Thực hiện Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg, ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, theo đó hàng năm Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam đã bổ sung nguồn vốn kịp thời về các ngân hàng địa phương để triển khai cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn rất bức thiết của các hộ mới thoát nghèo.
Kể từ khi có chính sách này, các đối tượng là hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo của 3 năm gần nhất có điều kiện tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống và góp phần thoát nghèo bền vững.
Với thủ tục hồ sơ, quy trình cho vay tinh gọn, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh viết đơn tự nguyện gia nhập vào ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn (Tổ TK&VV) của NHCSXH ở thôn, bản, trình bày phương án sử dụng vốn vay gửi Tổ TK&VV. Tổ tiến hành họp bình xét cho vay, lập danh sách gửi UBND cấp xã xác nhận và chuyển NHCSXH huyện để phê duyệt cho vay. Hộ mới thoát nghèo được vay mức tối đa 100 triệu đồng/hộ, lãi suất vay ưu đãi 0,69%/tháng, không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tài sản.
Năm 2015 - thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện chương trình tín dụng này, nguồn vốn cho vay chỉ có 3,8 tỷ đồng, giải ngân cho vay đến 81 hộ vay vốn. Đến nay, qua 5 năm thực hiện chương trình, tổng dư nợ cho vay của chương trình tăng lên 128,3 tỷ đồng với 2,3 ngàn hộ vay vốn, tăng 124,5 tỷ đồng (gấp 32,7 lần so với năm đầu tiên thực hiện). Bình quân dư nợ 55,8 triệu đồng/hộ, không có phát sinh dư nợ quá hạn.
Đến nay, nguồn vốn đã được đầu tư trên địa bàn 19 xã, thị trấn, phủ kín đến 100% thôn, bản trên địa bàn huyện, được các hộ mới thoát nghèo đầu tư chủ yếu vào chăn nuôi đại gia súc sinh sản, trồng rừng nguyên liệu, dịch vụ tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh. Đa số các hộ mới thoát nghèo đã đầu tư sử dụng vốn vay đúng mục đích, chấp hành trả lãi đầy đủ cho NHCSXH, đồng vốn đang ngày càng phát huy tốt hiệu quả.
Hộ gia đình anh Trần Tiến Dũng (ở thôn Sơn Thủy, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa) trước đây là hộ cận nghèo của xã mấy năm liền. Được NHCSXH huyện cho vay số tiền 50 triệu đồng, đó anh đã đầu tư chăn nuôi lợn sinh sản và thoát được cận nghèo, nhưng với ý chí quyết tâm làm giàu nên anh đã trả hết nợ vay cũ và mạnh dạn vay vốn sang chương trình hộ mới thoát nghèo. Với số tiền vốn vay 100 triệu đồng, anh đã đầu tư mở rộng chăn nuôi lợn sinh sản và lợn thịt, trồng rau sạch thủy canh. Đến nay, trong chuồng trại chăn nuôi của anh thường xuyên có 50 con lợn nái và lợn thịt, nguồn rau sạch sản xuất ra bao nhiêu là tiêu thụ hết bấy nhiêu, giải quyết được việc làm cho 2 lao động trong gia đình. Thu nhập bình quân của gia đình hàng năm, sau khi trừ chi phí, đạt gần 100 triệu đồng.
Hay như gia đình anh Trương Văn Thành (thôn 1 Thiết Sơn, xã Thạch Hóa) vay vốn 80 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ thoát nghèo đầu tư mua 2 xe tải kinh doanh dịch vụ vận tải, kinh doanh hàng tạp hóa, thu nhập đem lại bình quân hàng năm của gia đình đạt từ 250-300 triệu đồng/năm.
Hiệu quả sau 5 năm thực hiện tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo ở Tuyên Hóa cho đến nay là rất thiết thực, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và nhà nước ta đến các đối tượng chính sách. Kể từ khi chương trình triển khai cho vay đến nay đã nhận được sự quan tâm phối hợp nhịp nhàng, hiệu của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là cấp xã. Các xã và người dân Tuyên Hóa mong muốn tiếp tục kéo dài giai đoạn thực hiện chương trình thêm và nên mở rộng đối tượng cho vay là những hộ mới thoát nghèo của 5 năm gần nhất thay cho 3 năm như hiện nay, góp phần hỗ trợ nguồn vốn cho các đối tượng thoát nghèo có nhu cầu tiếp cận thụ hưởng.