Vĩnh Phúc thu ngân sách nhà nước trong 2 tháng đầu năm đạt trên 8.100 tỷ đồng

(PLVN) - Theo thống kê của Kho bạc Nhà nước tỉnh, 2 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 8.105 tỷ đồng, đạt 26% kế hoạch năm và tăng trên 1.100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, thu nội địa đạt 7.347 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch năm. Đóng góp chủ yếu cho tăng thu ngân sách là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 6.008 tỷ đồng; khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh 347 tỷ đồng và khu vực doanh nghiệp nhà nước 48 tỷ đồng.

Để có được kết quả này, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các chính sách của Chính phủ. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế, công tác quản lý nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế…

Ảnh minh họa 

Năm 2021, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tổng thu ngân sách nhà nước đạt 30.696,3 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 27.046,3 tỷ đồng; giai đoạn 2021-2025, tổng thu ngân sách tăng bình quân từ 6-8%/năm.

Vĩnh Phúc xác định tập trung làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Tăng cường kỷ luật tài chính – ngân sách nhà nước ở tất cả các cấp, các ngành; quản lý chặt chẽ các khoản thu- chi từ ngân sách, bảo đảm triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tăng nguồn thu sự nghiệp và không ban hành các chính sách, chế độ, chương trình đề án khi không cân đối được nguồn vốn.

Kiểm soát chặt chẽ việc ứng trước dự toán, chi chuyển nguồn, chi từ nguồn dự phòng ngân sách nhà nước. Tiến hành thu hồi, chuyển nguồn đối với các dự án chậm triển khai, chưa thực sự cần thiết; rà soát giảm, giãn tiến độ triển khai một số công trình, dự án chưa thật sự cần thiết thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn; đẩy mạnh đấu giá đất các dự án để tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển. 

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Thuế Vĩnh Phúc đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách. Trong đó, thực hiện tốt mô hình quản lý thuế theo chức năng, đẩy mạnh công tác kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử. Tăng cường quản lý kê khai thuế, quản lý tất cả các nguồn thu trên phần mềm quản lý thuế tập trung; rà soát, phân tích và phân loại nợ thuế, triển khai đồng bộ các biện pháp đôn đốc, xử lý nợ.

Tập trung kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, số lượng doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh, ngừng hoạt động, bảo đảm đưa vào quản lý thuế đối với 100% doanh nghiệp có kinh doanh; xác định chính xác đối tượng, điều chỉnh mức thuế khoán phù hợp với thực tế kinh doanh, chống thất thu ngân sách nhà nước.

Đọc thêm