Sự kiện 1: Ngành Hải quan tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại để đạt kim ngạch hàng hóa dự kiến đạt 668,5 tỷ USD và thu ngân sách ước đạt 370.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, góp phần quan trọng vào cân đối ngân sách, tăng trưởng kinh tế đất nước.
Mặc dù trải qua một năm đầy sóng gió nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo các cấp, sự nỗ lực của doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta đã đạt được những kết quả ấn tượng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đất nước.
|
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị. Ảnh: H.Nụ |
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2021 dự kiến đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% tương đương tăng tới 123 tỷ USD so với năm 2020. Đây là một kết quả ấn tượng cho sự nỗ lực không ngừng của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua. Kết quả này sẽ là cơ sở quan trọng để các Bộ, ngành hoàn thành nhiệm vụ được giao, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là ngành Tài chính, Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2021, tạo đà thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.
Việc xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cán mốc 668,5 tỷ USD và cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập sâu và rộng của đất nước. Đây là kết quả chứng minh sự nỗ lực của cả Hệ thống chính trị nói chung và ngành Hải quan nói riêng trong việc duy trì hoạt động, khắc phục khó khăn trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ tư của đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của nước ta trong những tháng vừa qua.
Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất, trong 15 ngày đầu tháng 12/2021 xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 31,32 tỷ USD (xuất khẩu là 15,78 tỷ USD và nhập khẩu 15,53 tỷ USD), cán cân thương mại trong 15 ngày đầu tháng 12/2021 xuất siêu 250 triệu USD. Như vậy với kết quả này, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam cộng dồn từ đầu năm đến hết ngày 15/12/2021 đạt 633,22 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,67 tỷ USD.
Về công tác thu ngân sách:
Năm 2021, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 128/2020/QH14 là 315.000 tỷ đồng, chỉ tiêu phấn đấu được Bộ Tài chính giao là 331.000 tỷ đồng. Để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, ngay từ đầu năm 2021, Tổng cục Hải quan đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP. Đồng thời, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị 215/CT-TCHQ ngày 15/1/2021 về tăng cường hiệu quả thu ngân sách nhà nước, trong đó chỉ ra các nhóm giải pháp chung và giải pháp cụ thể cho từng đơn vị để triển khai đồng bộ trong toàn ngành, trong bối cảnh kinh tế chính trị thế giới, khu vực, sự lây lan phức tạp của dịch bệnh Covid-19.
Năm 2021, Tổng thu NSNN ước đạt 370.000 tỷ đồng bằng 117,46% dự toán thu NSNN (315.000 tỷ đồng), bằng 110,45% chỉ tiêu phấn đấu (335.000 tỷ đồng), tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.
Để đạt được kết quả như trên, trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành Hải quan đã triển khai thực hiện rà soát nhiều giải pháp nhằm phấn đấu đạt được cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra.
Cụ thể, ngành Hải quan đã triển khai cải cách thủ tục hành chính, tham mưu ban hành Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, với các nội dung quy định cụ thể minh bạch đã góp phần cải cách thủ tuc hành chính theo hướng tăng cường áp dụng CNTT, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sản xuất xuất khẩu phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế; tạo thuận lợi hơn cho công tác quản lý thu thuế của cơ quan Hải quan.
Tiếp tục triển khai khai nộp thuế điện tử với 44 ngân hàng phối hợp thu, trong đó có 37 ngân hàng tham gia chương trình nộp thuế điện tử 24/7, 7 ngân hàng tham gia chương trình nộp thuế điện tử doanh nghiệp nhờ thu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc nộp thuế.
Tăng cường công tác kiểm soát hải quan, các kế hoạch, chuyên đề chống buôn lậu lớn, kiểm tra sau thông quan, thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh công tác kiểm tra trị giá, mã trong thông quan, tập trung rà soát, đánh giá phân tích thông qua Hệ thống GTT02, hệ thống trực ban trực tuyến và các hệ thống công nghệ thông tin đối các mặt hàng có rủi ro cao gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, khai sai mã số, khai ngụy trang tên hàng hoặc khai tên hàng không rõ ràng, đầy đủ.
Tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế; phân loại các nhóm nợ, tình trạng nợ thuế của doanh nghiệp, rà soát thu thập tài liệu, hoàn thiện hồ sơ đối với các trường hợp đủ điều kiện khoanh, xóa nợ.
Sự kiện 2: Thay đổi toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành, góp phần cắt giảm thủ tục, chi phí và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp qua Đề án “Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.
Nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã có những chỉ đạo tạo bước đột phá trong công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, cụ thể tại Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 99/NQ-CP, Chính phủ giao Bộ Tài chính “chủ trì xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch…), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm”.
|
Hành trình hiện thực hóa chỉ đạo của Chính phủ: Cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu. |
Trên cơ sở đánh giá, phân tích thực trạng công tác kiểm tra chuyên ngành hiện nay; nghiên cứu mô hình kiểm tra chất lượng của một số nước trên thế giới; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong nhiều năm qua về cải cách toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu; kế thừa những kết quả đã đạt được, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chủ trì xây dựng Đề án “Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” nhằm cải cách thực chất công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm chi phí, giảm thời gian cho doanh nghiệp, phát huy trách nhiệm của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ngày 12/1/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTg phê duyệt Đề án, đồng thời giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để làm cơ sở triển khai các nội dung cải cách tại Quyết định số 38/QĐ-TTg. Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành và các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp liên quan xây dựng dự thảo Nghị định và hiện đang trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Dự thảo Nghị định được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao về việc cải cách, tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu hàng hóa.
Với những nội dung cải cách quyết liệt đã được thể chế hóa tại dự thảo Nghị định, theo kết quả đánh giá tác động độc lập của Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ, khi Nghị định được triển khai thi hành sẽ có tác động tích cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế: ước tính trong 01 năm tiết kiệm gần 1.400 tỷ đồng (xấp xỉ 60,1 triệu USD) cho doanh nghiệp và 9.285 tỷ đồng (xấp xỉ 399 triệu USD) cho nền kinh tế.
Sự kiện 3: Chủ trì, phối hợp, triệt phá thành công nhiều chuyên án lớn về ma túy, hàng cấm... qua công tác kiểm soát hải quan.
Năm 2021, các nước trên thế giới vẫn đang chịu sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Một số các cửa khẩu quốc tế đã đóng cửa và các nước tăng cường kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, người nhập cảnh chặt chẽ theo yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc giao thương, hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn luôn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Đặc biệt là tình trạng vận chuyển trái phép các chất ma túy xuyên quốc gia từ nước ngoài vào Việt Nam và trung chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, lực lượng Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức triệt phá thành công nhiều chuyên án lớn liên quan đến vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới.
Theo đó, năm 2021, ngành Hải quan đã chủ trì và phối hợp triệt phá 242 vụ, bắt giữ 231 đối tượng, số tang vật thu giữ gồm trên 90kg và 52 bánh heroin; trên 700 kg cần sa; trên 500 kg và 581.246 viên ma túy tổng hợp…
Điển hình 2 chuyên án:
Thứ nhất là Chuyên án ngày 9/4/2021 do Cục Hải quan Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an kiểm tra nhiều kiện hàng gửi từ Hà Lan, Đức về Hà Nội qua đường hàng không có dấu hiệu nghi vấn. Kết quả, đã bắt giữ 16 đối tượng, thu giữ 127,5 kg ma túy tổng hợp.
|
Ma túy cất giấu, ngụy trang trong mô tơ điện được lực lượng Hải quan, Công an phối hợp bắt giữ tháng 5/2021 (Chuyên án HK668). Ảnh: C04 cung cấp. |
Thứ hai là chuyên án ngày 19/5/2021 do Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy C04 (Bộ Công an) xác lập, phối hợp với Công an TP HCM bắt giữ 5 đối tượng, thu giữ khoảng 280,85 kg ketamine được cất giấu trong các máy mô tơ điện và trong các thùng xốp chứa dạ dày và lòng lợn đông lạnh để chuẩn bị vận chuyển đi Trung Quốc tiêu thụ.
Với quyết tâm "tích cực, chủ động trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả", Tổng cục Hải quan đã bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ, Bộ Tài chính tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao từ công tác tham mưu đến công tác đấu tranh trực tiếp, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Kết quả, trong năm 2021, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện bắt giữ và xử lý 14.568 vụ vi phạm pháp luật hải quan với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.709 tỷ đồng, thu ngân sách đạt 290,57 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan ra quyết định khởi tố 39 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác khởi tố 176 vụ.
Sự kiện 4: Phê duyệt Kiến trúc tổng thể hướng tới hải quan số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Với mục tiêu (1) xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan thông minh và (2) nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan và thu thuế hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia. Vì vậy, song song với thực hiện các nội dung công việc liên quan đến thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số, Tổng cục Hải quan đã xây dựng mô hình Hải quan thông minh, xác định là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030, theo hướng: Hiện đại, chuyên nghiệp, phù hợp với xu hướng tự do hóa toàn cầu; áp dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của Hải quan các nước phát triển; các yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hành chính nhà nước hướng tới xây dựng Chính phủ số, Chính phủ điện tử.
|
Hoạt động nghiệp vụ tại Hải quan Hải Phòng. Ảnh: T.Bình |
Hải quan thông minh là mô hình có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan Hải quan, yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin với các bộ, ngành, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ cho người dân, doanh nghiệp. Mô hình Hải quan thông minh gồm các đặc trưng cơ bản: Quản lý biên giới thông minh; quản lý theo chuỗi và hệ sinh thái số; cung cấp dịch vụ tối ưu; kết nối và xử lý thông minh; minh bạch, công bằng, nhất quán. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, quản lý biên giới thông minh, phù hợp với mô hình hải quan ảo, cửa khẩu điện tử theo khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO). Triển khai mô hình quản lý biên giới tích hợp nhằm giảm yêu cầu tham gia trực tiếp của công chức hải quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ tại biên giới, thực hiện phân luồng hàng hóa, hành khách, phương tiện, ủy quyền kiểm tra tại cửa khẩu. Áp dụng các giải pháp công nghệ và trang thiết bị kiểm tra, giám sát hiện đại phù hợp với đặc điểm khu vực cửa khẩu biên giới, có khả năng tích hợp, trao đổi dữ liệu tập trung, thống nhất. Thống nhất vai trò chủ trì, điều phối các hoạt động liên quan đến quản lý, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), phương tiện vận tải xuất nhập cảnh (XNC) tại khu vực cửa khẩu biên giới của cơ quan Hải quan…
Thứ hai, quản lý theo chuỗi và hệ sinh thái số, triển khai mô hình quản lý chuỗi cung ứng tích hợp theo hướng dẫn tại khung an ninh và tạo thuận lợi thương mại (SAFE) của WCO. Quản lý theo chuỗi giá trị đáp ứng yêu cầu quản lý toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đảm bảo hàng hóa sử dụng đúng mục đích đã kê khai với cơ quan Hải quan...
Thứ ba, cung cấp dịch vụ tối ưu, thông qua thiết lập môi trường dịch vụ số thân thiện, dễ dàng tiếp cận, có khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi và trên mọi phương tiện, có thể theo dõi được kết quả xử lý, cũng như cung cấp các tính năng hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, người dân trong thực hiện thủ tục hành chính…
Thứ tư, kết nối và xử lý thông minh là ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ như: kết nối Internet vạn vật (IoT), Chuỗi khối (Blockchain), Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big data), Điện toán đám mây (ICloud), Di động (Mobility)… để hỗ trợ cơ quan Hải quan trong việc tự động phân tích, xử lý thông tin; làm chủ công nghệ, thích ứng kịp thời với những thay đổi về môi trường hoạt động…
Thứ năm, minh bạch, công bằng, nhất quán là cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, đơn giản, thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực và khuyến nghị của WCO. Quản lý đối với các hoạt động XNK hàng hóa, XNC phương tiện vận tải phải thống nhất, tập trung, tinh giản tối thiểu quy trình xử lý, cắt giảm các khâu trung gian không cần thiết. Khuyến khích và tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp và các bên liên quan tham gia phản biện chính sách pháp luật, hợp tác với cơ quan Hải quan trong thực thi và giám sát thực thi pháp luật...
Sự kiện 5: Tổng cục Hải quan triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi thông quan nhanh hàng hóa, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Trong thời gian vừa qua nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, ngành Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua các khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS Cov-2 đặc biệt là các giải pháp từ chủ trương, chính sách đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cụ thể cho từng ngành hàng đã góp phần đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, cụ thể:
Nhóm giải pháp về xây dựng chủ trương, chính sách hỗ trợ cho các hoạt động XNK trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19:
Ngày 30/9/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 82/2021/TT-BTC quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
|
Công chức Hải quan TPHCM làm thủ tục cho hàng hóa XNK qua cảng Cát Lái . Ảnh: L.Linh |
Ngoài ra, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Thông tư “quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; nộp chứng từ thuộc hồ sơ hải quan và kiểm tra thực tế đối với hàng hoá xuất nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19".
Nhóm giải pháp tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa XNK:
Để giải quyết các khó khăn vướng mắc trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp trên nhiều địa bàn cả nước, trong đó có một số địa bàn có cảng biển, cửa khẩu lớn dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ đối với hoạt động xuất nhập khẩu, ngành Hải quan đã chủ động, tích cực triển khai các giải pháp như chấp nhận cho doanh nghiệp nộp chứng từ dưới dạng điện tử thuộc hồ sơ hải quan để thông quan hàng hoá; xem xét việc không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với hành vi vi phạm quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan do tình huống bất khả kháng; chấp nhận cho doanh nghiệp được nộp bản scan điện tử Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu AK, KV để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc; tạm dừng tổ chức kiểm tra đánh giá tuân thủ đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhóm giải pháp về tổ chức, điều hành và bố trí nhân lực đảm bảo việc thông quan hàng hóa:
Các đơn vị trong toàn Ngành xây dựng các phương án sẵn sàng với các giải pháp về công nghệ thông tin, hạ tầng, trang thiết bị phòng chống dịch, nguồn nhân lực… nhằm đảm bảo giải quyết thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, để việc thông quan hàng hoá không bị gián đoạn, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa; các Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan từ cấp Tổng cục, cục đến cấp chi cục làm việc 24/7 để kịp thời tiếp nhận, xử lý các vướng mắc của người khai hải quan đảm bảo hỗ trợ giải quyết thông quan nhanh hàng hoá, đặc biệt là hàng hóa phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 như: vật tư, thiết bị y tế, tân dược, vắc xin, sinh phẩm xét nghiệm,…
Bên cạnh đó, ngành Hải quan cũng có những giải pháp thông quan nhanh đối với hàng hóa nhập khẩu là vật tư thiết bị y tế, tân dược, vắc xin và sinh phẩm y tế phục vụ phòng chống dịch; và các giải pháp hỗ trợ thủ tục xuất khẩu nông sản qua các tỉnh biên giới phía Bắc.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan thường xuyên tổ chức các buổi làm việc, Hội nghị trực tuyến hoặc tham gia các Hội nghị do Chính phủ, Bộ ngành tổ chức để kịp thời nắm bắt, tiếp thu, giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp và đồng hành cùng doanh nghiệp trong giai đoạn các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Sự kiện 6: Quan hệ đối tác giữa Hải quan Việt Nam với Hải quan các nước và các tổ chức quốc tế phát triển trên một tầm cao mới thông qua trao đổi thông tin quản lý hải quan; hỗ trợ nâng cao năng lực, trang thiết bị hiện đại.
Trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động hợp tác quốc tế giữa Hải quan Việt Nam với các cơ quan Hải quan đối tác và các tổ chức quốc tế vẫn được duy trì và phát triển bền vững, thể hiện rõ nhất là các chương trình hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật được triển khai hiệu quả với việc tiếp nhận hỗ trợ trang thiết bị từ các đối tác để phục vụ cho công tác quản lý biên giới và hải quan của Việt Nam.
|
Đại diện hai bên bàn giao thiết bị. Ảnh: H.Nụ |
Cụ thể, các thiết bị và hệ thống mà Hải quan Việt Nam đã tiếp nhận bao gồm: 4 máy quang phổ cầm tay phát hiện hóa chất Aligent, 59 máy nội soi hàng hóa LCD, 15 ống nhòm hồng ngoại nhìn đêm, 9 ống nhòm ban ngày được Cơ quan Bảo về Biên giới Anh (UKBF) trao tặng trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ hợp tác hải quan và hỗ trợ hành chính lẫn nhau giữa Cơ quan Bảo vệ biên giới Anh và Tổng cục Hải quan (ký ngày 2/10/2019). Các thiết bị này, với các khả năng xác định các chất rắn, chất lỏng và bột không xác định, bao gồm hóa chất gia dụng, chất nổ và tiền chất, chất ma túy và các chất tác động thần kinh mới, hóa chất công nghiệp/phòng thí nghiệm gây hại; phân tích hình ảnh trực tiếp trong môi trường container và vận tải hàng không; phát hiện các mặt hàng bất hợp pháp bao gồm ma tuý và động thực vật hoang dã bất hợp pháp nhờ tính linh hoạt của ống nội soi có thể tiếp cận được phần sau cuối của container để kiểm tra và sau đó ghi hình hoặc chụp ảnh lại; giám sát trực tiếp nâng cao bằng công nghệ hồng ngoại nhìn ban đêm, sẽ là công cụ hỗ trợ hiệu quả công tác tìm kiếm và soi chiếu tăng cường tại các cửa khẩu cảng biển và cửa khẩu hàng không tại Việt Nam.
Hệ thống phát hiện phóng xạ dạng cổng với 6 RPM (cổng theo dõi phóng xạ) được lắp đặt tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tài trợ. Đây là hệ thống thứ hai IAEA tài trợ cho Hải quan Việt Nam sau hệ thống lắp đặt tại sân bay quốc tế Nội Bài nhằm mục đích phát hiện nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân trái phép bị che giấu trong người hoặc hành lý xách tay của hành khách nhập cảnh vào Việt Nam.
3 thiết bị quang phổ cầm tay Trunarc Raman phát hiện ma túy và 3 bộ thử cho các Đơn vị kiểm soát cảng (PCU) được trao tặng trong khuôn khổ Chương trình kiểm soát công-ten-nơ (CCP) do UNODC và WCO khởi xướng. Đây là thiết bị quang phổ kế cầm tay sử dụng phương pháp quang phổ raman, hoạt động bằng điện, dùng để xác định các chất gây nghiên, á phiện (tổng hợp) và ma túy. Thiết bị này phù hợp và hữu ích cho công tác kiểm tra, kiểm soát hải quan cho các PCU tại khu vực cảng biển, hỗ trợ xác định gần 500 loại chất gồm ma túy, chất kích thích, chất gây ảo giác và các loại chất trái phép một cách nhanh chóng và an toàn. Bên cạnh đó, thư viện dữ liệu của thiết bị sẽ thường xuyên được cập nhật, bổ sung thông tin về các loại chất nguy hiểm mới nổi. Các thiết bị này được trang cấp cho các Đơn vị kiểm soát cảng thuộc các Cục Hải quan tỉnh/thành phố Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và sẽ góp phần hỗ trợ công tác xác định trọng điểm hàng hóa là các chất cần kiểm soát, tăng cường hiệu quả kiểm soát của các PCU này.
Sự kiện 7: Năm năm liên tiếp đứng đầu về cải cách hành chính khối Tổng cục và tương đương thuộc Bộ Tài chính.
Trong những năm qua, Tổng cục Hải quan đã được Chính phủ, các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là một trong những cơ quan đi đầu trong cải cách, hiện đại hóa. Nhờ đó mà Tổng cục Hải quan là đơn vị nhiều năm liền đứng đầu trong khối các Tổng cục và tương đương thuộc Bộ Tài chính về Chỉ số cải cách hành chính.
|
Hải quan Việt Nam vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trao tặng vì có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020. (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Dương Thái, đứng thứ 2 từ trái qua, đại diện Hải quan Việt Nam nhận Bằng khen). |
Nỗ lực cải cách hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, giảm chi phí cho doanh nghiệp của Tổng cục Hải quan cũng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Hàng năm, Tổng cục Hải quan đều ban hành Kế hoạch cải cách hành chính để cụ thể hóa các nhiệm vụ cải cách hành chính được Bộ Tài chính giao. Xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 theo Quyết định 448/QĐ-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030. Quy hoạch hệ thống pháp luật hải quan nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ Hiến pháp năm 2013. Trình ban hành 2 đạo luật quan trọng là Luật Hải quan 2014 và Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 với nhiều chế định cải cách hành chính quan trọng. Trên cơ sở đó đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 2 đạo luật này. Nội luật hóa nhiều hiệp định thương mại đã ký kết trong lĩnh vực quản lý. Thường xuyên rà soát, đánh giá thủ tục hành chính qua đó đã cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Nhiều thành phần hồ sơ, chứng từ, giấy tờ, phương thức thực hiện thủ tục hành chính đã được điện tử hóa.
Thực hiện Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 13/11/2019 của Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã trình ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Trên cơ sở đó, đã hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Tổng cục Hải quan tăng cường áp dụng các phương pháp quản lý hiện đại như quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan. Đẩy mạnh hoạt động điều tra chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trình ban hành Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan. Thường xuyên rà soát, tinh giản, sáp nhập được 139 tổ, đội, giảm 12 Chi cục Hải quan. Thực hiện đúng các quy định về quản lý, sử dụng cán bộ, công chức. Tập trung nâng cao chất lượng cán bộ, công chức nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa hải quan. Hàng năm Tổng cục Hải quan đều phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước được giao. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện hiện đại nhằm phục vụ hoạt động quản lý. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia với 235 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành được thực hiện. Giúp Chính phủ kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước thành viên ASEAN. Bảo đảm vận hành ổn định, an toàn Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS. Xây dựng và triển khai các hệ thống công nghệ thông tin vệ tinh phục vụ hoạt động giám sát, kiểm tra hải quan trong đó điển hình như Hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM) thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho, bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan. Tập trung tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin ngành Hải quan để phục vụ xây dựng Hải quan số tiến tới mô hình Hải quan thông minh nhằm ứng dụng tối đa thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đã ký kết với 44 ngân hàng thương mại để triển khai phối hợp thu ngân sách trong đó có 38 ngân hàng triển khai nộp thuế điện tử và thông quan 24/7, số thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu qua ngân hàng đạt 99,8% trên tổng số thu. Tổng cục Hải quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 215/237 thủ tục hành chính, chiếm 91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan Hải quan thực hiện, trong đó có 209 thủ tục hành chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%). Tổng số dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực hải quan được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia là 98.
Công tác cải cách hành chính của Tổng cục Hải quan đã có sự phát triển vượt bậc, qua đó góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Những nỗ lực mạnh mẽ này, trên thực tế, đã được lượng hóa bằng những con số cụ thể, ý nghĩa. Để ghi nhận những kết quả mà Hải quan Việt Nam đã đạt được, ngày 18/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng Bằng khen cho Tổng cục Hải quan vì có nhiều thành tích trong công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.
Sự kiện 8: Quyết liệt triển khai Chuyên đề kiểm tra sau thông quan đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hạt điều có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan với số lượng lớn.
Những tháng đầu năm, lượng hạt điều nguyên liệu nhập khẩu tăng bất thường, đặc biệt từ thị trường Campuchia. Điều này đã được ngành Hải quan kịp thời nắm bắt và lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ tập trung làm rõ các dấu hiệu bất thường. Trước tính chất cấp bách, sự ảnh hưởng lớn từ sự việc, xác định các hành vi gian lận trong nhập khẩu hạt điều sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp làm ăn chân chính trong nước, uy tín, thương hiệu hàng hóa Việt Nam và gây thất thu ngân sách, Tổng cục Hải quan quan đã tập trung nguồn lực, quyết liệt triển khai chuyên đề kiểm tra để làm rõ những nghi vấn, những dấu hiệu bất thường về hoạt động xuất nhập khẩu hạt điều.
|
Công tác kiểm tra sau thông quan tại Cục Hải quan Quảng Ninh bị ảnh hưởng do dịch bệnh. |
Tổng cục Hải quan đã ban hành 20 quyết định kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm tại tỉnh Bình Phước - “thủ phủ” về trồng, nhập khẩu, chế biến, xuất khẩu điều của Việt Nam. Quá trình tiến hành kiểm tra, một số tỉnh, thành phía Nam, trong đó có tỉnh Bình Phước, bắt đầu thực hiện chủ trương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại một số địa phương và sau đó là toàn bộ tỉnh, thành. Điều này ảnh hưởng đến công tác thu thập thông tin, xác minh, làm việc với doanh nghiệp trong quá trình kiểm tra sau thông quan. Dù vậy, với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm khắc phục khó khăn, Tổng cục Hải quan đã khẩn trương tranh thủ thời gian để thực hiện được 18/20 cuộc kiểm tra tại địa bàn chưa thực hiện giãn cách xã hội (2 cuộc kiểm tra chưa thực hiện được do giám đốc doanh nghiệp đang thực hiện giãn cách xã hội tại TPHCM, không có mặt ở Bình Phước tại thời điểm kiểm tra).
Sau khi kiểm tra sau thông quan thực tế tại doanh nghiệp, việc giãn cách xã hội tiếp tục được thực hiện diện rộng ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước. Trước tình hình này, Tổng cục Hải quan vừa nghiêm túc thực hiện các quy định phòng, chống dịch vừa chủ động tập trung phân tích, đánh giá, xử lý các thông tin liên quan đến chuyên đề kiểm tra sau thông quan mặt hàng hạt điều. Đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh giãn cách xã hội, nhiều cán bộ công chức phải làm việc từ xa, phải thực hiện cách ly theo quy định.
*Kết quả đạt được
Kết quả bước đầu, Tổng cục Hải quan đã có kết luận kiểm tra đối với 18/18 vụ việc đã thực hiện kiểm tra sau thông quan. Trong đó: 2 doanh nghiệp có hành vi gian lận về xuất xứ hạt điều xuất khẩu (xuất xứ thuần tuý Việt Nam); 4 doanh nghiệp thuộc loại hình sản xuất xuất khẩu, có nghi vấn bán tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, khi cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra, doanh nghiệp không có trụ sở, không còn hoạt động sản xuất tại địa điểm đăng ký kinh doanh. Do không có điều kiện kiểm tra, xác minh làm rõ nghi vấn nên Tổng cục Hải quan đã chuyển thông tin về 4 doanh nghiệp này (theo nguồn tin tố giác tội phạm) đến công an tỉnh Bình Phước để tiếp tục làm rõ dấu hiệu vi phạm bán tiêu thụ nội địa.; 1 doanh nghiệp: Tổng cục Hải quan đang trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét các dấu hiệu vi phạm để tiến hành khởi tố. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã giao cho các Cục Hải quan tiến hành kiểm tra sau thông quan đối với 34 doanh nghiệp. Đồng thời, chuyển danh sách 280 doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để các Cục Hải quan tỉnh, thành phố nghiên cứu, xây dựng kế hoạch kiểm tra theo quy định.
Như vậy, có thể nhận định, chuyên đề “Kiểm tra sau thông quan để làm rõ và xử lý những dấu hiệu bất thường trong XNK hạt điều” là sự kiện có ảnh hưởng lớn đối với hoạt động XNK hạt điều tại Việt Nam, được thực hiện kịp thời, khẳng định nỗ lực thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh dịch bệnh Covid- 19, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng không để doanh nghiệp lợi dụng để vi phạm pháp luật. Chuyên đề được thực hiện trên diện rộng, có tính chất ngăn chặn, răn đe đối với các hành vi sai phạm, bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính; giữ vững uy tín thương hiệu Việt Nam của một ngành hàng xuất khẩu đứng đầu thế giới.
Sự kiện 9: Thực hiện chính quy, hiện đại thông qua triển khai Nghị định số 02/2021/NĐ-CP ngày 07/01/2020 quy định về cờ truyền thống, cờ hiệu, biểu tượng, hải quan hiệu, phù hiệu, biển tên, cấp hiệu, trang phục, chứng minh hải quan và dấu hiệu đặc trưng phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan.
Ngày 7/1/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2021/NĐ-CP quy định về cờ truyền thống, cờ hiệu, biểu tượng, hải quan hiệu, phù hiệu, biển tên, cấp hiệu, trang phục, chứng minh hải quan và dấu hiệu đặc trưng phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan thay thế Nghị định số 10/2005/NĐ-CP ngày 31/01/2005 của Chính phủ.
Nghị định số 02/2021/NĐ-CP gồm 3 chương 16 điều và có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2021 với nhiều điểm mới khắc phục những tồn tại, hạn chế của Nghị định số 10/2005/NĐ-CP nhằm xây dựng vị trí hình ảnh của lực lượng hải quan theo hướng chính quy, hiện đại cũng như tính uy nghiêm của trang phục hải quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ, xây dựng hình ảnh đẹp, chuyên nghiệp và nâng cao vị thế của lực lượng hải quan trong quá thực hiện nhiệm vụ “gác cổng nền kinh tế” mà Đảng, Chính phủ giao cơ quan Hải quan thực hiện, cụ thể:
Thứ nhất, thay đổi màu sắc, kiểu dáng trang phụ hải quan xuân hè và quy định trang phục dành riêng cho lực lượng làm công tác chống buôn lậu. Trang phục của cơ quan hải quan tại Nghị định số 02/2021/NĐ-CP có nhiều điều chỉnh về kiểu dáng, màu sắc, đặc biệt là màu sắc của trang phục xuân - hè đã có sự thay đổi từ màu xanh da trời (Nghị định số 10/2005/NĐ-CP) thành màu xanh đen cùng màu của quần; trên vai của cánh tay áo có gắn biểu tượng hải quan và có sự điều chỉnh về kiểu dáng để thuận tiện cho việc sơ vin tạo sự thanh lịch, gọn gàng trong quá trình sử dụng.
|
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 1, Hải quan Hải Phòng, tháng 11/2021. Ảnh: T.Bình. |
Trang phục dành riêng cho lực lượng chống buôn lậu: Được thay đổi nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đảm bảo trang phục thể hiện tính uy nghiêm, tính quyền lực trấn áp tội phạm trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa (Nghị định số 10/2005/NĐ-CP chưa quy định). Trang phục chống buôn lậu của lực lượng Hải quan được lấy ý tưởng từ trang phục dã chiến của các lực lượng quân đội, công an với thiết kế chất liệu phù hợp với quá trình thực thi nhiệm vụ; màu sắc rằn ri phối trên cơ sở của 4 màu (màu đen Pantone Black 7C, xanh bộ đội Pantone 560C, cỏ úa Warm Gray11C, Pantone 4665C) dễ ẩn nấp nhưng đặc trưng riêng của Hải quan, không bị trùng với các lực lượng khác; kiểu dáng được tư vấn thiết kế theo hướng năng động, hiện đại, nhiều túi, đai để đựng công cụ hỗ trợ, máy móc thiết bị chuyên dùng cầm tay…
Thứ hai, quy định cụ thể về dấu hiệu đặc trưng của phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan (tàu thuyền, ô tô) và vị trí gắn cờ hiệu, biểu tượng hải quan, đèn hiệu, loa, còi trên phương tiện. Nội dung bổ sung trong Nghị định nhằm luật hóa những dấu hiệu đặc trưng phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan của cơ quan hải quan, đưa các quy định của Luật Hải quan về việc lắp đặt, sử dụng đèn hiệu, cờ hiệu hải quan, biểu tượng hải quan, loa, còi trên các phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan triển khai trên thực tế.
Đối với tàu thuyền, ca nô tuần tra, kiểm soát hải quan:
Xuất phát từ đặc thù hoạt động tàu thuyền của cơ quan hải quan là tàu công vụ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, giữ gìn trật tự an ninh kinh tế, an toàn và chủ quyền kinh tế quốc gia; đồng thời phối hợp với các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, trong công tác phối hợp tác chiến khi có nhu cầu cần thiết góp phần bảo vệ an ninh, quốc phòng đất nước.
Đối với ô tô tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan:
Nghị định số 02/2021/NĐ-CP đã hướng dẫn cụ thể về dấu hiệu đặc trưng của ô tô tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan. Theo đó, xe ô tô kiểm tra, kiểm soát, giám sát hải quan hai bên cửa xe có in dòng chữ “CUSTOMS” có phản quang theo quy cách như sau: Chữ in hoa, in đứng, cỡ chữ tùy thuộc vào từng loại xe; trước xe (nắp capo) và trước dòng chữ “CUSTOMS” có gắn biểu tượng hải quan. Nóc xe có gắn loa, đèn hiệu màu vàng; cờ hiệu hải quan cắm ở đầu xe phía bên trái người lái.
Ngoài ra, một số trang phục khác như mũ, giày, tất, biển tên; chứng minh thư hải quan... cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp yêu cầu công tác và thực tiễn.
Sự kiện 10: Xây dựng Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021 - 2030 hướng tới Hải quan Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Nhằm tiếp tục công cuộc cải cách, phát triển, hiện đại hóa hải quan trong bối cảnh mới, với mong muốn phục vụ cộng đồng doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, góp phần tạo thuận lợi thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Hải quan Việt Nam đã xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2021 - 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dự thảo Chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2021 - 2030 đặt ra mục tiêu “Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan. Quản lý thu thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu hiệu quả. Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia”. Nhằm cụ thể hóa mục tiêu đặt ra, ngành Hải quan xác định các nhiệm vụ đột phá cụ thể, đó là:
Tiếp tục xây dựng nền tảng pháp luật về Hải quan hiện đại, đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng, triển khai mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh và thực hiện nhiệm vụ đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu. Các quy định pháp luật về hải quan và pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có tính gắn kết thống nhất. Quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, chống thất thu, gian lận thuế.
|
Công chức Hải quan KCN Mỹ Phước (Cục Hải quan Bình Dương) kiểm tra thực tế hàng hóa XNK. Ảnh T.D |
Cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng minh bạch, đơn giản, thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực và khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới nhằm giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục thông quan, giải phóng hàng.
Tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan, giảm tỷ lệ kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan; triển khai mô hình biên giới thông minh, hải quan xanh; cải cách mô hình kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu. Tạo thuận lợi cho thương mại hợp pháp, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng.
Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua việc: hoàn thiện thể chế; xây dựng và tổ chức lực lượng từng bước chính quy, hiện đại; đẩy mạnh thu thập thông tin trong nước và ngoài nước; từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu số và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm soát hải quan; kết hợp nhuần nhuyễn, đồng bộ, hiệu quả giữa phương thức kiểm soát hải quan hiện đại với phương thức kiểm soát hải quan truyền thống nhằm chủ động, phòng ngừa từ xa, từ sớm, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia.
Xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin hải quan tập trung, tích hợp thông minh đảm bảo các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống, với nền tảng số, phù hợp với kiến trúc Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuẩn mực quốc tế, ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu khoa học, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về Hải quan trong tình hình mới, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, kết nối với các đối tác thương mại của Việt Nam… nhằm tập trung hóa tối đa xử lý thủ tục hành chính, kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan Hải quan với các Bộ, Ngành, các cơ quan chức năng thuộc và trực thuộc các Bộ, Ngành, các cơ quan quản lý Nhà nước tại cửa khẩu và đơn vị có liên quan tham gia chuỗi cung ứng đáp ứng yêu cầu quản lý doanh nghiệp, quản lý toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Đổi mới tổ chức bộ máy hải quan với cơ cấu tinh gọn hợp lý, giảm đầu mối trung gian đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh và thực hiện nhiệm vụ đầu mối kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu. Đẩy mạnh xây dựng và triển khai mô hình quản lý nguồn nhân lực theo năng lực dựa trên vị trí việc làm. Phát triển nguồn nhân lực tinh thông nghiệp vụ, liêm chính, chuyên nghiệp, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh và các nhiệm vụ chính trị của ngành Hải quan.
Đẩy mạnh công tác hợp tác và hội nhập quốc tế về hải quan toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Hải quan Việt Nam trong cộng đồng hải quan thế giới; phát triển quan hệ hợp tác, đối tác giữa Hải quan với các bên liên quan tạo nền tảng và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về Hải quan. Nâng cao mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.