Vụ án PVN mất 800 tỷ khi góp vốn vào Oceanbank: Ai là người được sở hữu khoản “lãi ngoài hợp đồng” 20 tỷ đồng?

(PLO) - Trong phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mất 800 tỷ khi góp vốn vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) vừa kết thúc phần tranh luận.
TS. Dương Thanh Biểu

Một vấn đề được các bên nêu ra và có ý kiến trái chiều là khoản tiền 20 tỷ đồng mà Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank) đưa cho Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng PVN)  là thuộc sở hữu của PVN hay của OceanBank. Liên quan đến vấn đề trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao.

20 tỷ không phải thu nhập hợp pháp của PVN

Theo Cáo trạng, trong khoảng thời gian từ tháng 3/2009 đến tháng 12/2013, Ninh Văn Quỳnh với vai trò Kế toán trưởng, kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt số tiền 20 tỷ đồng là tiền “chi lãi ngoài hợp đồng” (tiền “chăm sóc khách hàng”) cho số tiền gửi của PVN tại OceanBank. Số tiền này được Quỳnh nhận từ Nguyễn Xuân Sơn trong thời kỳ ông này là Tổng Giám đốc (TGĐ) OceanBank  và sau đó là Phó TGĐ PVN.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, Đại diện VKSND giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị HĐXX tuyên trả khoản tiền 20 tỷ này cho PVN. 

Trong lúc đó, đại diện PVN (nguyên đơn dân sự ) khẳng định, PVN hoàn toàn không liên quan đến giao dịch của Sơn và Quỳnh. Còn đại diện OceanBank thì cho rằng đây là khoản tiền của OceanBank nên đề nghị HĐXX tuyên trả khoản 20 tỷ này lại cho OceanBank. 

Trước các ý kiến trái chiều trên, TS. Dương Thanh Biểu có quan điểm, để khẳng định số tiền 20 tỷ đồng này là của ai thì phải căn cứ các quy định pháp luật quy định về vốn và tài sản doanh nghiệp và xem bản chất số tiền đó là tiền gì và thuộc quyền quyết định của ai. 

Tại Bản án sơ thẩm số 330/2017/HS-ST ngày 29/9/2017 của TAND TP Hà Nội (xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm do có sai phạm tại OceanBank) đã cho rằng, do PVN góp 20% vốn (800 tỷ) vào OceanBank nên trong số tiền chi chăm sóc khách hàng PVN có 20% là tiền của PVN.

Tuy nhiên, theo Điều 74 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2005, Điều 84 BLDS 2014,  Điều 29 Luật Doanh nghiệp 2005 và Điều 35, 36 Luật Doanh nghiệp 2014, tài sản góp vốn đều trở thành tài sản của pháp nhân, thuộc sở hữu của pháp nhân. Vì vậy khi PVN góp 800 tỷ vào OceanBank thì số tiền trở thành tài sản của OceanBank, thuộc quyền quản lý sử dụng của OceanBank, chứ không tách riêng cho các cổ đông được sử dụng phần vốn, tài sản theo tỷ lệ góp vốn. 

Theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ OceanBank thì khi đầu tư vào OceanBank, PVN có quyền biểu quyết 20% tương ứng số cổ phần đã góp, chứ không có quyền sở hữu riêng 20% tài sản của OceanBank; và PVN được hưởng cổ tức từ đầu tư nếu có lợi nhuận được chia theo tỷ lệ cổ phần, và được nhận phần tài sản còn lại tương ứng với số cổ phần đã góp khi doanh nghiệp đó bị phá sản hay giải thể. Trường hợp này, OceanBank bị mua 0 đồng, chứ không phải bị giải thể hoặc phá sản, nên không được chia 20% các tài sản của OceanBank. Do đó, không thể lấy số tiền chi chăm sóc khách hàng PVN mà nhân 20% để tính đó là tài sản của PVN được.  

Từ đó khẳng định, số tiền mà Hà Văn Thắm (OceanBank) đưa cho Thắng để chuyển cho Sơn và Sơn đưa cho Quỳnh là của pháp nhân OceanBank, chứ không phải của cổ đông PVN.

Tôi được biết, đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa còn đưa ra quan điểm rằng, là do khoản “tiền chăm sóc khách hàng” là chăm sóc PVN nên 20 tỷ đồng là tiền của PVN. 

Để làm rõ vấn đề trên, phải xác định 20 tỷ này có phải là thu nhập hợp pháp của PVN hay không? Có thể thấy, tiền OceanBank lãi ngoài là chi ngoài lãi suất trần cho phép của Ngân hàng nhà nước quy định qua các thời kỳ. Tức là nếu doanh nghiệp gửi tiền vảo OceanBank bằng lãi suất trần quy định thì phần lãi suất nhận ngoài hợp đồng tiền gửi là thu nhập bất hợp pháp, không được hạch toán vào doanh thu lãi tiền gửi của doanh nghiệp đó. 

Tại Thông báo kết quả kiểm toán trên tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam số 192/TB-KTNN và số 193/TB-KTNN ngày 25/3/2016 cũng không xác nhận PVN có khoản thu lãi ngoài này từ OceanBank, không yêu cầu PVN phải thu hồi. Vì vậy, 20 tỷ này không phải là thu nhập hợp pháp của PVN.

Xác định đúng quan hệ tài sản trong vụ án để không oan sai 

Trước câu hỏi, nếu số tiền 20 tỷ nêu trên phải trả cho PVN như đề nghị của Kiểm sát viên thì hàng trăm khách hàng khác của OceanBank có được nhận “lãi ngoài hợp đồng” hay không, ông Biểu cho rằng, các bên gửi tiền vào OceanBank không thể được nhận tiền chi lãi ngoài do không phải là thu nhập hợp pháp của các doanh nghiệp gửi tiền. Theo nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật thì các nguyên đơn dân sự cũng bình đẳng với nhau. Còn nếu tiền chi lãi ngoài được trả cho các khách hàng gửi tiền, không phải thu về cho Ngân hàng OceanBank thì hoàn toàn trái ngược với quy định BLHS là tài sản thuộc chủ sở hữu nào, thì phải trả lại về nguyên trạng ban đầu. 

Điều này cũng có nghĩa, đại diện PVN có căn cứ khi khẳng định họ không liên quan đến giao dịch của ông Sơn và ông Quỳnh về 20 tỷ đồng này; PVN  không có chủ trương và không nhận chi lãi ngoài của OceanBank.

Còn ý kiến của đại diện OceanBank  cho rằng số tiền 20 tỷ mà Sơn chuyển cho Quỳnh là của OceanBank là hợp lý, vì:

Thứ nhất: Đây là số tiền nhằm để chăm sóc khách hàng mà HĐQT của OceanBank đã có nghị quyết ở phiên họp thứ 5, nhiệm kỳ IV ngày 30 /11/2009 (dưới sự chủ trì của Hà Văn Thắm) rằng “Được thực hiện các chính sách thu hút khách hàng đặc biệt, khách hàng doanh nghiệp và thực hiện dịch vụ tài chính... phát huy vai trò của các khối,  ban, quy hoạch mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng. Như vậy, về bản chất, số tiền “chăm sóc khách hàng” là do OceanBank quy định, thuộc quyền quản lý sử dụng của OceanBank.

Theo quy định pháp luật, Điều lệ của PVN, Điều lệ của OceanBank thì lỗ hay lãi của OceanBank không được hạch toán hợp nhất với PVN. Vì vậy số tiền 1576 tỷ OceanBank dùng chi chăm sóc khách hàng là tài sản của OceanBank, họ có trách nhiệm quản lý, sử dụng. Nếu coi là thiệt hại thì đó là thiệt hại của OceanBank, chứ không phải là thiệt hại của PVN.

Thứ hai: Theo quy định của pháp luật thì OceanBank là một pháp nhân. Còn PVN và hàng trăm nhà đầu tư góp vốn vào OceanBank chỉ là các cổ đông. Việc Thắm quyết định chi số tiền này (20 tỷ) cho Sơn để chuyển cho Quỳnh nhằm chăm sóc khách hàng đã bị kết luận là sai phạm. Cho nên OceanBank đề nghị HĐXX quyết định tuyên trả số tiền 20 tỷ này cho mình là hoàn toàn hợp lý.

Đối chiếu với các quy định của pháp luật trên đây và qua tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm, tôi thấy quan điểm của đại diện PVN và OceanBank về số tiền 20 tỷ “chăm sóc khách hàng” mà Thắm chuyển cho Sơn để chuyển cho Quỳnh thuộc về OceanBank là đúng đắn. Việc quyết định xử lý số tiền tang vật là rất quan trọng vì cần xác định đúng quan hệ tài sản trong vụ án thì mới không để xảy ra oan sai đối với các bị cáo và thiệt hại quyền lợi của các bên liên quan.

Đọc thêm