Vụ Sabeco & Habeco “trốn” niêm yết: 5 năm trước đã dùng kế “hoãn binh”...

(PLO) - Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) cho hay, cách đây 5 năm, tổ chức này đã đề nghị Sabeco và Habeco thực hiện niêm yết. Cả hai khi đó cũng viện dẫn lý do không đủ điều kiện niêm yết nhưng VAFI phân tích, họ có ra Nghị quyết Đại hội cổ đông về việc niêm yết nhưng đó chỉ là kế để “hoãn binh”, cố tình không thực hiện chủ trương của Nhà nước.
Đại diện Bộ Công thương vẫn cho rằng “ông lớn” trong ngành đồ uống này “chưa đủ điều kiện niêm yết”?

VAFI vừa có văn bản gửi tân Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định hai đại gia này hoàn toàn đủ điều kiện niêm yết. Đồng thời còn đề nghị tân Bộ trưởng Trần Tuấn Anh xem xét lại năng lực, phẩm chất đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật của những người đang trực tiếp quản lý vốn nhà nước tại Sabeco & Habeco…

Không muốn minh bạch?!

Sau khi VAFI có Văn bản 863/HHĐTTC ngày 10/5/2016 gửi Bộ Công thương đề nghị Sabeco & Habeco phải thực hiện ngay việc niêm yết theo Quyết định 51/2014/QĐ-CP ngày 15/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ, đại diện của Sabeco (ông Lê Hồng Xanh - Phó Tổng Giám đốc Sabeco ) và đại diện Bộ Công thương (ông Phan Đăng Tuất – Vụ trưởng, thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp Bộ Công thương có phản hồi rằng “Sabeco chưa đủ điều kiện niêm yết nên đã không thực hiện niêm yết”. Theo đại diện Sabeco và Bộ Công thương, để được niêm yết, cổ phần nhà nước tại Sabeco phải dưới 80%/vốn điều lệ.

Trong Văn bản 864 ngày 16/5/2016 do Phó Chủ tịch VAFI Nguyễn Hoàng Hải ký, VAFI dẫn Điểm d Điều 8 nghị định 14/2007/NĐ-CP ngày 19/1/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thực thi một số điều của Luật Chứng khoán và thừa nhận: chiếu theo qui định này thì Sabeco và Habeco không đủ điều kiện niêm yết tại thời điểm đó vì cổ phần nhà nước chiếm tới gần 90% tại Sabeco và 82% tại Habeco;tuy nhiên, Chính phủ đã kịp thời ra Nghị quyết tháo gỡ vướng mắc đó để tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn thực hiện cổ phần hóa gắn với niêm yết chứng khoán. Những ví dụ cụ thể như : Vietinbank thực hiện niêm yết vào ngày 3/7/2009 với tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ 89%/vốn điều lệ; Vietcombank niêm yết tháng 9/2009 với tỷ lệ cổ phần nhà nước là 90%/vốn điều lệ...

Để thể chế hóa pháp luật, ngày 2/8/2010 Chính phủ ban hành Nghị định 84/2010/NĐ-CP nhằm sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 14/2007/NĐ-CP ngày 19/1/2007 trong đó tại Điểm 9 Điều 1 có nội dung : Sửa đổi Điểm d Khoản 1 Điều 8 như sau : “Tối thiểu 20% cổ phần có quyền biểu quyết của Cty do ít nhất 100 cổ đông không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và không phải là cổ đông lớn nắm giữ trừ trường hợp doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần theo qui định của Thủ tướng Chính phủ”. Theo VAFI, quy định sửa đổi có ý nghĩa rằng mọi doanh nghiệp nhà nước đã CPH mà kinh doanh có lãi và có trên 100 cổ đông đều đủ tiêu chuẩn niêm yết, không tính tới việc cổ đông bên ngoài nắm giữ bao nhiêu cổ phần.

Cho tới Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 thay thế cho các Nghị định kể trên và có hiệu lực cho tới nay đều cho phép các doanh nghiệp nhà nước thực hiện CPH phải gắn với việc niêm yết, bất kể tỷ trọng nhà nước là bao nhiêu, chẳng hạn như BIDV đang niêm yết với cổ phần nhà nước chiếm tới 95%/vốn điều lệ .

“Những cá nhân đại diện cổ phần nhà nước tại Sabeco và Habeco có hiểu biết pháp luật sơ đẳng về niêm yết doanh nghiệp nhà nước thực hiện CPH hay không?”- văn bản của VAFI nêu rõ.

Phó Chủ tịch VAFI cho hay, cách đây 5 năm, tổ chức này có đề nghị HĐQT Sabeo và Habeco thực hiện niêm yết, họ cũng viện dẫn Sabeco và Habeco không đủ điều kiện niêm yết với lý do trên, sau khi VAFI phân tích, họ có ra Nghị quyết Đại hội cổ đông về việc niêm yết nhưng đó chỉ là kế hoãn binh và những người đại diện vốn nhà nước đã cố tính không thực hiện chủ trương của nhà nước.

“Tại sao Thủ tướng lệnh mà cấp dưới không nghe? Vì họ không thích sự minh bạch, tuy nhiên việc không chấp hành lệnh của Thủ tướng là chống lại việc thi hành nhiệm vụ quản lý vốn mà nhà nước giao cho người đại diện…!”- văn bản của VAFI thẳng thắn.

Niêm yết sớm, nhân sự giỏi... lợi cả “tỷ đô”

Cũng trong văn bản này, VAFI đề nghị Bộ Công thương xem xét lại năng lực, phẩm chất đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức tuân thủ chỉ đạo từ đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước (Chính phủ ) của những người đang trực tiếp quản lý vốn nhà nước tại Sabeco & Habeco .

“Tất cả những người trực tiếp quản lý vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco đã cố tình vi phạm pháp luật về niêm yết chứng khoán, không chấp hành lệnh của Thủ tướng Chính phủ là muốn các doanh nghiệp CPH phải thay đổi mạnh mẽ phương thức quản trị doanh nghiệp đồng thời tạo hàng hóa có chất lượng để phát triển thị trường chứng khoán. Những hành động chống đối niêm yết là đã xâm phạm lợi ích của tất cả cổ đông, tước đi quyền và lợi ích của các cổ đông và hạ thấp giá trị của chứng khoán. Vi phạm này thuộc diện phải kỷ luật theo Nghị định 106/2015/NĐ-CP ngày 23/10/2015 của chính phủ về quản lý người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại DN mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ …”- văn bản của VAFI khẳng định

Trong văn bản gửi tân Bộ trưởng Công thương, VAFI cũng thẳng thắn cho rằng việc điều một số cán bộ công chức từ Bộ Công thương xuống doanh nghiệp làm thành viên HĐQT là không đủ tiêu chuẩn, chẳng hạn việc bổ nhiệm ông Võ Thanh Hà, Chánh Văn phòng Bộ Công thương về làm Chủ tịch HĐQT Sabeco hay trường hợp ông Vũ Quang Hải (SN 1986) được Bộ Công thương cử về Sabeco với chức danh thành viên HĐQT - Phó Tổng giám đốc Sabeco.

“VAFI cho rằng nếu như Sabeco & Habeco được niêm yết sớm và nếu như Bộ Công thương lựa chọn được nhân sự giỏi làm người trực tiếp quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì giá trị tài sản nhà nước tại 2 doanh nghiệp này phải cộng thêm ít nhất 1 tỷ USD nữa…”- Phó Chủ tịch VAFI Nguyễn Hoàng Hải khẳng định.

Đọc thêm