Vụ án “chiếc dùi đục”
Theo cáo trạng, khoảng 18h ngày 27/9/2013, bà Hoàng Thị Hoa (trú tại thôn Hương Mạc, xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) và một người tên Tuyên đến nhà bà Đàm Thị Hòa (SN 1970) đòi nợ. Khi hai bên đang to tiếng về chuyện nợ nần thì con trai bà Hòa là Đàm Thuận Thao (SN 1991) từ trên gác đi xuống, nán lại đứng nghe.
Cãi vã được 5 - 7 phút, bà Hoa và Tuyên đứng dậy ra về. Bà Hòa theo sau, ra đến gần cổng thì giữa hai người xảy ra giằng co, xô xát khiến bà Hoa bị ngã đập đầu xuống sân. Sau đó, Công an (CA) xã Hương Mạc đã xuống hiện trường, giải quyết sự việc và lập biên bản ghi lời khai của các bên.
Sự việc tưởng như đã xong thì gần một tháng sau, ngày 20/10/2013, chồng bà Hoa là Ngô Xuân Thành có đơn tố cáo gửi tới CA thị xã Từ Sơn cho rằng: ngày 27/9/2013 Đàm Thuận Thao đã dùng dùi đục đánh bà Hoa vào đầu và mang tai thâm tím nhiều chỗ…
Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) đã tiến hành trưng cầu giám định thương tật, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đàm Thuận Thao về tội “Cố ý gây thương tích”. Sau đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm đã tuyên bị cáo Đàm Thuận Thao 30 tháng tù giam.
Cho rằng việc xét xử như vậy là oan cho mình, Thao đã làm đơn kháng cáo.
Vết thương trên đầu trái và ở vành tai phải bị hại Hoàng Thị Hoa, được cho là bị cáo Thao dùng dùi đục bất ngờ vụt một cú từ phía sau gây ra. |
Nhiều dấu hiệu bất thường
Luật sư Trương Anh Tú, người bào chữa cho bị cáo đưa ra quan điểm, vụ án này có hàng loạt điều “bất thường”.
Thứ nhất, theo Giấy chứng thương số: 22/CN-KHTH ngày 08/11/2013 của Phòng Giám định Pháp y Bệnh viện Đa khoa thị xã Từ Sơn cấp cho bà Hoàng Thị Hoa thì bà Hoa bị thương tích tại 02 điểm trên vùng đầu, đó là xây sát vùng đỉnh trái của đầu và 01 thương tích ở vành tai phải. Như vậy, đối chiếu với bản cáo trạng thì một cú đánh của Thao mà bà cùng lúc có 2 vết thương cách xa nhau là điều hết sức vô lý. – Luật sư Tú khẳng định.
Thứ hai, theo cơ chế hình thành vết thương, khi tác động một lần, một vật vào một chỗ trên cơ thể thì chỉ có thể cho ra một vết thương. Trong vụ án này, theo bản cáo trạng thì một “cú vụt” bằng dùi đục với lực của một thanh niên cao hơn 1,7m, nặng gần 80 kg không thể chỉ tạo ra… vết xây sát vùng đỉnh trái đầu và vết xước ở lỗ tai. Như vậy, có thể khẳng định vết thương trên đầu bà Hoa không phải do dùi đục gây ra.
Thứ ba, Theo cơ quan tiến hành tố tụng, Thao đã dùng dùi đục kích thước 60x4x6cm gây nên thương tích cho bà Hoa nhưng cơ quan chức năng cũng không thu thập được chiếc “dùi đục” này. Bản ảnh hình thù vết thương, cũng như khẳng định rõ ràng cụ thể về kích thức hung khí “không tìm thấy” đã nói lên sự sai lầm nghiêm trọng của cả vụ án này.
Luật sư Trương Anh Tú. |
Như vậy, trong vụ án này các chứng cứ mà các cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT)thị xã Từ Sơn đưa ra để kết luận Đàm Thuận Thao Phạm tội gồm: Vật chứng là chiếc dùi đục bằng gỗ hoặc thanh gỗ kiểu dùi đục; lời khai của người bị hại, người làm chứng; Bản giám định pháp y đều không thỏa mãn các thuộc tính của chứng cứ. Do vậy với những tài liệu có trong hồ sơ vụ án không đủ để chứng minh được bị cáo Đàm Thuận Thao có hành vi dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho bà Hoàng Thị Hoa. Từ đó có thể đi đến kết luận bị cáo không thực hiện hành vi phạm tội.
“Tôi cho rằng đây là một vụ án oan, việc tố cáo Đàm Thuận Thao có hành vi dùng dùi đục đánh vào đầu bà Hoàng Thị Hoa xuất phát từ những động cơ, mục đích không trong sáng. Quá trình giải quyết vụ án của ba CQTHTT thị xã Từ Sơn phản ánh sự thiếu vô tư, khách quan, thậm chí còn có nghi vấn tiêu cực. Do vậy, để tránh xảy ra một vụ án oan, với tư cách là luật sư bào chữa cho bị cáo chúng tôi cũng đã có văn bản kiến, nghị gửi Ban Nội chính trung ương, Uỷ ban tư pháp quốc hội, để các cơ quan này có ý kiến chỉ đạo để việc xét xử diễn ra một cách khách quan, đúng pháp luật, tránh làm oan người vô tội.” – luật sư Tú chia sẻ.