Viettel báo cáo sai trong vụ“rũ bỏ” hệ thống trạm BTS từ EVN Telecom?

Sau khi Viettel khẳng định đã đề nghị và sẵn sàng đưa các vấn đề chưa thống nhất giữa các bên ra giải quyết tại cơ quan tố tụng theo điều khoản về giải quyết tranh chấp ghi trong hợp đồng, các DN cũng bày tỏ, nếu giải quyết trực tiếp với nhau không “êm thấm” thì đưa ra tòa cũng là giải pháp mà họ muốn để “dứt điểm” tranh chấp này.

Sau khi Viettel khẳng định đã đề nghị và sẵn sàng đưa các vấn đề chưa thống nhất giữa các bên ra giải quyết tại cơ quan tố tụng theo điều khoản về giải quyết tranh chấp ghi trong hợp đồng, các DN cũng bày tỏ, nếu giải quyết trực tiếp với nhau không “êm thấm” thì đưa ra tòa cũng là giải pháp mà họ muốn để “dứt điểm” tranh chấp này.

Văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ của Viettel

“Bảo đảm nguyên trạng” là thế nào?

Viettel viện dẫn Quyết định 1820/QĐ-BQP ngày 01/06/2012 về phương án tái tổ chức lại EVN Telecom cho phù hợp với mô hình tổ chức, chiến lược phát triển của Viettel được Bộ Quốc phòng phê duyệt và điểm d khoản 2 điều 10 về chấm dứt hợp đồng số 06-2010/HĐKT được ký giữa công ty Hoàn Đức và Cty CP xây dựng thiết bị điện và viễn thông Ánh Dương (là các công ty xây dựng nhà trạm cho thuê tự nguyện) để làm cơ sở chấm dứt hợp đồng đối với các vị trí trạm phát sóng.

Về vấn đề này, trong phản ánh tới báo Pháp luật Việt Nam và các cơ quan báo chí khác, các DN xã hội hóa (gồm Cty CP dịch vụ bưu chính viễn thông Hoa Phát, Cty CP tư vấn và đầu tư viễn thông tin học, Cty CP tập đoàn ĐTTM CN King Han, Cty CP viễn thông CSC, Cty CP phát triển hạ tầng điện và viễn thông) cho rằng Viettel đã làm trái với điều 2 tại Quyết định 2151 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm nguyên trạng cơ sở hạ tầng viễn thông, các quyền và nghĩa vụ pháp lý đối với khách hàng và đối tác của EVN Telecom trước đây.

Các doanh nghiệp cho rằng việc hành xử của Viettel khi “rũ bỏ” các cam kết giữa EVN Telecom và các doanh nghiệp xã hội hóa là không thực hiện đúng yêu cầu “đảm bảo nguyên trạng”, còn đại diện của Viettel trong trao đổi với Pháp luật Việt Nam lại cho rằng, cách hiểu của doanh nghiệp về “đảm bảo nguyên trạng” là máy móc.

Viettel có báo cáo sai?

Viettel cho rằng, tập đoàn này tiến hành chấm dứt hợp đồng theo đúng quy trình thủ tục, đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán tiền thuê nhà trạm kể từ thời điểm tiếp nhận đến khi hợp đồng chấm dứt cho các công ty này. Cho đến thời điểm này, Viettel không nợ tiền thuê nhà đặt trạm bất kỳ DN nào thỏa thuận với EVN Telecom trước đây.

Trong khi đó, trình ra một số chứng từ, các DN này khẳng định, điều này là không đúng sự thật, rằng hiện nay Viettel và các công ty đó chưa hoàn tất thủ tục thanh lý và chưa ký kết các biên bản thanh lý hợp đồng theo quy định của pháp luật, và Viettel vẫn còn nợ tiền thuê cơ sở hạ tầng trạm BTS theo như cam kết trong hợp đồng đã ký.

Ngày 18/3/2013 chi nhánh Viettel Hà Nội ra văn bản gửi các công ty nói trên yêu cầu phải thanh lý hợp đồng đến ngày 31/12/2012 thì mới được thanh toán các khoản nợ trong năm 2012. Tuy nhiên, dù các công ty đã xuất hóa đơn tài chính năm 2012 nhưng đến nay Viettel vẫn chưa trả hết tiền nợ đọng năm 2012.

Công văn số 1888/VTQĐ-PC ngày 21/6/2012 của Viettel cũng được các DN đưa ra làm “bằng chứng” cho rằng Viettel báo cáo sai sự thật. Đây là văn bản phúc đáp công văn số 4359/VPCP-KNTN ngày 15/6/2012 của Văn phòng Chính phủ liên quan đến 08 DN có đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ.

“Trên thực tế, những nội dung báo cáo nêu trên của Viettel là sai sự thật. Thứ nhất, về thời gian, từ khi xảy ra tranh chấp đến nay, Tập đoàn Viettel mới chỉ họp với các DN lần đầu tiên vào ngày 13/3/2013, trong khi đó, công văn 1888 ngày 21/6/2012 lại báo cáo đã làm việc với các DN. Thứ hai, tại công văn bày, Viettel cam kết việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn sẽ đảm bảo đúng quy định của pháp luật, nhưng thực tế hành xử của Viettel hoàn toàn ngược lại” – đại diện các doanh nghiệp nói.

Bách Linh

Đọc thêm