Thản nhiên sống trước “mũi” tử thần
Sở dĩ có tên “xóm đường tàu” bởi cuộc sống của người dân khu phố diễn ra bên đường tàu. Nếu ai lần đầu tới đây chắc chắn không khỏi rùng mình khi chứng kiến những chuyến tàu qua lại trong… lòng xóm nhỏ. Không rào chắn, không biển báo nguy hiểm, sinh hoạt thường ngày của người dân có thể thực hiện ngay tại đường ray. Người nhặt rau, người nhóm bếp, trẻ nhỏ hồn nhiên nô nghịch, vui đùa…, khi tàu đến mọi người tránh sang một bên, tàu đi họ trở lại vị trí cũ. Nhiều cửa hàng nằm cạnh đường ray thu hút khá đông khách.
Ông Thông quê ở Nam Định, làm nghề chạy xe ôm, vì muốn xe của mình nổi bật để dễ bắt khách, ông dựng xe trên đường ray. “Tôi chạy xe ôm gần hai chục năm rồi, vẫn dựng xe thế này có sao đâu. Xóm này mọi người đều quen hết với tàu rồi, sao mà có chuyện gì được cơ chứ” - ông nói.
Anh Nguyễn Văn Lân, thợ mộc ,làm việc tại một cơ sở sát đường tàu chia sẻ: “Vì xưởng chật hẹp nên anh em nhiều lúc phải làm trên đường tàu, chứ thật ra cũng không muốn lấn chiếm phần đường của tàu làm gì”. Khi được hỏi có sợ nguy hiểm không, anh Lân bình thản đáp: “Nguy hiểm gì đâu! Chúng tôi sống ở đây nhiều năm rồi nên lịch trình tàu chạy không chỉ người lớn mà trẻ con cũng thuộc làu làu. Ngày tàu chạy 3 chuyến, tối 7 chuyến. Lẻ đi, chẵn về”.
Mặc dù người dân “xóm đường tàu” ở Khâm Thiên đã khá quen thuộc với lịch tàu chạy nhưng nơi đây vẫn luôn tiềm ẩn những nguy hiểm, tai nạn có thể đến với họ bất cứ lúc nào. Ông Lê Văn Phúc, một công nhân ngành đường sắt đã nghỉ hưu sống tại khu phố này cho biết: “Hầu hết mọi người đều tỏ ra rất chủ quan, ngang nhiên sinh hoạt, chơi đùa, kinh doanh sát đường tàu, thậm chí trên đường ray. Tôi từng chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn đường sắt thương tâm mà nguyên nhân chủ yếu do ý thức của nạn nhân. Cách đây mấy tháng, có hộ dựng xe máy quá gần đường ray, bị tàu quệt và kéo đi dẫn đến hàng chục chiếc xe khác cùng đổ”.
Bao giờ người dân và tàu mới thôi “chung” đường?
Hầu hết những gia đình ở “xóm đường tàu” có người làm trong ngành đường sắt, được cấp nhà và sinh sống qua nhiều thế hệ. Hộ có điều kiện mua đất nơi khác ở thì tu sửa nhà xóm này cho thuê. Vì giá thuê phòng ở đây khá rẻ so với mặt bằng chung nên có nhiều người, từ sinh viên, người lượm ve chai cho đến những lao động ngoại tỉnh đến làm ăn, sinh sống, khiến “xóm đường tàu” mỗi lúc một đông đúc.
“Lúc đầu khi mới chuyển đến đây, nửa đêm tiếng ầm ầm của động cơ rồi đến tiếng rít của còi làm lũ trẻ không sao ngủ được. Nhưng sống chung một thời gian thành quen rồi, nhiều khi không được nghe tiếng tàu lại thấy nhơ nhớ” - chị Hoàng Thị Hà, bán xôi ở “xóm đường tàu” chia sẻ.
Quen tiếng tàu, nhưng cũng có người luôn nơm nớp lo tai nạn. Song vì mưu sinh, họ chấp nhận “sống chung với tử thần”. Chị Lê Thanh Hương, công nhân trọ ở “xóm đường tàu” than thở: “Tôi cũng hiểu được sự nguy hiểm rình rập khi ngày nào cũng đối mặt với những chuyến tàu qua lại nhưng vì giá trọ ở đây rẻ nên chuyển đến thuê trọ để tiết kiệm phần nào. Con nhỏ nên mỗi khi tàu chạy qua là phải trông con cẩn thận. Có hôm đang nấu ăn, thấy tàu đi qua kêu réo lên, chạy vội ra thấy con đang đứng trên đường ray, may mà mình ra bế kịp”.
Ông Nguyễn Quý Tùng, Phó Chủ tịch UBND phường Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Đường tàu nằm trong khu dân cư Khâm Thiên đã hình thành từ hàng chục năm nay. Để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra, tránh những tai nạn không đáng có, nguy hiểm cho người dân sống hai bên đường sắt, chúng tôi thành lập Ban an ninh phường thường xuyên đi tuần nhắc nhở người dân đảm bảo an toàn đường sắt. Việc di dời khu dân cư, hay di dời đường sắt là dự án lớn. Nếu có chủ trương, chúng tôi sẽ chấp hành để đảm bảo cuộc sống cho người dân và an toàn đường sắt”.
Theo Điểm b Khoản 1 Điều 35 Luật Đường sắt năm 2005 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2006), phạm vi giới hạn hành lang an toàn giao thông đường sắt được xác định mỗi bên là 15m tính từ mép ray ngoài cùng đối với những đoạn đường bằng phẳng trong khu gian (đoạn đường sắt nối hai ga liền kề); đối với những đoạn đường sắt trong ga, trong cảng, trong tường rào thì khoảng cách mỗi bên là 2m.
Quy định về khoảng cách 15m nhằm đề phòng những sự cố như nếu có lật tàu thì nhà cửa và cư dân ở cặp theo đường sắt sẽ ít thiệt hại.
Như vậy, nếu soi chiếu với những quy định về khoảng cách an toàn tối thiểu theo luật định thì quả thật “xóm đường tàu” không những vi phạm luật mà người dân nơi đây đang ngày ngày “giỡn chơi” với tử thần.