Theo Hội Nhà báo Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, tình trạng báo chí bị thương mại hóa không có dấu hiệu giảm sút mà còn có xu hướng nghiêm trọng hơn bằng việc đăng tải thông tin, hình ảnh giật gân, câu khách, thiếu văn hóa, thiếu nhân văn và phản giáo dục. Tình trạng cơ quan báo chí và nhà báo lạm quyền, cửa quyền, lợi dụng vị trí và công việc để vụ lợi, trục lợi ngày càng gia tăng. Đạo đức báo chí trở thành một vấn đề nóng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, theo dõi.
Năm 2016 khi Luật báo chí sửa đổi được Quốc hội thông qua, trong đó điều 8 được giao cho Hội nhà báo Việt Nam chăm lo công tác đạo đức nghề nghiệp. Xuất phát từ tình hình thực tế với những diễn biến nhanh chóng trong việc sử dụng mạng xã hội thiếu chuẩn mực, Hội nhà báo đã tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện Quy tắc sử dụng mạng xã hội cho nghiệp vụ báo chí và 7 điều nghiêm cấm sử dụng mạng xã hội vào mục tiêu không đúng đắn, thiếu phù hợp.
|
Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam được triển khai 1 năm . |
Sau gần 3 năm, Hội Nhà báo đã theo dõi, xử lý và đề nghị xử lý nhiều trường hợp. Cụ thể, Hội đã trao đổi, đối thoại, nhắc nhở cho trên 300 trường hợp hội viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình tác nghiệp hoặc có phát ngôn chưa chuẩn trên mạng xã hội. Từ khi thành lập đến nay, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo ở Trung ương đã xử lý thu hồi thẻ hội viên đối với 20 trường hợp vi phạm. Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo các cấp cũng theo dõi và có kiến nghị kịp thời đối với các trường hợp nhà báo sử dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin sai sự thật, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức. Cùng với đó, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo các địa phương đã xử lý, trình lên Hội đồng cấp Trung ương xem xét 09 trường hợp vi phạm pháp luật, điều lệ Hội.
Trong thời đại công nghiệp 4.0, các thông tin được cập nhật đa chiều, toàn diện hơn trên mạng xã hội (phổ biến là Facebook). Tuy nhiên, mạng xã hội cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động báo chí bởi nhiều nhà báo bị chi phối bởi áp lực tin, bài đã bỏ qua việc khâu kiểm chứng độ xác thực của thông tin. Sau khi triển khai Quy tắc sử dụng mạng xã hội người làm báo, đại đa số các nhà báo, hội viên đều ý thức sâu sắc và thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của người làm báo khi tham gia mạng xã hội. Số vụ vi phạm lien quan đến mạng xã hội có chiều hướng giảm rõ rệt.
Mặc dù đạt được kết quả bước đầu có nhiều ấn tượng, tuy nhiên quá trình triển khai quy tắc sử dụng mạng xã hội vẫn còn một số hạn chế: còn không ít Hội đồng cấp tỉnh chưa hoạt động đều đặn, xử lý vụ việc chậm, né tránh, xuôi chiều; không ít tổ chức Hội chưa chú trọng việc cảnh báo, ngăn chặn sai phạm.
Trước đó, ngày 30/7/2017, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam đã ký ban hành Quyết định số 533/QĐ-HNBVN thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Tiếp đó, ngày 24/12/2018, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam đã ký quyết định số 1131/QĐ-HNBVN ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.