Chúng ta đều có thể là F
Hơn 1 năm qua, toàn thể nhân dân đã chung sức, đồng lòng cùng hệ thống chính trị chống dịch COVID-19. Nhờ vậy, Việt Nam đã ngăn chặn được dịch bệnh trong 3 đợt dịch trước. Nhưng với sự lây lan nhanh của chủng virus Delta, đợt dịch thứ phát ở nhiều tỉnh, thành. Bắc Ninh, Bắc Giang đã kiểm soát được dịch bệnh nhưng TP HCM và các tỉnh phía Nam dịch đang diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh mỗi ngày.
Giữa những ngày dịch bệnh quá tải này, các chuyên gia, bác sĩ trong tâm dịch TP HCM đã chia sẻ trực tiếp tới cộng đồng những thông tin thiết thực. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) chia sẻ: Thấy một số người bít cửa trước hay cửa sau với hàng xóm F0, tôi đã giải thích: “Cứ để cửa thông thoáng, không sao cả”. Trong quá trình tham gia tư vấn, giải đáp thắc mắc về dịch bệnh tại TP HCM vừa qua, tôi gặp tình huống một số người kỳ thị hàng xóm bị nhiễm virus hay hàng xóm là nhân viên y tế tham gia chống dịch. Có người ngăn lối đi, bít cửa nhà. Tôi giải thích với họ rằng, không ai có thể lây virus cho ai nếu không tiếp xúc trực tiếp và chỉ có thể lây khi cùng phòng kín lạnh.
Người dân dường như đã đọc nhiều thông tin về virus và có người tưởng tượng: Nhà mình ở gần khu cách ly, chắc bị lây quá? Chung cư kia “bị” cách nhà mình 30 mét, thấy cũng sợ. Có người nhắn tin cho tôi vì bị kỳ thị là F1. Tôi bảo, các nhà xung quanh họ xì xào gì kệ họ, mình bình tĩnh thực hiện đúng các quy tắc phòng dịch, mọi việc sẽ qua. Còn với người không bị nhiễm, thấy nhà ai treo bảng cách ly cũng kệ, họ không ra khỏi nhà làm sao lây cho người khác?
“Theo con mắt dịch tễ học, mỗi chúng ta đều có thể là F0 hay F1 bất cứ lúc nào. Số ca bệnh của TP HCM sẽ còn tăng trong những ngày tới, nhưng con số đến bao nhiêu phụ thuộc vào sự chấp hành đúng các quy tắc chống dịch của mỗi người”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Cuộc chiến này rất khốc liệt, TP HCM đã thành lập trung tâm điều trị bệnh nặng, đã chuẩn bị thuận lợi cho mua sắm thêm trang thiết bị. Nhiều cơ sở y tế đã làm test nhanh, nhà quản lý sẽ để người dân và doanh nghiệp được tự lo trong khả năng của họ. Nếu bạn là F0 hay F1, gặp ánh mắt kỳ thị cũng đừng trách cứ họ làm gì. Khi qua dịch, tình làng nghĩa xóm sẽ trở lại như xưa.
Virus lan nhanh...
Cùng với đó, ThS.BS. Lê Quốc Tuấn, Bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh miễn dịch, Đại học Y Dược TP HCM bày tỏ: Cho dù có sợ, chúng ta vẫn sẽ phải đối mặt cùng nó, không chạy đi đâu được, không lúc này thì lúc khác. Tất cả các nước ở châu Á hầu như đều đang trong tình trạng giống Việt Nam, bởi lẽ từ đầu, tất cả đã chọn giải pháp giống nhau, muốn làm sạch sẽ mọi thứ như chưa từng có virus Corona hiện diện trên đời...
Thay vì ngồi đó sợ hãi, chúng ta hãy nghĩ cách để làm sao cho cuộc chạm trán ấy ít thương vong nhất. Và tất nhiên những gì Chính phủ kêu gọi trong thời gian vừa qua như khẩu trang, rửa tay, “5K”... phải tuyệt đối tuân thủ để giảm thiểu lây lan và gánh nặng cho ngành Y tế.
Sau những gì chúng ta đã làm những ngày qua cùng những con số dịch tễ, có thể nhận thấy virus lây lan nhanh, nhưng độc lực vẫn được xếp vào nhóm thấp. Rải rác vẫn có những ca tử vong, có thể có những ca còn chưa kịp báo cáo. Tuy nhiên, con số này trong thời gian qua vẫn là quá thấp so với tai nạn giao thông hoặc các bệnh lý khác ngoài cộng đồng.
Bộ Y tế cho biết, khoảng 70% số ca mắc COVID19 đều thuộc nhóm nhẹ không triệu chứng và các ca tái dương tính sau điều trị hầu như không có khả năng lây nhiễm. Chúng ta thanh lọc virus tương đối triệt để, nhưng chỉ có thể thực hiện trong thời gian ngắn, khi số ca còn ít. Nếu vượt qua được sợ hãi, chúng ta mới đủ bình tĩnh để đối mặt virus. Nếu ai không thể vượt qua sợ hãi, hãy yên tâm đóng cửa ở nhà trọn vẹn.
Cái chúng ta có khá nhiều cho cuộc chiến này, đó là, mỗi chúng ta luôn có sẵn một cơ thể khỏe mạnh, giúp đạt được con số hơn 70% ca nhiễm là không triệu chứng và chỉ một số rất ít tử vong. Bởi theo bác sĩ Tuấn, hầu hết các ca tử vong không phải vì sự tấn công trực tiếp của virus mà vì cách phản ứng thái quá của hệ miễn dịch đưa đến tăng hoạt lympho CD8, thực bào và cơn bão cytokine.
Hơn nữa, về mặt chăm sóc y tế, chúng ta không thiếu những nhân lực tinh nhuệ và không ngại xông pha. Ở các bệnh viện dã chiến, họ phải đối mặt với nhiều thành phần cách ly hết sức phức tạp. Ở các tuyến cuối cùng, họ phải đối mặt với sự sinh tử của các bệnh nhân trở nặng. Họ vẫn hàng ngày, hàng giờ chiến đấu vì sự sống của người bệnh.
Về mặt liệu pháp điều trị, chúng ta đã có nhiều trung tâm điều trị ca nặng là khoa hồi sức tích cực tại các bệnh viện lớn. Vấn đề quan ngại, nếu số ca tăng nhanh, kéo theo ca nặng bùng phát nhiều hơn sẽ dẫn đến quá tải cho khoa hồi sức các tuyến cuối. Do vậy, niềm tin và ý thức của mỗi cá nhân sẽ giúp tất cả chúng ta giành lấy chiến thắng trong cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19.
Và 500 ngày sống khác!
TP HCM mỗi ngày đã có cả nghìn ca mắc mới COVID-19. Sống cùng F0 hay sống cạnh F0 đã trở thành tình thế hiện hữu có thể đến với bất cứ người dân nào lúc này. Trên trang cá nhân, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ (quận 3, TP HCM) chia sẻ câu chuyện: “Bà tên là Mai, năm nay đã 78 tuổi. Hầu hết những người như bà Mai sống chết ở cùng với chủ, như một thành viên trong gia đình. Hai năm trước tôi chuyển về khu này, gặp thì thấy bà còn lanh lợi nhưng trí nhớ bị lẫn. Cách đây nửa năm bà bị ngã và bị liệt phải ngồi một chỗ. Cửa nhà luôn mở, bà ngồi tầng trệt, luôn ngó ra ngoài với ánh nhìn rất buồn. Chỉ ánh mắt thôi, còn tất tần tật ý niệm về thời gian cũng bị lãng quên theo trí nhớ.
Cách đây 1 tuần, lực lượng y tế xét nghiệm toàn khu phố khi phát hiện có 1 người dương tính. Và bà Mai bỗng có kết quả nhiễm COVID-19. Ai cũng ngỡ ngàng vì ca này, người duy nhất trong ngôi nhà 9 người ấy, dương tính.
Khi bà cụ bị được 3 ngày, gia đình đó rất hoảng. Nhất là gia đình có một bà già bằng tuổi bà Mai, bệnh tật đầy mình và 3 đứa trẻ con... Nhưng gia đình đó rơm rớm nước mắt thuyết phục đoàn chống dịch là không đưa bà vào bệnh viện dã chiến. Lại trong lúc bệnh viện quá tải, sợ bà cụ “đi” trong cô đơn…
Và thế là tôi sống một cách bình thường cạnh F0 suốt hơn một tuần rồi. Tôi học cách sống cùng dịch bệnh một cách cẩn thận nhất từ mọi khâu, nhất là ăn uống và sinh hoạt. Tôi ổn”.
Cùng với góc nhìn lạc quan, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội ISDS đã có những trải lòng: 500 ngày qua, COVID-19 thật tồi tệ nhưng đi qua nó, chúng ta hình thành được một thói quen quý báu mà nhân loại có thể mất cả trăm năm để xây dựng. Tôi thích cách chúng ta ứng xử với nhau trong những ngày chống dịch: cẩn trọng nhưng lại thân thiện hơn. Thay vì những nụ cười trên môi, tôi gặp những đôi mắt cười lấp lánh trên những tấm khẩu trang. Mục tiêu chiến thắng dịch bệnh đã kết nối chúng ta theo một cách thật bất ngờ, nhưng cũng thật đáng yêu! Trách nhiệm hơn và tự giác hơn.
Đại dịch này làm khó tất cả chúng ta. Ở TP HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước có không ít người đang lo thắt ruột cho từng bữa ăn của cả nhà nếu dịch còn tiếp tục kéo dài… Thương nhất nhà có 4 người thì chia 4 bệnh viện khác nhau, đứa trẻ 5-6 tuổi phải tự đi cách ly một mình… Nhưng chúng ta đã và đang thay đổi để không khuất phục. TS. Khuất Thu Hồng bày tỏ: “Tôi ngưỡng mộ cách mà mọi người “loay hoay” tìm cách thích ứng một cách thông minh nhất trong bối cảnh giãn cách. Trẻ em vẫn được học tập, các cơ quan, nhà máy, doanh nghiệp… vẫn vận hành. Ngay cả tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh, hàng hóa vẫn lưu thông… Cuộc sống vẫn tiếp diễn, không sôi nổi, náo nhiệt như vốn có nhưng giống như mạch nguồn, vẫn cuồn cuộn chảy. Tôi xin không nói thêm về sự tàn phá của đại dich mà muốn nói nhiều hơn về sự kiên cường, về sự quyết tâm của người Việt để vượt qua thách thức to lớn này với phẩm giá của mình. Đó là sự đùm bọc, là trách nhiệm, là thực tế nhưng không hoảng loạn. Dịch COVID-19 sẽ khó vượt qua hơn nếu cùng một lúc chúng ta phải đối phó với đại dịch của sự sợ hãi, kỳ thị”…
Như vậy, 500 ngày đã qua, những ngày tới, chúng ta vẫn phải căng mình chống dịch. Đại dịch nhất định sẽ qua đi nhưng những bài học, sự thay đổi chúng ta học được sau đại dịch sẽ mãi là hành đẹp đẽ trong cuộc đời chúng ta. Tựa như những thước phim trong cuộc sống tươi đẹp, vẫn luôn có những lấp lánh cho những lạc quan, tin yêu và hy vọng!...