Vụ cháy 300 xe máy tại TP. HCM: ai sẽ bồi thường?

(PLO) - Ngọn lửa cháy bãi xe đã tàn, công an vào cuộc điều tra, thế nhưng chủ các xe bị cháy đang “ngồi trên đống lửa” vì không biết ai sẽ bồi thường thiệt hại cho mình...
Hiện trường vụ cháy. Ảnh: Thanh Tùng
Hiện trường vụ cháy. Ảnh: Thanh Tùng
Về pháp lý có khá nhiều người có vai trò liên quan: Người đốt rác, chủ bãi xe, người trông xe. Đặc biệt hơn 90% xe bị cháy là của tiệm cầm đồ gửi giữ. Trách nhiệm của chủ tiệm cầm đồ với khách hàng có xe bị cháy ra sao?
Đầu giờ chiều ngày 5/4, bãi giữ xe nằm đối diện Bệnh viện Q.8 đường Cao Lỗ, P.4, Q.8, TP.HCM đã bất ngờ bốc cháy. Hậu quả của vụ hỏa hoạn đã làm gần 300 chiếc xe gắn máy, ôtô tại đây chỉ còn trơ khung sắt. Theo Công an Q.8, bãi giữ xe bị cháy là của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ ôtô Phát Đạt (địa chỉ tại 117 đường số 13, P.4, Q.8), do ông Võ Tấn Đạt đứng tên làm chủ. Tuy nhiên, người đến cơ quan Công an tường trình và thừa nhận là chủ bãi xe trên thực tế là ông Võ Trung Nhân (anh trai ông Đạt).  
Máy quay đặt tại góc xuất phát vụ cháy đã cung cấp thông tin góp phần làm sáng tỏ nguyên nhân vụ cháy. Đoạn phim ghi lại phát hiện khói bốc lên tại khu vực bãi rác kế bên hông bãi xe khoảng 13h30. Sau đó hơn 15 phút, lửa bắt đầu cháy lên các dây leo trên bờ rào của bãi xe, sau đó cháy vào tấm bạt trong bãi xe rồi cháy lan xuống các xe máy. Được biết, có đến 90% số xe máy bị “bà hỏa” thiêu rụi là của một tiệm cầm đồ gửi giữ. 
Chủ bãi giữ xe phải bồi thường?
Trách nhiệm bồi thường thuộc về ai, hiện đang được những người gửi xe đặc biệt quan tâm. Thêm nữa, trách nhiệm pháp lý của người đã đốt rác như thế nào nếu nguyên nhân vụ cháy được xác định do lửa bén từ bãi rác gây ra?
Trước hết, bàn về trách nhiệm bồi thường của chủ bãi giữ xe. Việc trông giữ xe đã làm phát sinh giao dịch dân sự, cụ thể là Hợp đồng gửi giữ tài sản. Điều 559 Bộ luật Dân sự (BLDS) quy định: “Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công”.
Đã là hợp đồng thì đương nhiên bên trông giữ tài sản phải có nghĩa vụ: “Bồi thường thiệt hại, nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng” (Khoản 4 Điều 562 BLDS).
Người trông xe có thể bị kiện?
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi để quy trách nhiệm bồi thường cho chủ bãi giữ xe trong vụ cháy này cần phải chờ kết luận nguyên nhân cháy từ cơ quan công an. Nếu nguyên nhân cháy do lỗi của người trông xe thì chủ những chiếc xe máy đã bị cháy hoặc hư hỏng có thể khởi kiện lên tòa án để yêu cầu chủ bãi giữ xe bồi thường thiệt hại. 
Nếu người trông xe có lỗi, chủ bãi giữ xe vẫn phải bồi thường cho khách hàng, sau đó chủ bãi xe có thể kiện người trông xe bồi hoàn lại cho mình. Tình huống này khó có khả năng xảy ra và nếu thắng kiện thì người chủ bãi giữ xe cũng chỉ nắm đầu người “không có tóc” nên khó có điều kiện để thi hành án.
Chủ bãi giữ xe thoát nhờ “bất khả kháng”?
Một cánh cửa hẹp, tình tiết gây nhiều tranh cãi để miễn trừ trách nhiệm bồi thường cho chủ bãi giữ xe là trường hợp bất khả kháng. Nội dung này, BLDS quy định lại rất ngắn gọn tại Khoản 1 Điều 161: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. 
Cháy nhà để xe có phải sự kiện xảy ra khách quan, không thể lường trước được hay không? Trả lời câu hỏi này không dễ vì phải căn cứ rất nhiều tình tiết liên quan của vụ việc. Mặt khác, luật pháp chưa giải thích rõ về những điều kiện được xem là sự kiện bất khả kháng. 
Người đốt rác đâu thể vô can?
Trách nhiệm bồi thường của người đốt rác có phát sinh hay không phụ thuộc vào kết luận nguyên nhân vụ cháy. Nếu nguyên nhân vụ cháy được khẳng định là do lửa từ bãi rác đã bén vào khu gửi xe thì cần điều tra rõ bãi rác tự bốc cháy hay có người đã đốt? Nếu có người đã đốt rác gây cháy thì người này phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các chủ xe theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định BLDS với lỗi vô ý. 
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong trường hợp này được Khoản 1 Điều 604 BLDS quy định như sau: “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.
Chủ tiệm cầm đồ dính nợ?
Có đến 90% số xe bị cháy là của một tiệm cầm đồ, vậy khách hàng sẽ kiện chủ tiệm cầm đồ hay chủ bãi giữ xe để đòi bồi thường thiệt hại? Theo quy định của pháp luật dân sự, trong tình huống này, khách hàng cầm đồ sẽ kiện đòi chủ tiệm cầm đồ, sau đó chủ tiệm sẽ kiện đòi chủ bãi trông giữ xe. Như vậy, người đầu tiên có trách nhiệm bồi thường chính là chủ tiệm cầm đồ. 
Kết luận trách nhiệm bồi thường cho các chủ xe chỉ được khẳng định bằng bản án đã tuyên có hiệu lực của tòa án. Tuy nhiên, các bên cũng có thể tự thỏa thuận với nhau.

Đọc thêm