản gắn liền với đất hay giao theo danh mục kèm theo Bản án. Thế nên, những tài sản ngoài danh mục mới chỉ được “tạm giao”.
Giải quyết vướng mắc này, ngày 29/4/2014, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM đã có văn bản giải thích rõ rằng, Tòa công nhận sự thỏa thuận của các bên theo hợp đồng chuyển nhượng quyền SDĐ và tài sản gắn liền với đất nên tất cả tài sản có tại thời điểm ký hợp đồng đều phải chuyển giao. Danh sách kèm theo Bản án được liệt kê theo chứng thư thẩm định giá chỉ phản ánh mức độ hoàn thành của công trình xây dựng, không phải là toàn bộ tài sản gắn liền với đất. Mặc dù văn bản này của Tòa án có trước thời điểm cưỡng chế nhưng cơ quan THA vẫn phải đợi hướng dẫn cụ thể hơn.
Ngày 18/7/2014, Tổng cục THA dân sự cũng đã có Văn bản số 2197/TCTHADS-NV1 hướng dẫn Cục THA dân sự Đồng Nai thi hành bản án này. Tổng cục THA dân sự cũng đã nhắc lại việc TANDTC đã giải thích rõ bản án đã công nhận thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ tài sản gắn liền với đất, bao gồm nội thất và ngoại thất của Khách sạn Wooshu thì tất cả các tài sản hiện hữu trên đất tại thời điểm chuyển nhượng đều là đối tượng phải bàn giao.
Ngoài ra, Tổng cục THA dân sự hướng dẫn thêm, trường hợp Cty Vĩnh Tường cho rằng tài sản nào không thuộc đối tượng bàn giao thì phải chứng minh tài sản đó chưa tồn tại tại thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản (tức ngày 12/7/2012). Tuy nhiên, đến nay Cty Vĩnh Tường đã không chứng minh được điều này.
Công ty Vĩnh Tường “nuôi mộng” đảo ngược vụ kiện
Mặc dù Tòa án đã giải thích bản án rõ ràng và Tổng cục THA dân sự cũng đã có hướng dẫn nhưng đến nay, Cục THA dân sự tỉnh Đồng Nai vẫn tỏ ra lúng túng. Trong buổi làm việc ngày 24/9/2014 với Cty Vĩnh Thiện Đồng Nai, Cục THA dân sự tỉnh Đồng Nai cho biết đã yêu cầu Cty Vĩnh Tường chứng minh tài sản của họ có trước ngày 12/7/2012 trong vòng 1 tháng kể từ ngày 4/8/2014. Tuy nhiên, đã hết thời hạn trên mà Cty Vĩnh Tường vẫn không có ý kiến gì. Vì thế, Cục THA dân sự sẽ sớm giao tài sản cho Cty Vĩnh Thiện Đồng Nai.  
Không biết việc giao tài sản sẽ được thực hiện vào thời điểm nào. Nhưng, việc Cty Vĩnh Thiện Đồng Nai chưa được giao toàn bộ tài sản gắn liền với đất đã khiến cho Công ty này tiếp tục “khổ sở” vì chỉ biết trông coi tài sản mà chưa thể thực hiện các quyền của chủ tài sản. Khối tài sản rất lớn không thể khai thác và lại phải chịu chi phí quản lý khiến Công ty như ngồi trên đống lửa. Những người lao động của Khách sạn Wooshu cũng phải “dài cổ” chờ ngày được trở lại làm việc dẫn đến người bị thiệt hại không chỉ là Cty Vĩnh Thiện Đồng Nai.
Không những thế, hiện nay Cty Vĩnh Tường tiếp tục theo đuổi mục đích “đảo ngược” vụ án. Theo đơn thư mà bà Linda Tan Woo, Chủ tịch Cty Vĩnh Tường gửi một số cơ quan báo chí và các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương, bà Linda Tan Woo tiếp tục “tố” các cơ quan tố tụng đã xét xử vụ án không khách quan và vi phạm tố tụng nhằm mục đích được “kháng nghị hủy án”. 
Bên cạnh đó, bà Linda Tan Woo tiếp tục nói lại “bài cũ” rằng, số tiền tương đương 10 triệu USD mà Cty Vĩnh Tường nhận từ Cty Orient là tiền để hợp tác kinh doanh sòng bạc. Việc này đã được Tòa Phúc thẩm làm rõ trong phiên tòa phúc thẩm vì Cty Vĩnh Tường không có dự án kinh doanh sòng bạc nào tính cho đến thời điểm này. Thế nhưng, luận điệu trên tiếp tục được bà Linda Tan Woo “diễn lại” nhằm thoái thác trách nhiệm trả nợ và hy vọng đòi lại Khách sạn Wooshu đã được chuyển nhượng để khấu trừ khoản nợ.
Việc Tòa án buộc Cty Vĩnh Tường phải giao tài sản để đối trừ khoản nợ mà Công ty này vay là đúng pháp luật, hợp đạo lý. Do đó, Ban Chỉ đạo công tác THA tỉnh Đồng Nai cần tích cực chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm sớm kết thúc việc thi hành bản án để hạn chế những thiệt hại cho Cty Vĩnh Thiện Đồng Nai và người lao động được đi làm trở lại tại khách sạn.

Đọc thêm