Vụ chìm tàu Cần Giờ: Chứng cứ truy tố tiếp tục bị phủ nhận

(PLO) - Như PLVN đã từng thông tin, VKSND TP.Hồ Chí Minh vẫn “giữ nguyên quan điểm truy tố” bị can Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” vì tàu “BP 12-04-02 (tàu gặp tai nạn làm 9 người chết - pv) chưa được Cục Đăng kiểm Việt Nam cho phép đăng kiểm”.   
Một số tàu được Đăng kiểm Hải quân đăng kiểm ghi đúng tên vật liệu, vẫn đang sử dụng an toàn.
Tuy nhiên, chứng cứ này hiện đang bị “lung lay” do đã có ý kiến của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trong một cuộc họp mới đây.
Lấy Đăng kiểm Hải quân làm “mẫu” 
Thực hiện lời hứa trong phiên chất vấn tại phiên họp Quốc hội chiều 12/6, sáng 17/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp để giải quyết các vướng mắc đối với việc đăng kiểm tàu sản xuất bằng vật liệu PPC (Polypropylen - Poslystone Copolyme) cho Cty Cổ phần Công nghệ Việt Séc (Cty Việt-Séc) với sự có mặt của chính bị can Vũ Văn Đảo - Giám đốc Cty Việt-Séc, đại diện nhiều cơ quan, đơn vị liên quan. 
Theo thông tin từ Báo VOV, tại cuộc họp này, Bộ trưởng Đinh La Thăng  yêu cầu “Cục Đăng kiểm và Vụ Khoa học-Công nghệ (KHCN) hoàn chỉnh văn bản theo qui định của luật pháp công nhận kết quả đăng kiểm của Cslloyd (Cộng hòa Séc) và Đăng kiểm Hải quân để các đơn vị sản xuất tàu. Ngoài ra, tiếp tục dựa vào 2 công ty sản xuất tàu để hoàn thiện qui chuẩn, qui phạm cho tàu. Xây dựng tiêu chuẩn, qui chuẩn quốc gia để trình Bộ KHCN thẩm định, ban hành.
Liên quan đến vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” mà ông Đảo là bị can, Bộ trưởng Thăng yêu cầu  Cục Đăng kiểm phải xem xét lại và làm văn bản gửi Bộ Công an và cơ quan điều tra về văn bản Cục Đăng kiểm đã ký. 
Bộ trưởng Thăng  cho biết thêm: “Hiện nay, văn bản qui phạm pháp luật không cấm việc đóng tàu bằng vật liệu mới, trong đó có PPC. Luật pháp cho phép chúng ta có thể đóng bằng bất cứ loại vật liệu nào nhưng con tàu phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn theo qui định. Việc DN đưa vật liệu mới vào đóng tàu là nhu cầu chính đáng, cần thiết, cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm ủng hộ, tạo điều kiện cho việc này triển khai thực hiện tốt”.
Việc VKSND TP.HCM căn cứ vào văn bản của Cục Đăng kiểm Việt Nam rằng “chưa có quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn sử dụng việc thiết kế, đóng mới và đăng kiểm tàu thủy có thân vỏ bằng vật liệu PPC” để quy kết “tàu không an toàn” là không hợp lý bởi Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nói rõ:  “Luật cho phép, trong khi chưa có qui chuẩn, tiêu chuẩn thì có thể công nhận kết quả của người khác, miễn là họ có tư cách pháp nhân theo qui định của luật”. 
Với quan điểm và kết luận trên của Bộ trưởng Bộ GTVT thì rõ ràng việc đăng kiểm của Hải quân đối với tàu do Cty Việt-Séc đóng bằng vật liệu PPC là hoàn toàn hợp pháp về cả thủ tục lẫn đảm bảo quy chuẩn an toàn. 
Cũng cần nói thêm rằng, tới đây, nếu Cục Đăng kiểm Việt Nam có công nhận kết quả đăng kiểm của Đăng kiểm Hải quân thì đây là động thái “mở đường” cho tàu bằng vật liệu PPC lưu hành ra dân sự. Còn những tàu được Đăng kiểm Hải quân đăng kiểm trước đó (như tàu BP 12-04-02) vẫn đủ điều kiện sử dụng, không phụ thuộc vào việc Cục Đăng kiểm Việt Nam có đăng kiểm hay không.
Yêu cầu xử lý Đăng kiểm Hải quân là vô lý  
Việc công nhận sự an toàn của tàu bằng vật liệu PPC trên đây cũng cho thấy Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã “hớ” khi ra công văn đề nghị cơ quan điều tra (CQĐT) hình sự Quân chủng Hải quân điều tra xử lý hành vi sai phạm trong đăng kiểm tàu BP 12-04-02? Nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam phải công nhận kết quả Đăng kiểm của Hải quân thì làm sao có thể cho rằng đăng kiểm Hải quân có sai phạm khi đăng kiểm cho một phương tiện sản xuất bằng vật liệu không an toàn?
Theo Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM thì: “Tàu BP 12-04-02 đã được Phòng Đăng kiểm Hải quân cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm ghi sai vật liệu kết cấu thân tàu (thành FRP- PV). Tuy nhiên, có thể thấy sai sót này chỉ mang tính hình thức. Đăng kiểm có ghi như thế nào chăng nữa thì nó vẫn không làm thay đổi bản chất của con tàu BP 12-04-02 là được sản xuất bằng vật liệu PPC và đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, cả Viện kiểm sát Quân sự và CQĐT hình sự Quân chủng Hải quân đều cho rằng, ngoài 2 giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật phương tiện thủy ghi sai tên trên thì các giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật phương tiện thủy Đăng kiểm Hải quân cấp cho các phương tiện do Cty Việt - Séc sản xuất bán cho một số đơn vị quân đội đều ghi đúng tên vật liệu chế tạo thân vỏ thực tế của phương tiện là PPC. Những sai phạm nêu trên (ghi không đúng tên vật liệu - PV) không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả trong vụ tai nạn chìm canô BP12-04-02 làm 9 người thiệt mạng. 

Đọc thêm