932 hộ gia đình, tương đương với hơn 4000 người cùng phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường. |
Đó là thông tin được cung cấp trong báo cáo tổng kết dự án sau một năm thực hiện từ 9/2019 - 9/2020, tại buổi lễ tổng kết tiểu dự án diễn ra trực tuyến, sáng 25/9/2020. Tiểu dự án do dự án Trường Sơn Xanh của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ; đơn vị thực hiện là Viện Nghiên cứu và Phát triển Ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Liên Minh Xanh phối hợp.
Theo đó, tiểu dự án nhằm phát triển sinh kế cho người dân địa phương sống phụ thuộc vào rừng, qua đó giúp giảm dần áp lực của con người lên rừng và tài nguyên rừng như nạn săn bắt động vật hoang dã và khai thác lâm sản ngoài gỗ, đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đánh giá về hiệu quả của tiểu dự án, Phó Giám Đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn nhận định, qua một năm thực hiện tiểu dự án cho thấy những kết quả đáng khích lệ. Hai mục tiêu qua chỉ số báo cáo đều đạt. Các hoạt động được triển khai đa dạng. Các sản phẩm từ các hợp tác xã đều được liên kết, đưa vào trong mạng lưới thương mại. Cách quảng bá sản phẩm, tham gia bán hàng trực tuyến, các cổng kết nối giao thương… đều được triển khai một cách hiệu quả.
Theo ông Đỗ Đăng Tèo, Phó Giám Đốc dự án Trường Sơn Xanh, hơn 50 nhóm hoạt động với 15 mốc công việc phải đạt được, trong bối cảnh dịch Covid-19, thì đây là một khối lượng công việc đồ sộ và rất áp lực về tiến độ và thời gian. Tuy nhiên, dự án đã thực hiện được và đi đến tổng kết. Ông Đỗ Đăng Tèo cũng nhấn mạnh, vai trò của dự án Trường Sơn Xanh chỉ là chất xúc tác cho các dự án xảy ra. Còn tất cả các tác nhân khác, các đối tác chính tham gia vào dự án mới là yếu tố chính đưa lại kết quả này.
Các nhóm sản xuất, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm dần những hoạt động khai thác kém bền vững. |
Với sự hỗ trợ của dự án, từng bước đã góp phần khôi phục được nghề truyền thống dệt Dèng riêng có của người dân tộc Tà Ôi. Bên cạnh đó cũng tạo thu nhập cho người dân, giúp người dân ổn định cuộc sống. Có gần 300 người hưởng lợi, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, dự án góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về tiêu thụ có trách nhiệm sản phẩm từ cây dược liệu và thủ công mỹ nghệ, nhằm về bảo tồn đa dạng sinh học, giảm áp lực vào rừng. Người dân hiểu biết thêm về các hoạt động hỗ trợ của Dự án Trường Sơn Xanh.
Tiểu dự án đã tạo ra những tác động về mặt xã hội, kinh tế và môi trường với các cộng đồng tham gia thực hiện tiểu dự án. Tiểu dự án đã góp phần tạo việc làm ổn định cho thành viên các HTX, các nhóm sản xuất, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm dần những hoạt động khai thác kém bền vững.
Để đảm bảo hiệu quả và tính bền vững của chuỗi giá trị thì không thể thiếu được các hỗ trợ ổn định đầu ra cho sản phẩm. Dự án đã hỗ trợ tăng cường liên kết kinh doanh giữa người dân, HTX với các doanh nghiệp. Ngoài ra, tiểu dự án hỗ trợ xây dựng 08 Điểm kết nối tinh hoa Huế tại Huế, Hà Nội để trưng bày và giới thiệu sản phẩm, cùng với kênh truyền thông qua mạng xã hội Facebook, đồng hành cùng các HTX và doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động kết nối giao thương online nhằm đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị và quảng bá sản phẩm.