Vụ tai nạn bí ẩn và cái chết nhiều uẩn khúc của tướng Mỹ lừng danh (kỳ 2)

(PLVN) - Khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, George Patton đột ngột qua đời sau một tai nạn giao thông mà cho đến nay, vẫn còn nhiều bí ẩn chưa có lời đáp. Sự ra đi đột ngột đó không chỉ để lại sự tiếc nuối đối với quân đội Mỹ mà còn để lại nhiều câu hỏi bởi có quá nhiều nghi vấn xung quanh cái chết của ông.
Vụ tai nạn bí ẩn và cái chết nhiều uẩn khúc của tướng Mỹ lừng danh (kỳ 2)

Trong suốt quá trình thống lĩnh quân đội, với số lượng binh lính lên tới hàng trăm nghìn người, Patton được coi là vị tướng có nhiều biệt danh nhất trong lịch sử quân đội Mỹ. Điều này xuất phát từ nhiều cử chỉ, điệu bộ, cách giải quyết vấn đề và việc lựa chọn cho mình những quyết định chuẩn xác, thậm chí có phần liều lĩnh của ông trên chiến trường nhưng đều đem lại hiệu quả tối đa và giành chiến thắng.

Dư luận Mỹ đặt cho ông biệt danh “Thần chiến tranh thiết giáp”, ý khen ngợi ông trong việc tiêu diệt xe tăng Đức trong cả cuộc Thế chiến I và II. Đồng thời quân đoàn thiết giáp của liên quân Anh - Mỹ cũng phát huy sức mạnh tối đa trong cuộc chiến tại Bắc Phi, nơi mà “Con cáo sa mạc Rommey” của quân đội Đức cũng là một trong những tướng lĩnh tài ba bậc nhất, rất giỏi dụng binh, đặc biệt là xe tăng. Tổng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Marshall đặt cho ông biệt danh “Vị tướng tác chiến vĩ đại nhất và luôn chiến thắng của Mỹ”.

Quả thực, trong cuộc đời binh nghiệp của mình, hầu như các trận đánh lớn nhỏ, Patton chỉ giành chiến thắng. Chỉ duy nhất trận đánh tại cửa ngõ thủ đô nước Pháp, ông chấp nhận cho đội hình lùi sâu để dụ xe tăng Đức vào bẫy.

Tuy nhiên, tướng Marshall không coi đó là một trận thua mà hiểu Patton có lý do của mình khi quyết định chấp nhận chưa tiến vào Paris vội vàng. Điều đó có thể khiến quân đội Mỹ trả một cái giá rất đắt. Các tướng lĩnh dưới quyền ông gọi Patton là “Người cổ vũ hay nhất quân đội Mỹ”. Patton luôn giữ một thái độ cởi mở khi hỏi chuyện mọi người. Trừ khi huấn luyện, ông cũng như nhiều vị tướng khác, luôn có mặt tại các cuộc thư giãn, hát hò cùng binh lính dưới quyền.

Nhiều cuộc vui, Patton còn không ngần ngại tham gia cùng những anh lính mới, điều này giúp cấp dưới của ông luôn cảm thấy ông gần gũi, thân quen chứ không cung cách hay xa lạ. Tuy nhiên, cách hành xử của Patton nhiều lúc không được lòng người khác. Bản thân ông cũng bị rất nhiều người ghét. “Sĩ quan huấn luyện tàn khốc nhất”, đây là biệt danh mà nhiều binh lính trải qua các khóa huấn luyện của Patton đã phải thét lên vì quá khắc nghiệt. Cách huấn luyện của Patton có phần hà khắc, lại có nhiều nội dung được áp dụng từ chiến tranh thế giới I nên có phần lỗi thời.

Nhưng không vì thế mà Patton bỏ qua, ông vẫn duy trì, thậm chí bài tập huấn luyện còn nghiêm khắc hơn khiến binh lính tham gia khổ cực, vất vả hơn so với huấn luyện tại các đơn vị khác. Bộ trưởng Lục quân Mỹ Stimson đặt cho Patton biệt danh “Đứa trẻ khó dạy” vì Patton ít khi nghe theo mệnh lệnh của người khác. Ông thường hành động theo suy nghĩ của mình chứ không bị người khác chi phối. Điều này khiến nhiều góp ý vào lối đánh phát xít của ông trở thành công cốc.

Ngoài ra, Patton còn có hàng loạt các biệt danh như “Thổ phỉ trong quân Mỹ”, “Ong bắp cày xanh”, Vật báu vô giá trong thời chiến, phần tử gây rối trong thời bình”... Dù có nhiều biệt danh nhưng Patton trong một lần trả lời báo giới, ông thủng thẳng đáp: “Tôi thích biệt danh nào ấy à, tôi còn chẳng biết người ta có biết tên thật của tôi hay không. Tôi cứ là Patton, một Patton kiêu ngạo mà thôi”.

Đang ở đỉnh cao danh vọng thì George Patton gặp phải vụ tai nạn bí ẩn khiến ông qua đời. Cái chết nhiều uẩn khúc của vị tướng tài ba bậc nhất thế chiến II khiến dư luận bàng hoàng. Nhiều ý kiến cho rằng vụ tai nạn và cái chết của George Patton không phải ngẫu nhiên mà đây thực chất là một vụ ám sát. Vậy thực hư sự việc như thế nào, mời các bạn đón đọc kỳ cuối. 

Cú lừa ngoạn mục nhất Thế chiến II 

Bộ Tổng chỉ huy Đức quốc xã tôn trọng Patton hơn tất cả các tướng tá khác trong quân Đồng minh và xem ông là con át chủ bài trên chiến trường. Do biết được điều này, Patton đã có một cú lừa ngoạn mục quân Đức đầu năm 1944. Quân Đồng minh lừa Đức rằng Patton sẽ là chỉ huy của chiến dịch xâm lược Pas de Calais (Pháp). Một nhóm quân Đồng minh được dồn tới đây nhằm ngụy trang cho ý đồ thực sự của Patton là tấn công Normandy. Patton trong thời gian “lừa” quân Đức, ông hầu như không để lộ hành tung và khiến Đức tin rằng mình đang ở Dover (Anh). Đồng thời, Patton đang tích cực huấn luyện cho Quân đoàn III. Kết quả, quân Đức dồn phần lớn lực lượng ở Pas de Calais để nghênh đón Patton tấn công trong khi quân Đồng minh ồ ạt đổ bộ vào bãi biển Normandy ngày 6/6/1944. 

(Đón đọc kỳ cuối: Vụ tai nạn bí ẩn và cái chết nhiều uẩn khúc) 

Đọc thêm