"Làn sóng đầu tư mới"
TP HCM đã và đang là điểm đến quan trọng, lâu dài của các nhà đầu tư Nhật Bản. Tính đến ngày 15/3/2016, có 865 dự án của các doanh nghiệp Nhật Bản còn hiệu lực trên địa bàn TP HCM đã được cấp giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 2,87 tỷ USD, đứng vị trí thứ 6 về tổng số đầu tư trên địa bàn thành phố.
Bốn ngành nghề và lĩnh vực thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản lớn nhất tại TP HCM gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; kinh doanh bất động sản.
Đặc biệt, những năm gần đây, du khách Nhật Bản luôn đứng ở vị trí thứ nhất hoặc nhì trong top 10 thị trường khách quốc tế đến thành phố và lượng khách du lịch từ TP HCM đến Nhật Bản cũng liên tục tăng qua các năm.
|
Hội nghị xúc tiến đầu tư & du lịch Việt Nam - Nhật Bản tại TP HCM do UBND TP, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Công ty AIC phối hợp tổ chức. |
Chia sẻ tại hội thảo “Xúc tiến đầu tư & du lịch Việt Nam- Nhật Bản” tại TP HCM ngày 23/4 vừa qua, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định sẽ có làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam và TP HCM là điểm sáng, được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
“Chúng tôi đang chứng kiến các nhà đầu tư dồn dập đến Việt Nam. 70% DN Nhật Bản có kế hoạch mở rộng kinh doanh ở Việt Nam và đây là tỷ lệ cao nhất thế giới”, ông Lộc nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, TGĐ Công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC- đơn vị kết nối sự kiện xúc tiến đầu tư và du lịch tại nhiều tỉnh thành trong đó có TP HCM cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn nắm bắt thông tin về tình hình kinh tế xã hội du lịch, cũng như các chính sách ưu đãi đầu tư, các dự án thu hút đầu tư vào TP Hồ Chí Minh dành cho doanh nghiệp Nhật Bản để triển khai ngay việc hợp tác đầu tư.
Cụ thể, các doanh nghiệp y tế đề xuất hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất thuốc, dược phẩm và vắc xin. “Thuốc của Nhật Bản rất tốt và tôi hy vọng người dân Việt Nam sớm được sử dụng những loại thuốc, vắc xin tốt và an toàn sản xuất từ các nhà máy của Nhật Bản tại TP HCM”, bà Nhàn nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp môi trường mong muốn hợp tác đầu tư giải bài toán xử lý nước thải cho thành phố, hỗ trợ các công nghệ trồng rừng ngập mặn; hỗ trợ các công nghệ xử lý xâm ngập mặn; Đầu tư xã hội hoá vào chương trình Phòng chống ngập lụt của Thành phố…
Đặc biệt, các doanh nghiệp nổi tiếng về thiết kế cảnh quan đề nghị hỗ trợ Thành phố thiết kế cảnh quan cho một số đường phố chính và Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã “đặt hàng” nhóm DN này thông qua ông Iijima Isao, trợ lý của Thủ tướng Abe: tìm công nghệ phù hợp để có thể trồng hoa anh đào ở ven các con kênh đã được cải tạo ở TP. Bí thư Thăng cũng kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn nữa vào TP HCM; chú trọng vào những dự án giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chống ngập nước và kẹt xe.
Theo bà Nhàn, các doanh nghiệp Nhật Bản tỏ ra rất hào hứng trước sự đổi mới của TP HCM và đã có các chương trình làm việc riêng với các đầu mối của Thành phố để có thể triển khai được công việc tiếp theo.
Tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào TP HCM
Bí thư Đinh La Thăng cam kết: chính quyền TP sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào TP HCM.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định: Thành phố luôn chào đón, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản, đến tìm hiểu cơ hội và đầu tư, kinh doanh lâu dài và có hiệu quả.
Cũng theo chủ tịch TP HCM, định hướng đầu tư phát triển của thành phố sẽ có những chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp thuộc 9 nhóm ngành dịch vụ gồm tài chính-tín dụng-ngân hàng-bảo hiểm; thương mại; vận tải-kho bãi, dịch vụ cảng-hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu; bưu chính-viễn thông và công nghệ thông tin-truyền thông; kinh doanh tài sản-bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học-công nghệ; du lịch; y tế; giáo dục-đào tạo; và 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố: cơ khí; điện tử-công nghệ thông tin; hóa chất-cao su; chế biến tinh lương thực thực phẩm.
Riêng với các DN Nhật Bản tham dự hội nghị xúc tiến do công ty AIC kết nối, TP HCM mong muốn giới thiệu các chính sách mời gọi đầu tư nước ngoài vào thành phố, với các dự án về đường sắt đô thị, xử lý nước thải, thương mại, du lịch, cơ sở hạ tầng, môi trường, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, thực phẩm...
“Tôi thực sự mong muốn hội thảo này của chúng ta sẽ có được thành công tốt đẹp, thể hiện bằng kết quả sẽ có nhiều nhà đầu tư sẽ đầu tư vào TP HCM trong tương lai gần và đến năm 2017, khi Hoa Anh đào nở cũng sẽ là lúc chúng ta nhìn lại những kết quả mà chúng ta đã làm được”, bà Nhàn chia sẻ.
Cũng theo bà Nhàn, các đối tác Nhật Bản đã quyết định tặng các sản phẩm về xe PCCC, tặng thiết kế cảnh quan và chuyển giao các công nghệ chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong tương lai dài hạn sẽ có những đầu tư lớn vào Thành phố.
“Nếu cá nhân tôi và công ty AIC có thể làm gì liên quan đến hỗ trợ các quý vị các công việc tại Việt Nam, kể cả các công việc không liên quan đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi thì chúng tôi cũng rất sẵn sàng|”, bà Nhàn cam kết.
Được biết, AIC đã tổ chức thành công Lễ hội hoa anh đào và hội nghị “Xúc tiến đầu tư và du lịch Việt Nam - Nhật Bản tại 5 tỉnh, thành: Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, TP HCM và Đồng Nai. Thông qua lễ hội và các hoạt động xúc tiến, hàng trăm dự án mới sẽ sớm được các nhà đầu tư Nhật Bản triển khai ở Việt Nam trong thời gian sắp tới.