Sự việc tháo dỡ cây cầu không phép tại Hưng Yên: UBND huyện Phù Cừ thông tin chi tiết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây, sau khi nhận được công văn của Báo PLVN, UBND huyện Phù Cừ (tỉnh Hưng Yên) đã có văn bản cung cấp thông tin liên quan đến phản ánh của gia đình ông Nguyễn Đình Cảnh về phương án giải phóng mặt bằng (GPMB), đền bù của địa phương.

Trước đó, Báo PLVN nhận được đơn của ông Nguyễn Đình Cảnh (ngụ xã Đình Cao) cho rằng UBND huyện Phù Cừ ban hành các văn bản thu hồi đất và phương án đền bù chưa phù hợp quy định pháp luật.

Theo đơn, từ trước năm 1992, gia đình ông Cảnh có sử dụng, quản lý liên tục một thửa đất tại xã Đình Cao và không tranh chấp với ai. Theo đặc thù của thửa đất, để thuận tiện trong sinh hoạt và có lối đi, năm 2008, gia đình ông xây một chiếc cầu tạm bắc qua sông. Quá trình xây dựng cây cầu được người dân địa phương ủng hộ, chính quyền địa phương không ngăn cấm hay có ý kiến gì. Sau khi cây cầu được hoàn thành trở thành lối đi duy nhất của gia đình ông Cảnh.

Ngày 12/3/2025, UBND xã có văn bản mời gia đình đến trụ sở xã làm việc và yêu cầu tháo dỡ cây cầu nêu trên với mục đích phục vụ công tác GPMB để triển khai dự án đường Tân Phúc - Võng Phan (giao ĐT 378) và không bồi thường, chỉ hỗ trợ số tiền 20 triệu đồng. Phía gia đình không đồng ý.

Sau khi tiếp nhận phản ánh của bạn đọc, ngày 20/3/2025, Báo PLVN có Công văn số 336/CV-PLVN-BBĐ gửi cơ quan thẩm quyền đề nghị xác minh, giải quyết theo quy định pháp luật.

Ngày 28/3/2025, Báo PLVN nhận được Văn bản 329/UBND-NN&MT của UBND huyện Phù Cừ, cho biết, ông Nguyễn Đình Cảnh là con của ông Nguyễn Đình Sy. Hiện hộ ông Sy có nhà và công trình phục vụ đời sống trên thửa đất 148, tờ bản đồ 32, diện tích 345,4m² (được UBND huyện cấp Sổ đỏ số CH05817 ngày 16/11/2023).

Văn bản 329/UBND-NN&MT của UBND huyện Phù Cừ. (Ảnh: Gia Hải)

Văn bản 329/UBND-NN&MT của UBND huyện Phù Cừ. (Ảnh: Gia Hải)

Căn cứ bản đồ địa chính các thời kỳ do UBND xã quản lý, thửa đất trên có 2 lối đi, hiện trạng là đường đất, bề mặt rộng bình quân 2,5 - 3,5m (trên bản đồ VLAP năm 2015 thể hiện ở thửa đất 109, tờ bản đồ 32, diện tích 1084,9m², loại đất giao thông; đường nằm song song với sông T1-17 và đường ĐH.83) để phục vụ đời sống, sinh hoạt cho các hộ dân (trong đó có hộ ông Sy).

Theo hồ sơ địa chính, trên địa bàn xã không có sông DT78 như trong đơn ông Cảnh nêu. Tại vị trí đối diện thửa đất hộ ông Sy hiện tại có 1 cầu bằng bê tông, bắc ngang sông T1-17 (một bên tiếp giáp đường ĐH.83, một bên tiếp giáp đường đi vào thửa đất ở hộ ông Sy). Về nguồn gốc cầu, theo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện (tại Công văn 20/CV-XN ngày 19/3/2025) và UBND xã (tại Báo cáo 47/BC-UBND ngày 25/3/2025), khoảng trước những năm 2009 là cầu tạm bằng tre, gỗ,... Sau đó, hộ ông Sy tự ý nâng cấp, mở rộng cầu làm bê tông, cốt thép… để đi lại.

Trong buổi làm việc ngày 14/3/2025, phía gia đình không cung cấp được giấy tờ liên quan việc chính quyền, cơ quan quản lý cho phép xây dựng cây cầu nêu trên.

UBND huyện khẳng định cây cầu trên nằm hoàn toàn trong phạm vi công trình thủy lợi (sông T1-17), không nằm trong phạm vi đất của hộ ông Sy. Theo quy định pháp luật, khi giải phóng mặt bằng cây cầu trên thì không được bồi thường, hỗ trợ.

Thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục tuyên truyền, vận động để hộ ông Sy tự giác giải tỏa cầu bắc qua sông T1-17. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ để tổ chức giải tỏa theo quy định mà không thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ để bàn giao mặt bằng thực hiện dự án.

Trong khi đó, phía gia đình ông Sy cho rằng, tại Điều 18 Nghị định 88/2024/NĐ-CP; Điều 210 Luật Đất đai 2024 và Điều 97 Nghị định 102/2024/NĐ-CP có quy định: “Nhà ở, công trình xây dựng khác và các tài sản khác gắn liền với đất nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn bị thiệt hại do phải giải tỏa thì được bồi thường theo mức thiệt hại theo quy định”. Do vậy, gia đình ông Sy cho rằng địa phương cần xem xét bồi thường khi phá dỡ cây cầu nêu trên.

Đọc thêm