Khiếu nại được giải quyết từ năm 1992
Theo đơn gửi đến PLVN, nguyên 7,2 sào đất tại khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành là của gia đình ông Võ Văn Truyện mua lại từ gia đình ông Nguyễn Văn Kỹ vào năm 1957, việc mua bán được chính quyền chế độ cũ xác nhận. Sau khi mua đất, ông Truyện cho một số hộ dân đến làm nhà ở tạm trong lúc chiến tranh, không cho thuê mướn và phát canh thu tô.
Tháng 11/1975, UBND Cách mạng huyện Long Thành ban hành Quyết định số 03/QĐ-UBH tịch thu toàn bộ tài sản của ông Truyện, gồm: 01 nhà bằng cây lợp ngói và một số tài sản, vật dụng có trong nhà; 7,5 sào đất tại ngã ba Cầu Xéo, 5,2 sào đất tại xã An Lợi (nay là xã An Phước), 13ha80 tại xã Lộc An và 01 chiếc xe bốn bánh. Nhưng một tháng sau, UBND Cách mạng tỉnh Biên Hòa lại có Văn bản số 110/VP-UBT gửi UBND Cách mạng huyện Long Thành, nội dung: “Cho giải tỏa quyết định tịch thu đất và tài sản của ông Truyện”.
Tiếp đến năm 1977, thi hành chính sách ruộng đất theo Quyết định số 188/CP của Hội đồng Chính phủ, UBND huyện Long Thành ban hành Quyết định số 07/QĐ-UBND ngày 27/7/1977 thu hồi tất cả ruộng đất của ông Truyện. Gia đình ông Truyện có đơn khiếu nại.
Xét thấy gia đình ông Truyện là gia đình có công với cách mạng, có hai con là liệt sĩ nên UBND huyện Long Thành có Quyết định số 128/QĐ.UBH ngày 28/5/1992 giải tỏa tịch thu, trao trả quyền sử dụng đất cho gia đình ông, đồng thời giao Chủ tịch UBND thị trấn Long Thành, các ngành chuyên môn của huyện tổ chức thực hiện theo hướng: “…Về đất sản xuất: Căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của tỉnh và huyện như Chỉ thị số 17 ngày 22/4/1989, Chỉ thị số 24 ngày 27/4/1990, Nghị quyết số 21/BCH.HU ngày 1/12/1989 và Thông báo số 122/TBHU ngày 02/10/1990 của Huyện ủy để giải quyết. Về đất thổ cư: Phải điều tra cụ thể số hộ cho ở tạm, tự chiếm, sang bán trước và sau giải phóng để giải quyết theo hướng dẫn việc giải quyết tranh chấp đất đai tháng 11/1990…”.
Như vậy, việc khiếu nại của gia đình ông Truyện đã được UBND huyện Long Thành giải quyết xong từ năm 1992, nội dung và trình tự thủ tục giải quyết phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 1988 và Pháp lệnh Khiếu nại – Tố cáo năm 1991.
Đến ngày 29/8/1994, UBND huyện Long Thành tiếp tục có thông báo chỉ đạo thực hiện quyết định giải quyết đơn của gia đình ông Truyện, tuy nhiên Quyết định số 128/QĐ.UBH nói trên vẫn chưa được thi hành dứt điểm, trách nhiệm này thuộc về UBND thị trấn Long Thành và phòng, ban chuyên môn của huyện.
Đến nay vẫn chưa được nhận lại đất
Chờ mãi không thấy được trả đất, ông Võ Ngọc Diệp (con trai ông Truyện) đã có nhiều đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị được nhận lại phần tài sản của gia đình theo nội dung Quyết định số 128/QĐ.UBH.
Theo trình bày của ông Diệp, sau khi nhận được Văn bản số 110/VP.UBT của UBND Cách mạng tỉnh Biên Hòa không thu hồi tài sản, đất đai của ông Truyện, gia đình ông có liên hệ với UBND thị trấn Long Thành và được nhận lại 05 loại tài sản theo bảng liệt kê ngày 04/11/1975. Số tài sản còn lại gồm 13,8ha đất tại xã Lộc An và 7.200m2 tại thị trấn Long Thành thì không được chính quyền xem xét trả lại.
Trong việc này, Thanh tra Nhà nước có Văn bản số 31/TTNN- V4 ngày 07/1/2004 đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai xem xét lại vụ việc của ông Diệp và giải quyết theo hướng: “Triển khai thực hiện Quyết định 128/QĐ.UBH ngày 28/5/1992 của UBND huyện Long Thành vì quyết định này đã có hiệu lực pháp luật nhưng cho đến nay vẫn chưa được thực hiện… Đối với diện tích 13,8ha đất nông nghiệp tại ấp Bình Lâm, xã Lộc An nguyên là của gia đình ông Truyện, hiện UBND xã đang cho các cá nhân thuê, vậy UBND tỉnh căn cứ theo mức hạn điền của địa phương giao lại một phần diện tích đất trên cho gia đình ông Diệp để gia đình ông sản xuất, ổn định đời sống”.
Ý kiến chỉ đạo của Thanh tra Nhà nước là vậy, nhưng tại Văn bản số 4351/UBND–NC ngày 28/9/2012 của UBND huyện Long Thành về việc xử lý đơn yêu cầu trả lại đất của ông Diệp lại cho rằng diện tích 7.230m2 tại thị trấn Long Thành hiện tại còn lại 22 thửa đất do các hộ dân sử dụng làm nhà ở trước khi Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực. Thực tế, Nhà nước không thu hồi và giao đất cho các hộ dân này. Do đó, việc ông Diệp yêu cầu Nhà nước can thiệp để đòi lại diện tích đất các hộ đang sử dụng là không có cơ sở. Đối với diện tích 13,8ha đất tại xã Lộc An… không đủ cơ sở pháp lý để xác định gia đình ông Truyện có diện tích đất này. Do đó, việc ông Diệp yêu cầu Nhà nước xem xét trả lại đất là không có cơ sở để giải quyết.
Đáng nói là Thanh tra Nhà nước đã thẩm tra xác minh hai phần đất nêu trên có nguồn gốc của gia đình ông Diệp, có thời điểm bị tịch thu. Mặt khác, cho đến nay chưa có một quyết định hay văn bản nào để khẳng định gia đình ông Diệp không còn chủ quyền đối với những phần đất này.
Vụ việc kéo dài đã lâu, thiết nghĩ UBND tỉnh Đồng Nai cần có hướng giải quyết hợp tình, hợp lý nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của một gia đình cách mạng.