Để giải đáp những vướng mắc khi thực hiện gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng, Bộ LĐ-TB&XH đã chính thức công bố đường dây nóng qua Tổng đài 111 từ 1h sáng ngày 01/5/2020.
Tính đến 24h ngày 03/5/2020 cuộc gọi đến Tổng đài: 35.415 cuộc. Số cuộc gọi được nhân viên tư vấn Tổng đài tiếp nhận: 9.238 cuộc. Số cuộc gọi được nhân viên tư vấn chuyển đến các bộ phận chức năng: 4.520 cuộc; Số cuộc gọi được các bộ phận chức năng tiếp nhận là 3.098 cuộc.
Tổng hợp nhanh từ các ca trực của Tổng đài, đối tượng gọi đến Tổng đài trong độ tuổi lao động là chủ yếu, hầu hết độ tuổi từ 25 đến dưới 60 tuổi. Nam giới gọi đến Tổng đài nhiều hơn nữ giới. Qua giọng nói của người gọi thì cả Bắc-Trung-Nam đều có cuộc gọi đến Tổng đài. Người gọi không chỉ gọi để hỏi vấn đề của bản thân mà nhiều người còn gọi hỏi cho người khác hoặc nhiều người khác; có cả các cuộc gọi của cán bộ cấp xã/phường hỏi về kinh phí hay đề nghị hướng dẫn một số nội dung.
Làm thủ tục cho các đối tượng nhận hỗ trợ |
Nhóm có số cuộc gọi cao nhất là nhóm người lao động tự do, không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm. Nhóm này khá đa dạng, từ làm xe ôm, bán vé số, bán hàngrong, lái xe, bán hàng tạp hóa, bốc vác, phụ hồ, giúp việc, trông trẻ, gội đầu cắt tóc… Tiếp đến là cuộc gọi của người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không lương. Nhóm này bao gồm nhiều ngành nghề tuy nhiên chủ yếu là công nhân, giáo viên, người làm việc ở các công ty du lịch, trung tâm dạy tiếng Anh… .
Nhóm hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công có số cuộc gọi thấp hơn 2 nhóm trên. Người dân chủ yếu hỏi lúc nào được nhận tiền, thuộc hai ba nhóm đối tượng được hưởng thì ra sao.
Được biết, để đêm ngày lắng nghe, kịp thời giải đáp vướng mắc của người dân về gói hỗ trợ, Tổng đài đã bố trí 3 ca trực đảm bảo 24/24h với 21 nhân viên tư vấn trực/ngày. Tổng đài đã gửi các tài liệu cần thiết và hướng dẫn nhân viên tư vấn tiếp nhận thông tin, phân loại và chuyển tuyến tới các bộ phận chức năng.