Nhạc sĩ Thuận Yến tên thật là Đoàn Hữu Công, sinh ngày 15/8/1935, quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam. Ông tham gia công tác từ năm 1949, là cán bộ văn nghệ của Đoàn văn công Khu ủy Liên khu V, sau đó theo học lớp Trung cấp sáng tác tại Trường âm nhạc Việt Nam.
Năm 1965, ông lên đường trở lại chiến trường sáng tác, lấy bút danh là Thuận Yến, với những ca khúc của thời kỳ này như: Hát mừng quê ta giải phóng, Mỗi bước ta đi, Bài ca tiếp vận, Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin.
Có mặt trên chiến trường Trị Thiên - Huế, nhạc sĩ Thuận Yến đã viết ca khúc Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc được nhanh chóng phổ biến rộng rãi ở cả hai miền Nam, Bắc.
Trở lại miền Bắc theo học Đại học Sáng tác nhạc viện Hà Nội, ông đã sáng tác một số tác phẩm khí nhạc, trong đó có bản Sonate Tự Nguyện và trang giao hưởng 5 chương Khúc nhạc miền Trung và hành khúc Những bàn chân không mỏi.
Về Đoàn văn công Tổng cục xây dựng kinh tế, ông tiếp tục viết ca khúc, có những ca khúc nổi tiếng về đề tài ca ngợi lãnh tụ: Bác Hồ - một tình yêu bao la, Vầng trăng Ba Đình và những đề tài khác như: LêNin, Người đến đất nước tôi, Hương tràm, Chia tay hoàng hôn (thơ Hoài Vũ), Tình yêu không lời.
Ngoài ra ông còn viết nhạc cho múa: Bông sen đỏ, Anh còn sống mãi, nhạc cho phim: Khoảng trời chiến sĩ, Hát ở chiến hào.
|
Ca sĩ Thanh Lam bên bố. |
Ngoài âm nhạc, nhạc sĩ Thuận Yến có một gia đình hạnh phúc với vợ nghệ sĩ đà tỳ bà Thanh Hương và có hai con đều theo nghệ thuật: Thanh Lam được vinh danh là diva số 1 và Trí Minh là DJ hàng đầu, người tiên phong cho dòng nhạc điện tử Việt Nam.
Trong hai con, nhạc sĩ Thuận Yến dành nhiều tình cảm cho Thanh Lam. Trong một trò chuyện với PV, ông nói thương Thanh Lam hơn bởi vì khi cô được sinh ra, ông không có mặt ở Hà Nội. Hơn nữa, Thanh Lam thành đạt trong nghệ thuật nhưng đời sống riêng lận đận./.