VKFTA: Ngành nào có thể chớp ngay cơ hội?

(PLO) - Nông thủy sản và dệt may là hai trong số những ngành hưởng lợi lớn từ Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam – Hàn Quốc. Tuy nhiên, doanh nghiệp được khuyến nghị tìm các mối quan hệ hợp tác với những tập đoàn phân phối lớn của Hàn Quốc vì đây là một thị trường rất khó tính và thủ tục tương đối phức tạp.
Tỏi Lý Sơn có cơ hội xuất khẩu cực lớn sang Hàn Quốc, thị trường tiêu thụ tỏi được cho là lớn nhất thế giới
Nhiều mặt hàng lần đầu tiên được mở cửa thị trường 
Hôm qua – 21/5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính tổ chức hội thảo đầu tiên phổ biến các cam kết cơ bản của Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) vừa được Chính phủ hai nước ký kết hôm 5/5.
Chia sẻ với các doanh nghiệp dự hội thảo ở Hà Nội, ông Phạm Khắc Tuyến  - Trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ Thị trường châu Á, Bộ Công Thương, đồng thời là điều phối viên VKFTA đã giới thiệu những nét khái quát nhất về nội dung Hiệp định. Theo đó, nông thủy sản và dệt may là hai ngành có thể chớp ngay cơ hội để thâm nhập sâu hơn vào thị trường này. 
“Hàn Quốc đã dành cho Việt Nam ưu đãi cắt, giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng nông, thủy sản chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí. Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm trong nước như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang… Thuế suất những mặt hàng này hiện rất cao, từ 241-420% do đặc biệt nhạy cảm với Hàn Quốc” – ông Tuyến cho biết. 
Ví dụ như với mặt hàng tôm, Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm và tăng dần trong 5 năm đến mức 15.000 tấn/năm miễn thuế. Trong khi hiện nay Việt Nam chỉ tận dụng được 2.500 tấn/năm miễn thuế trong tổng số 5.000 tấn dành cho 10 nước ASEAN theo cam kết tại AKFTA.
Tương tự như tôm, nhiều dòng sản phẩm dệt may Việt Nam cũng được Hàn Quốc miễn thuế nhập khẩu ngay khi VKFTA có hiệu lực. Nhiều loại khác được giảm thuế theo lộ trình từ 5-10 năm. Cần lưu ý là kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã tăng trưởng chưa từng có trong những năm gần đây. 
Đơn cử, năm 2011 kim ngạch đạt gần 900 triệu USD thì qua năm 2012 đã tăng lên gần 1,1 tỷ USD. Năm 2013, con số này đạt tới 1,6 tỷ USD, tăng tới 54% so với một năm trước đó. Đây là thành quả có được từ AKFTA, trong khi mức độ cam kết trong VKFTA còn được cho là sâu hơn nhiều.
Cơ hội lớn nhưng cần sự chuẩn bị kỹ càng
Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể nhìn vào các con số nói trên rồi “đếm cua trong lỗ”. Có mặt tại hội thảo, với vốn tiếng Việt sành sỏi, ông Hongsun – Tổng Thư ký Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam cần có một sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng để có thể tận dụng được tối đa cơ hội mang lại từ Hiệp định. 
“Ở Hàn Quốc, ngay từ khi hai bên đang tiến hành đàm phán, nhiều tập đoàn lớn của chúng tôi đã thành lập riêng một bộ phận để nghiên cứu về nội dung các cam kết. Đối với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực còn khiêm tốn thì cả phía Chính phủ và Phòng Thương mại Hàn Quốc đều có những biện pháp tạo điều kiện tối đa để có thể nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung Hiệp định, từ đó có các bước chuẩn bị cần thiết và nhập cuộc ngay được khi Hiệp định có hiệu lực. Tất nhiên là sự chủ động của doanh nghiệp vẫn đóng vai trò quyết định” – ông Hongsun chia sẻ.
Nhiều “khoảng trống” ở Việt Nam cũng được doanh nhân này chia sẻ, như việc chưa hình thành được một chợ đầu mối xứng tầm về nông, lâm, thủy sản, hoặc chưa xây dựng được những kho bảo quản đủ lớn để tích trữ sản phẩm. “Các bạn có dịp sang Hàn Quốc đều biết, từ năm 1985 chúng tôi đã có một chợ đầu mối rất lớn về thủy sản. Ở đó, các thương nhân xuất khẩu tha hồ lựa chọn và có thể đấu giá để mua được cho mình những sản phẩm ưng ý nhất. Như vậy, cả ngư dân, thương nhân và người tiêu dùng đều có lợi”.
Ông Hongsun cũng khuyến nghị, để thâm nhập sâu vào thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam nên  tìm các mối quan hệ hợp tác với những tập đoàn phân phối lớn của Hàn Quốc, vì đây là một thị trường rất khó tính và thủ tục tương đối phức tạp. Và “không phải 100% doanh nghiệp Hàn Quốc đều làm ăn đàng hoàng, cho nên các bạn cần có kênh kiểm tra thông tin trước khi ký kết hợp đồng” – vị này thẳng thắn. 
Không chậm trễ, nhưng cũng không vội vàng
“Doanh nghiệp Hàn Quốc thường có tác phong rất nhanh nhạy, miệng nói tay làm, quyết đáp ngay cho nên thường cuốn đối tác vào “lối chơi” của họ. Vì vậy, khi đàm phán làm ăn với thương nhân Hàn Quốc, doanh nghiệp chúng ta không được chậm trễ, nhưng mặt khác cũng không nên vội vàng mà để họ dẫn dắt. Có thể họ sẽ gửi email cho cả bạn vào lúc nửa đêm, các bạn phải trả lời, nhưng không nên trả lời ngay mà cần cân nhắc thực sự cẩn thận” – ông Phạm Khắc Tuyến  - Trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ Thị trường châu Á, Bộ Công Thương.

Đọc thêm