25 năm tái lập, Bắc Ninh phấn đấu trở thành trụ cột vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

(PLVN) - Với bề dày lịch sử 190 năm thành lập và 25 năm tái lập tỉnh (1997-2021), xuất phát từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, Bắc Ninh đã trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Đến nay, Bắc Ninh là một trong 16 tỉnh, thành phố của cả nước tự cân đối được thu - chi và có nh ững chỉ tiêu kinh tế , xã hội vượt trội.
Bắc Ninh có những tiềm năng, lợi thế để phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Ngày 01/01/1997, tỉnh Bắc Ninh chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới theo Quyết định của Quốc hội khóa IX. Tỉnh có diện tích là 822,7km2 gồm 5 huyện và 1 thị xã, với 123 xã, phường, thị trấn. Đến nay, Bắc Ninh có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 thành phố: Bắc Ninh, Từ Sơn và 6 huyện: Tiên Du, Yên Phong, Quế Võ, Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài; với 126 xã, phường, thị trấn.

Tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội nằm trong tp đầu của cả nước

Theo định hướng đến năm 2030, Bắc Ninh phấn đấu xây dựng thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm thương mại-dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước. Tầm nhìn đến năm 2045, Bắc Ninh là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh.

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 16 khu công nghiệp tập trung, với diện tích 6.398 ha. Các khu, cụm công nghiệp đã thu hút được các nhà đầu tư từ các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đóng góp lớn cho sự phát triển chung của tỉnh.

Riêng trong năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, gấp hơn 1000 lần năm 1997, đứng thứ nhất cả nước. Kinh tế đối ngoại phát triển, với 1.717 dự án, tổng số vốn đăng ký sau điều chỉnh 21,2 tỷ USD, gấp 151 lần năm 1997, đứng thứ 7 cả nước… với nhiều tập đoàn kinh tế lớn, như: Samsung, Canon, Pepsico, Amkor, ABB…

Hoạt động thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển. Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng lớn do dịch, song tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 61,9 nghìn tỷ đồng, gấp 65 lần năm 1997; xuất khẩu có bước đột phá, năm 2021 đạt 45,2 tỷ USD, chiếm 13,5% cả nước, đứng thứ nhất cả nước.

Cũng trong năm 2021, quy mô GRDP đạt 133,6 nghìn tỷ đồng, gấp 23,8 lần năm 1997. GRDP bình quân đầu người đạt 155,6 triệu đồng, đứng thứ 4 cả nước.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo đó, tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 77,3%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,7%, khu vực dịch vụ 16,1%, thuế sản phẩm 3,9%. Hiện quy mô nền kinh tế của tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 8 toàn quốc.

Năm 2021, thu ngân sách Nhà đạt nước đạt 33.260 tỷ đồng, tăng gấp 168 lần năm 1997, vượt 19,5% dự toán. An ninh xã hội được quan tâm, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,15%.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh

Trong chuyến thăm và làm việc mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu, những kết quả to lớn của tỉnh Bắc Ninh đạt được sau 25 năm tái lập tỉnh, nhất là trong năm 2021 gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh. Đồng thời yêu cầu, tỉnh Bắc Ninh cần tập trung làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ các cấp. Tuyệt đối không chủ quan, thoả mãn với những thành tựu đã đạt được.

Lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế được chăm lo, phát triển

Trong những năm qua, các lĩnh vực xã hội như văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng luôn được tỉnh Bắc Ninh chú trọng và ưu tiên, từ đó có nhiều chuyển biến tích cực.

Đối với sự nghiệp giáo dục, luôn đẩy mạnh nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đảm bảo cân đối, phù hợp, đúng vị trí việc làm. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc và hiệu quả các chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên. Tỉnh cũng luôn đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục, định hướng nghề nghiệp.

Trong lĩnh vực y tế, tỉnh Bắc Ninh đã chủ động, duy trì triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái “bình thường mới”. Đặc biệt, Bắc Ninh còn là một điểm sáng trong công tác phòng chống dịch khi thực hiện quyết liệt, đồng bộ công tác phòng, chống dịch, với nhiều giải pháp chưa có tiền lệ nhằm thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”. Từ đó, đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân và duy trì, phục hồi phát triển kinh tế, không để đứt gãy chuỗi sản xuất trong các khu công nghiệp.

Trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, an sinh xã hội, tỉnh Bắc Ninh cũng luôn duy trì tốt công tác thực hiện, tổ chức thành công các chương trình, lễ hội, cuộc thi...trên phạm vi của tỉnh và toàn quốc.

Đánh giá sau 25 năm tái lập, ông Ngô Văn Liên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Ninh cho biết: “Bắc Ninh đã bứt phá mạnh mẽ, trở thành cực tăng trưởng vùng thủ đô và các tỉnh phía Bắc, ngày nay, Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội nằm trong tốp đầu của cả nước. Thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh hiện đại, là động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước; phấn đấu đến năm 2045 là thành phố công nghiệp công nghệ cao thông minh”.

Với những kết quả mà tỉnh Bắc Ninh đã đạt được trên mọi lĩnh vực, đánh dấu quá trình phát triển, những tiềm năng, lợi thế của địa phương. Từ đó, nâng cao vị thế của tỉnh Bắc Ninh trong chiến lược phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô cũng như cả nước.

Đọc thêm