Bước ngoặt quan trọng
Theo Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione, Việt Nam đang ở bước ngoặt trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy đã gặt hái nhiều thành công và đứng trước vận hội lớn cả trong và ngoài nước nhưng ngành nông nghiệp cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn về dân số, kinh tế và môi trường.
“Ngành nông nghiệp tạo ra sản phẩm nhưng cũng kèm theo cái giá phải trả về môi trường”, ông Ousmane Dione nói. Tốc độ tăng trưởng đã giảm sút, nông nghiệp dễ bị tổn thương trước các hiểm họa thời tiết và nông nghiệp là những vấn đề được ông Ousmane Dione nhấn mạnh.
Báo cáo ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của ngành nông nghiệp khi Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hàng đầu các mặt hàng nông sản, lương thực và nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu lớn nhất về thủy sản, gạo, cà phê, chè, hạt điều, hạt tiêu đen, cao su và sắn.
Nhưng chất lượng tăng trưởng nông nghiệp còn thấp, thể hiện qua một số hiện tượng như tỷ suất lợi nhuận của nông dân sản xuất nhỏ còn thấp, tỷ lệ thiếu việc làm còn cao trong nông nghiệp, chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm còn thấp, trình độ sáng tạo công nghệ còn non yếu. Tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu dựa trên tăng vụ và tăng sử dụng vật tư đầu vào (như phân bón) và tài nguyên thiên nhiên (nước).
Xu hướng chung gần đây cũng cho thấy GDP nông nghiệp đang giảm, tốc độ tăng năng suất đang chậm lại, trong khi khoảng cách về thu nhập giữa lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp đang nới rộng.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, ngành nông nghiệp mặc dù đã có dấu hiệu tăng trở lại so với mức giảm 0,78% của 6 tháng đầu năm nhưng tốc độ tăng chỉ ở mức 0,05%, đóng góp 0,01 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung...
Viễn cảnh 2035
Báo cáo của WB nhận định, nông nghiệp Việt Nam đang đứng ở ngã ba đường, không chuyển đổi sẽ không còn kịp nữa. Một kịch bản nông nghiệp Việt Nam năm 2035 được các chuyên gia WB phác ra mà nếu đi đúng hướng, nông nghiệp Việt Nam sẽ có một vị thế xứng đáng với kỳ vọng của Chính phủ và người dân.
Theo đó, nông nghiệp sẽ đóng góp khoảng 1/5 GDP, trong đó sản xuất sơ cấp chiếm 6 – 8%, tổ hợp công – nông, dịch vụ phân phối và kho vận lương thực và các dịch vụ khác liên quan mật thiết với nông nghiệp chiếm 12 – 14%. Vai trò của nông nghiệp tại một số địa bàn như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, sẽ quan trọng hơn so với một số khu vực khác.
Nông nghiệp cũng sẽ là nguồn sinh kế chính và trực tiếp, mang lại 25 – 30% tổng việc làm cho toàn bộ lực lượng lao động, đảm bảo một mức sống của tầng lớp trung lưu cho những hộ thuần nông và một mức sống cao hơn cho những người kết hợp lao động nông nghiệp với các nguồn thu nhập cao hơn từ các ngành công nghiệp, lao động chuyên môn khác.
Nông nghiệp cũng sẽ giữ vai trò chính đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng cho cả nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng về thực phẩm và đòi hỏi của người tiêu dùng trong nước về an toàn, chất lượng, giá cả nhờ vào chuỗi giá trị được vận hành tốt, và các hình thức đa dạng về bán lẻ và thói quen ăn uống bên ngoài gia đình.
Cùng với việc thực hành quản lý nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên, quản lý chất thải, năng lượng và các phương pháp khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng đồng thời ngăn ngừa thoái hóa môi trường, qua đó ngành nông nghiệp được kỳ vọng đóng góp một cách tích cực vào dịch vụ sinh thái. Nền nông nghiệp Việt Nam sẽ thực hiện nhiều chức năng, trong đó có cả bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, hỗ trợ du lịch sinh thái…
Về năng lực cạnh tranh, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 20 nước xuất khẩu hàng đầu nông sản dùng làm nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, các mặt hàng tiêu dùng có giá trị trung bình và cao, tận dụng được lợi thế về vị trí, điều kiện sinh thái đa dạng, năng suất cao và các khoản đầu tư giúp Việt Nam chiếm được vị thế cạnh tranh tốt trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.
Cải cách mạnh mẽ
Theo Giám đốc Ousmane Dione, đã đến lúc Việt Nam không thể “làm theo cách cũ” được nữa. “Cần thay đổi để vượt qua những thách thức này, để đảm bảo tăng trưởng nông nghiệp trong tương lai và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân Việt Nam được tốt hơn”, ông Ousmane Dione nhấn mạnh.
Báo cáo của WB đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm giải quyết các thách thức của ngành nông nghiệp hiện nay. Theo đó, Chính phủ có thể kết hợp một số biện pháp như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường các biện pháp ưu đãi, hợp lý hóa cung cấp dịch vụ để qua đó khuyến khích và theo dõi phát triển nông nghiệp xanh, nâng cao hiệu quả hệ thống an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia WB, để chuyển đổi sang một nền nông nghiệp dựa trên hiệu quả và nâng cao giá trị gia tăng thì Nhà nước phải tăng cường đầu tư có chọn lọc, tập trung vào những loại hàng hoá, dịch vụ công trọng điểm.
Để thay đổi vai trò của Nhà nước trong nền nông nghiệp định hướng thị trường của Việt Nam, WB khuyến nghị nhà nước cần giảm quy hoạch sử dụng đất dài hạn, quản lý nông lâm trường quốc doanh, trực tiếp tham gia buôn bán sản phẩm nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân... Đồng thời, Nhà nước nên tăng xây dựng quy định, hỗ trợ phát triển thị trường đất đai, hỗ trợ kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp, hỗ trợ rủi ro trong sản xuất kinh doanh...
Nhà nước cũng nên xem xét áp dụng các công cụ chính sách nhằm quản lý rủi ro trong nông nghiệp tốt hơn và kiến tạo môi trường phát triển doanh nghiệp nông nghiệp.