Di chúc hết giá trị
Nguyên đơn trong vụ này là bà Trần Huyền Trang (trú tại 410/16 Cách Mạng Tháng Tám, phường 11, quận 3, TP.HCM), bị đơn là Nguyễn Hồng Phúc. Vì lý do nói trên mà 10 năm nay, bà Trang không làm được chủ quyền nhà, đất dù tài sản bà được tặng cho từ mẹ mình là hợp pháp.
Theo tài liệu, vợ chồng ông Nguyễn Văn Bông (đã chết), bà Phí Thị Nhớn (chết năm 2004) tạo lập được căn nhà số 28 tại Bến Phú Định, phường 16, quận 8, TP.HCM diện tích 805,8m2, trong đó có hai căn nhà tự xây cất có diện tích 36m2 và 40m2. Sau khi ông Bông chết (không để lại di chúc), bà Nhớn cùng 4 người con gồm các ông, bà: Nguyễn Đức Thiện, Trần Huyền Trang, Nguyễn Hữu Hạnh (hiện đang sống ở Mỹ, có con là Nguyễn Hồng Phúc) và Nguyễn Văn Quang quản lý nhà, đất nói trên.
Ngày 25/7/1993, bà Nhớn lập chúc thư với nội dung:“Vợ chồng tôi chung sống có 4 người con, nay chồng tôi đã quá vãng, tôi cũng xế chiều nên lập chúc thư này chia ra như sau: 6/10 miếng đất nằm về phía cầu Hòa Lục là thuộc quyền sở hữu của tôi; 4/10 miếng đất có một ngôi nhà về phía nhà hàng mì tôm Nivico tôi chia đều cho 4 người con. Riêng về phần đất sở hữu của tôi và ngôi nhà con gái tôi tạo dựng năm 1992, hiện tôi đang ở, tôi ủy quyền lại cho con gái tôi là Trần Huyền Trang tùy nghi sử dụng…”. Nhưng sau đó ngày 18/1/1997, bà Nhớn thay đổi ý định lập tờ di chúc định đoạt nhà, đất số 28; theo đó, ông Quang được chia căn nhà 36m2 trên diện tích 336m2 đất; ông Thiện và ông Hạnh được chia chung diện tích 252m2 đất.
Ngày 19/12/2001, bà Nhớn tiếp tục làm “Tờ tặng cho nhà và đất” phần tài sản thuộc quyền sở hữu của bà, trong đó đất là 461m2 và căn nhà 40m2 - chuyển cho con gái là bà Trần Huyền Trang. Tờ tặng cho nhà, đất được chính quyền địa phương xác nhận ngày 20/12/2001. Năm 2003, bà Trang làm thủ tục kê khai để hợp thức phần nhà, đất được tặng, cho nói trên thì ông Phúc (con ông Hạnh) ngăn cản. Vì thế, bà Trang đã khởi kiện yêu cầu công nhận quyền sở hữu, sử dụng phần nhà, đất mà bà Nhớn đã cho bà; đồng thời cho rằng di chúc ngày 18/1/1997 của bà Nhớn là không hợp pháp vì việc bà Nhớn tự định đoạt cả phần tài sản của ông Bông là không đúng.
Ủy quyền không hợp pháp
Theo quy định của pháp luật, người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào. Như vậy, về mặt ý chí, bà Nhớn đã thay đổi ý định, không muốn để lại tài sản của bà sau khi qua đời cho những người được thừa kế theo di chúc mà bà đã lập trước đó. Tuy bà Nhớn không hủy bỏ di chúc lập ngày 18/1/1997 nhưng khi bà Nhớn lập Tờ tặng, cho nhà và đất thì ý chí của bà Nhớn đã thay đổi, như vậy mặc nhiên nội dung của di chúc trước đó không còn giá trị.
Nhưng, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm vẫn xác định “Tờ tặng cho nhà, đất” bị vô hiệu về hình thức, và bà Trang chưa làm thủ tục đứng tên nhà, đất nên cho rằng yêu cầu của bà Trang là không đúng.
Cần nói thêm, trong vụ án này, ông Hạnh đang định cư ở Mỹ, quá trình giải quyết vụ án tuy ông Hạnh có Giấy ủy quyền cho con là ông Phúc, nhưng giấy này chưa được hợp pháp hóa lãnh sự nhưng Tòa án vẫn xác định ông Phúc là người đại diện của ông Hạnh là chưa chính xác.
Liên quan đến vụ này, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã quyết định giám đốc thẩm hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 237/2008/DSPT ngày 30/6/2008 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM và Bản án dân sự sơ thẩm số 2019/2007/DSST ngày 2/11/2007 của TAND TP.HCM về tranh chấp hợp đồng tặng cho nhà, đất giữa bà Trần Huyền Trang với ông Nguyễn Hồng Phúc. Nguyên đơn mong rằng, sắp tới cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ quy định pháp luật để có một phán quyết công bằng.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com