Việt Nam cần cơ chế khuyến khích doanh nghiệp FDI tăng vốn chủ sở hữu

(PLVN) - Ngày 28/2, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã làm việc tại Bộ Tài chính về thực trạng tài chính của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), chính sách ưu đãi thuế, tài chính với khối doanh nghiệp này hiện nay. 
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp

Đây là cuộc họp cuối cùng trong chuỗi hoạt động dài một tháng qua của Phó Thủ tướng với các địa phương nhằm định hướng chính sách thu hút, sử dụng FDI trong giai đoạn 10 năm tới của đất nước.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết có 21.400 doanh nghiệp FDI hoạt động trên cả nước (chiếm khoảng 3% tổng số doanh nghiệp). Tổng hợp báo cáo tài chính của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài từ năm 2011- 2017 cho thấy quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh duy trì mức tăng trưởng cao về doanh thu và lợi nhuận. Riêng năm 2017, doanh thu tăng 28% so với năm 2016, cao hơn tốc độ tăng tài sản (22%) và tốc độ tăng vốn chủ sở hữu (14%) cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI rất thuận lợi. Bộ Tài chính đánh giá doanh nghiệp FDI đóng góp tích cực vào nền kinh tế với kim ngạch xuất nhập khẩu (chiếm trên 70%), thu ngân sách nhà nước (chiếm 15%).

Hiện nay, ưu đãi tài chính của Việt Nam tập trung vào 3 lĩnh vực: Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu và ưu đãi tài chính đất đai. Tuy nhiên, chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam không ổn định nên doanh nghiệp không dự tính được hiệu quả kinh doanh trong dài hạn, khó thu hút FDI; một số ngành thực hiện ưu đãi thuế chưa đạt được mục tiêu phát triển nội địa hóa và công nghệ cao...

Chỉ ra thực trạng chưa kiểm soát được, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đặt vấn đề: “Tại sao 52% doanh nghiệp FDI báo lỗ mà vẫn mở rộng hoạt động và tốc độ mở rộng cao hơn. Cái này rất quan trọng, chúng tôi sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hiện vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp FDI là 1,5 triệu tỷ đồng và tổng tài sản 5 triệu tỷ đồng là con số rất lớn thì người ta bỏ vốn thực không, tổng tài sản thực không? Còn Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng dẫn số liệu đáng chú ý về tình trạng doanh nghiệp FDI vốn mỏng “tay không bắt giặc”. Qua kiểm soát 140 doanh nghiệp có vốn vay gấp trên 4 lần vốn chủ sở hữu, bà Hồng cho biết 100% số doanh nghiệp này đều là FDI, cá biệt có doanh nghiệp có tỷ lệ gấp hàng trăm lần như Samsung Display, Capitalland Tower,...

Kết luận vấn đề, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Việt Nam cần có cơ chế ưu đãi linh hoạt hơn, kể cả biện pháp phi tài chính để thu hút các dự án lớn quan trọng từ các tập đoàn đa quốc gia, nhất là các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở chính, trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Cùng với đó, cần chú trọng hoàn thiện chính sách về sử dụng đất trong và ngoài khu công nghiệp, nâng cao hiệu suất đầu tư trên 1ha đất sử dụng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng đầu tư và bảo đảm nhu cầu phát triển đô thị, xã hội.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng Việt Nam cần có cơ chế kiểm soát doanh nghiệp FDI nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong cơ cấu vốn đầu tư, khuyến khích họ tăng vốn chủ, giảm vốn vay khắc phục tình trạng vốn mỏng, cũng như cơ chế kiểm soát tài sản hình thành sau đầu tư để khắc phục tình trạng chuyển giá. Xây dựng hệ thống chuyên biệt trong Thanh tra thuế để xử lý tình trạng chuyển giá hiệu quả hơn; xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin quốc gia chia sẻ thông tin FDI từ đăng ký, đầu tư mở rộng, doanh thu, lợi nhuận, chi phí. 

Đọc thêm