15 năm dấu ấn tín dụng chính sách trên hành trình giảm nghèo

(PLO) - Là tổ chức được giao nhiệm vụ thực thi tín dụng chính sách xã hội, 15 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Hiện cả nước đã có trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi của Chính phủ
Hiện cả nước đã có trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi của Chính phủ

Vốn chính sách đã đến được tất cả các xã khắp mọi miền đất nước

Đến ngày 30/9/2017, tổng nguồn vốn toàn hệ thống NHCSXH đạt trên 179 nghìn tỷ đồng, tăng trên 172 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 25 lần so với khi thành lập. Từ 03 chương trình tín dụng nhận bàn giao, đến nay tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện 20 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án do các địa phương, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước uỷ thác cho NHCSXH thực hiện. Đến 30/9/2017, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 169.036 tỷ đồng, gấp hơn 24 lần so với thời điểm thành lập; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19,2%, với trên 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. 

Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách cũng không ngừng được củng cố và nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống NHCSXH đã giảm từ 13,75% tại thời điểm nhận bàn giao xuống còn 0,81% tại thời điểm 30/9/2017 (trong đó, nợ quá hạn 0,42%, nợ khoanh 0,39%).

Trong 15 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới... Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25% cuối năm 2015.

Khẳng định mô hình tổ chức quản trị, phương thức quản lý vốn đặc thù, hiệu quả

Trong hành trình 15 năm cùng đất nước xóa đói giảm nghèo, NHCSXH đã thiết lập được mô hình tổ chức quản trị mang tính đặc thù, phù hợp với điều kiện, đặc điểm nước ta, đáp ứng yêu cầu tập trung nguồn lực xã hội, tăng hiệu quả sử dụng vốn, thực hiện xã hội hoá hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Hội đồng quản trị (HĐQT) cấp Trung ương có 14 thành viên (12 thành viên kiêm nhiệm và 2 thành viên chuyên trách), trong đó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT, 11 thành viên là lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành. Còn Ban đại diện HĐQT  cấp tỉnh, cấp huyện là lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước và các ban ngành, đoàn thể, trong đó Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cùng cấp làm Trưởng ban...

NHCSXH đã xây dựng được bộ máy điều hành tác nghiệp hiệu lực, hiệu quả theo 3 cấp (Trung ương, tỉnh, huyện). Bộ máy điều hành tác nghiệp của NHCSXH luôn nỗ lực phấn đấu, chủ động, sáng tạo và quyết tâm cao cùng với đội ngũ cán bộ chuyên sâu nghiệp vụ, tận tụy công việc, tâm huyết với ngành trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao. 

Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo trong điều kiện tiết giảm chi phí quản lý, chi phí xã hội,... NHCSXH đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù thông qua hình thức: Phân công, phân cấp trách nhiệm trong việc xác định hộ nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện vay vốn; Thực hiện dân chủ, công khai trong cộng đồng dân cư; Kết hợp sự tham gia của 04 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với vai trò giám sát xã hội và làm uỷ thác một số nội dung công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách.

NHCSXH thực hiện tổ chức giao dịch tại 10.974 Điểm giao dịch đặt tại trụ sở  UBND cấp xã; phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thành lập được 187.151 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại thôn, ấp, bản, làng. Tổ tiết kiệm và vay vốn là nơi giúp hộ vay thực hiện các thủ tục vay vốn, tổ chức sinh hoạt tương trợ giúp đỡ nhau, đảm bảo thực hiện cơ chế dân chủ, vừa là nơi để ngân hàng đưa các nghiệp vụ về cơ sở phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác hiệu quả hơn. 

Hoạt động tín dụng chính sách tạo nên hiệu ứng xã hội mạnh mẽ

15 năm qua, tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đến nay đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Từ những kết quả đạt được, có thể khẳng định tín dụng chính sách xã hội đã đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong phạm vi cả nước.

Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội đã khẳng định phương thức quản lý và mô hình tổ chức quản trị, điều hành, tác nghiệp của NHCSXH là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta; đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của cả xã hội tham gia vào công cuộc giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. 

Đặc biệt, NHCSXH với mạng lưới Chi nhánh, Phòng giao dịch rộng khắp toàn quốc và hệ thống Điểm giao dịch xuống tận các xã/phường, mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn thành lập tại các thôn, ấp, bản, làng đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước thuận lợi, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và của cả xã hội trong việc thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. 

Mô hình “Điểm giao dịch của NHCSXH tại Ủy ban nhân dân xã/phường” được đánh giá là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, tiết giảm chi phí đi lại. Cùng với hoạt động tích cực của Tổ tiết kiệm và vay vốn đã tạo sự quản lý chặt chẽ vốn tín dụng chính sách xã hội từ khâu bình xét, sử dụng vốn đến khâu trả nợ, trả lãi. Theo đánh giá của Quốc hội tại báo cáo số 660/BC-UBTVQH13: “Thủ tục cho vay đối với hộ nghèo khá thuận lợi, đơn giản. Việc tổ chức giao dịch tại xã của NHCSXH đã tạo được hệ thống dịch vụ gần dân, thân thiện và có trách nhiệm, tiết kiệm chi phí giao dịch, đi lại cho người dân, mô hình tổ chức và hoạt động của NHCSXH được tổ chức hợp lý, năng động, nâng cao khả năng quản lý…”.

Tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua NHCSXH đã góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, là một công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường đến với những đối tượng dễ bị tổn thương và là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. 

15 năm quan, đã có trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH; góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động, hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; gần 105 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, gần 528 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, trên 11 nghìn căn nhà phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; trên 112 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài...

Sau 03 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã phát huy hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi toàn quốc, có tác động tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội và hoạt động của NHCSXH. Từ khi thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, nguồn vốn ủy thác địa phương đã tăng thêm 4.593 tỷ đồng (118% so với trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW), đưa tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đến nay đạt 8.485 tỷ đồng. 

Đọc thêm