30 năm kết hợp quân dân y: Giải pháp hiệu quả chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Qua 30 năm triển khai thực hiện, Chương trình kết hợp quân dân y đã đạt được triển khai sâu rộng ở vùng cao, vùng xa, biên giới, hải đảo, các khu vực trọng điểm quốc phòng - an ninh, nơi điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, góp phần bảo đảm y tế cho sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân và phục vụ sức khỏe nhân dân.
Thiếu tướng PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (người mặc áo trắng) trực tiếp chỉ đạo ca mổ sinh tại Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn qua hệ thống truyền trực tiếp về đất liền (hệ thống Telemedicine).
Thiếu tướng PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (người mặc áo trắng) trực tiếp chỉ đạo ca mổ sinh tại Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn qua hệ thống truyền trực tiếp về đất liền (hệ thống Telemedicine).

Góp phần tăng cường tình đoàn kết quân dân

Sáng qua (10/12), dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc Bộ Y tế, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) và Bệnh viện Quân y 175 đã tổ chức Hội thảo khoa học “30 năm kết hợp quân dân y trên biển, đảo”. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo Hội thảo.

Được hình thành ngay từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và phát triển qua các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, hiện nay, hoạt động kết hợp quân dân y được triển khai ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, hải đảo, các khu vực trọng điểm quốc phòng - an ninh (QPAN), nơi điều kiện kinh tế - xã hội (KTXH), đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Chương trình kết hợp quân dân y trên biển, đảo do Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng triển khai hình thành từ năm 1990 và ngày càng phát triển sâu rộng. Hai Bộ đã phối hợp chặt chẽ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và bộ đội trên tuyến biển, đảo thông qua các hoạt động của chương trình kết hợp quân dân y theo những chủ trương, định hướng chiến lược phát triển sự nghiệp y tế của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới.

Kết hợp quân dân y tạo ra sức mạnh tổng hợp trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân và bộ đội; xây dựng thế trận y tế quân sự địa phương sẵn sàng phục vụ chiến đấu cũng như phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển, với 125 huyện ven biển và 12 huyện đảo. Đây là những đơn vị hành chính đóng vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển KTXH và bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo của đất nước.

Trong khi nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho bảo đảm y tế vùng biển, đảo còn hạn hẹp thì mô hình y tế kết hợp quân dân y là giải pháp hiệu quả để chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Do vậy, phát triển mạng lưới y tế, thực hiện kết hợp quân dân y bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng biển, đảo là nhiệm vụ rất quan trọng, phục vụ trực tiếp cho chiến lược vươn ra biển, làm giàu từ biển, mạnh từ biển của nước ta.

“Thời gian qua, Chương trình kết hợp quân dân y vừa phát huy được tay nghề của đội ngũ y, bác sĩ quân đội, vừa tạo điều kiện về cơ sở vật chất để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế tại chỗ và tận dụng tối đa nguồn vật tư y tế của cả quân đội và nhân dân, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Hoạt động hiệu quả của các trung tâm quân - dân y góp phần tăng cường tình đoàn kết quân dân, tạo niềm tin về sự ưu việt của chế độ cho người dân, đồng thời góp phần giữ vững và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân tại những địa bàn chiến lược…”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Trao đổi, đánh giá, khẳng định tính tất yếu khách quan và tầm quan trọng, cùng những thành tựu, bài học kinh nghiệm trong công tác bảo đảm y tế, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trên các vùng biển, đảo, những tham luận tại Hội thảo đóng góp những ý kiến, góp phần tham mưu, kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách về kết hợp quân dân y trên biển, đảo; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và kiện toàn ban quân - dân y các cấp; đồng thời đẩy mạnh nhiệm vụ tuyên truyền, góp phần củng cố niềm tin, tạo điểm tựa vững chắc để cán bộ, chiến sĩ và ngư dân yên tâm bám đảo, bám biển, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Bệnh viện đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quân y ở Trường Sa

Bệnh viện Quân y 175 là bệnh viện đa khoa chiến lược tuyến cuối phía Nam của Quân đội. Để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, công tác bảo đảm quân y là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Từ nhận thức đó, lãnh đạo, chỉ huy Bệnh viện đã chú trọng phối hợp với Quân chủng Hải quân, Vùng 4 Hải quân đảm bảo y tế cho quần đảo Trường Sa.

Cấp cứu ngư dân ở Trường Sa.

Cấp cứu ngư dân ở Trường Sa.

Bệnh viện Quân y 175 hiện là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quân y cho huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 và các vùng biển, đảo phía Nam. Bệnh viện thường xuyên duy trì tổ cấp cứu đường không, sẵn sàng cơ động và triển khai vận chuyển thành công nhiều bệnh nhân nặng từ vùng biển đảo về đất liền điều trị. Hằng năm, Bệnh viện cử 10 đến 12 đồng chí cán bộ quân y ra công tác tại đảo Trường Sa Lớn.

Trước những khó khăn, nhất là cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, Bệnh viện chủ động phối hợp và vận động nhiều nguồn lực xã hội, chung tay đóng góp xây dựng Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn. Tháng 5/2017, Bệnh xá đã đi vào hoạt động với cơ sở hạ tầng khang trang, nhiều trang thiết bị y tế hiện đại. Đặc biệt, qua hệ thống Telemecine, Bệnh viện đã chỉ đạo Bệnh xá thực hiện nhiều ca phẫu thuật phức tạp thành công, như: đột quỵ não, đa chấn thương nặng, “mổ bắt con” …

Đến nay, Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn đã khám và điều trị cho hơn 30.000 lượt bộ đội và ngư dân đang công tác, lao động sản xuất trên vùng biển, đảo phía Nam của Tổ quốc, trong đó phẫu thuật hơn 1.000 ca, cấp cứu kịp thời 160 ca bệnh nặng. Từ một tổ quân y 3 người với trang thiết bị khiêm tốn, đã trở thành Trung tâm y tế “hiện đại, sừng sững” giữa đại dương muôn trùng sóng gió, nơi phên dậu của Tổ quốc. Đó là điểm tựa vững chắc để cán bộ, chiến sĩ và ngư dân yên tâm bám đảo, bám biển, góp phần thiết thực giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Đọc thêm