Xô xát vì vào nhà dân thu gỗ
Trao đổi với phóng viên Báo PLVN khi đang điều trị tại Bệnh viện 115 Nghệ An với nhiều vết thương trên khắp cơ thể, chị Luyện Thị Nguyệt và chị Luyện Thị Vĩnh (cùng trú tại xã Tam Hợp, Quỳ Hợp) cho biết, ngày 28/5, mấy chị em trong thôn rủ nhau vào khu vực rừng của Lâm trường Đồng Hợp để tận thu những cây gỗ bị đổ do gió lốc trong mấy ngày qua. Sau khi các chị chặt xong, chất củi lên xe đưa về thì bị cán bộ lâm trường chặn xe và yêu cầu dỡ củi xuống. Mọi người cho rằng mình chỉ chặt củi khô gẫy về đun bếp nên không đồng ý dỡ củi xuống. Sau một lúc giằng co thì cán bộ lâm trường, lực lượng công an xã và kiểm lâm cũng đã lấy được một số củi gỗ đưa lên xe. Nhưng tranh thủ trời tối nên một số người dân vẫn mang được ít củi gỗ về nhà.
Chị Luyện Thị Nguyệt kể: “Sáng 29/5, khi xã đang tập huấn tại thôn thì xuất hiện khoảng gần 30 người là cán bộ Lâm trường Đồng Hợp (trong đó có Phó Giám đốc, kế toán) đến nhà bà Nga mang theo xe và gậy để bốc củi lên xe. Thấy vậy, mấy chị em tui không cho nên họ xông vào đánh. Tui với chị Vĩnh và một người khác bị thương nặng. Tui ngất xỉu lúc đó, sau đó được đưa đi bệnh viện cấp cứu…”.
Còn chị Luyện Thị Vĩnh thì bức xúc nói, “Dân chỉ lấy cành cây, củi gãy mà vẫn bị đánh đập dã man ri đây. Xông tận vào nhà dân đánh đập, cướp củi thật không thể chấp nhận được…”.
Ông Hồ Thanh Hùng, Giám đốc Lâm trường Đồng Hợp cho biết: Xuất phát từ việc năm 2014, một số người dân vào khu vực rừng của lâm trường đẽo vỏ hơn 195 cây gỗ khiến những cây này bị chết dần chết mòn. Lâm trường đã báo cáo cơ quan chức năng tiến hành kiểm đếm và thống kê thiệt hại hơn 30 triệu đồng. Trong lúc những cây gỗ này là tang vật thì ngày 28/5, người dân đã vào rừng chặt cây tẩu tán mang về. Đoàn cán bộ lâm trường vào hiện trường yêu cầu người dân hạ củi gỗ để đưa về lâm trường nhưng họ không đồng ý. Sau khi thu hồi được một số thì người dân không chịu giao lại. “Trong đêm, những người dân này đã tẩu tán một số cây gỗ đưa về nhà. Sáng 29/5, đoàn của lâm trường do Phó Giám đốc cùng khoảng hơn 20 người đã báo cáo cán bộ xã và thôn về việc thu gỗ trên. Khi đang lập biên bản tịch thu số gỗ thì xảy ra xô xát”- ông Hùng cho biết thêm.
Ông Cao Cự Lực, Phó Giám đốc Lâm trường Đồng Hợp người trực tiếp vào thu gỗ tại thôn Hợp Thành cho biết:“Khoảng 10h sáng khi vào làm việc để tạm thu tang vật gồm hơn 20 khúc gỗ được cất giữ tại nhà bà Nga, khi vừa lập biên bản, bốc được khoảng 4 cây gỗ thì những người dân này kéo nhau ra dùng gậy đánh chúng tôi nên anh em bỏ gỗ chạy ra ngoài. Trong quá trình xô đẩy rất đông, những người này đạp lên nhau dẫn đến bị thương, họ viện cớ là lâm trường đánh dân rồi xông lên đuổi đánh chúng tôi. Đoàn chúng tôi phải tạm rút ra ngoài rồi báo cáo lãnh đạo và yêu cầu Công an huyện đến bảo vệ và can thiệp kịp thời”.
Cán bộ lâm trường có quyền khám xét nhà dân?
Ông Hoàng Xuân Ngư, Chủ tịch UBND xã Tam Hợp cho biết, sau khi sự việc xảy ra, ông nhận được điện thoại của anh Nguyễn Xuân Tâm, cán bộ lâm trường nên cử cán bộ nông lâm xuống phối hợp. “Khi cán bộ lâm trường nói đến nhà dân thu gỗ, tôi đã yêu cầu lâm trường lập biên bản để làm rõ nguồn gốc gỗ của dân hay gỗ của lâm trường có sự chứng kiến của gia đình và cán bộ lâm trường. Khi đến nhà bà Nga thì một số phụ nữ đuổi, không cho đoàn cán bộ lâm trường vào nhà, tôi trực tiếp vào nhà hỏi người dân về vụ việc thì một số người của lâm trường đến chỗ để gỗ ở gốc vải. Lúc này, một số phụ nữ cầm gậy xông ra không cho lấy và bảo “bây mà vào là tau đập”, còn cán bộ lâm trường thì thách dân đập”, ông Ngư cho biết.
“Đang đứng nói chuyện thì nghe tiếng anh Lực nói “A! Bây dám đập tau à” rồi bảo vệ lâm trường xông vào, hai bên xảy ra xô xát. Thấy tình hình căng thẳng nên tôi điện thoại gọi báo cáo sự việc cho Chủ tịch xã, do sóng điện thoại chập chờn phải mượn máy bàn của dân điện báo Chủ tịch yêu cầu Công an xã vào vì tình hình lộn xộn. Lúc này, tôi quay ra thì thấy một số phụ nữ bị gục xuống đất và chảy máu. Tôi yêu cầu cán bộ lâm trường đừng lại, đưa người đi cấp cứu, nhưng họ không đi cấp cứu mà để đó gọi thanh niên xóm làm đá gần đó về để đuổi đánh người của lâm trường vì cho rằng cán bộ lâm trường đánh dân. Tôi đã yêu cầu dân không được gọi và chờ công an đến giải quyết. Thực tế thì tôi không thấy ai đánh ai mà chỉ thấy có xô xát giữa dân và cán bộ lâm trường và có người bị thương”- anh Nguyễn Xuân Tâm, cán bộ lâm trường kể lại.
Theo ông Hoàng Xuân Ngư, nguyên nhân mâu thuẫn giữa dân và lâm trường xuất phát từ việc đất lâm trường được cấp trùng lên diện tích đất có dân xóm Hợp Thành đang sinh sống. Địa phương xin chủ trương thu hồi 146 hecta đất để giao lại cho dân sản xuất trên số diện tích đất lâm trường. Nhưng do diện tích đất trên đang còn cây của lâm trường chưa thu hoạch nên tỉnh đang chờ lâm trường khai thác hết gỗ sẽ bàn giao diện tích đất sạch cho dân.“Các cấp thẩm quyền cần rà soát lại diện tích mà cây đã đến tuổi thu hoạch thì tiến hành thu hoạch để bàn giao lại đất cho dân theo chủ trương trước đó. Nếu không, cứ để như thế này thì tranh chấp còn kéo dài và mâu thuẫn giữa dân và lâm trường càng nghiêm trọng…”, ông Ngư chia sẻ.
Việc cán bộ lâm trường bị người dân tố “đánh người” đang được cơ quan chức năng làm rõ. Thiết nghĩ, song song với nội dung này thì cơ quan chức năng cũng cần kết luận rõ việc cán bộ lâm trường vào nhà dân, tiến hành kiểm tra và thu gỗ như trên có đúng chức năng, thẩm quyền và trình tự hay không? Quy định nào cho phép cán bộ lâm trường được vào khám xét nhà dân như trên?