Ngày 18/4/2014, TAND huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án gãy ba chiếc răng và đưa ra phán quyết kết tội “Cố ý gây thương tích” đối với Nguyễn Hùng và Lê Xuân Vinh. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm với 6 phiên tòa (4 phiên tòa sơ thẩm, 2 phiên tòa phúc thẩm), nhiều mâu thuẫn trong vụ án chưa được làm rõ nhưng Tòa vẫn tuyên án.
Không gãy chiếc nào vẫn bị tội đánh người gãy răng
Theo cáo trạng, khoảng 15h ngày 20/1/2008, Nguyễn Phước Đệ (15 tuổi), Nguyễn Hùng (18 tuổi) và Lê Xuân Vinh (18 tuổi, cùng ngụ xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn) đang đi chơi trên đường thì gặp Đỗ Văn Tùng (16 tuổi, ở xã Hoài Thanh) và hai người bạn cũng đang đi trên đường. Hai nhóm ẩu đả, nhóm Tùng bỏ chạy.
Thấy đối phương bỏ chạy, Đệ cầm khúc gỗ dài khoảng 1m đuổi theo và đánh vào đầu Tùng làm vỡ mũ bảo hiểm. Hùng và Vinh cùng đuổi theo, lao tới đánh vào đầu, mặt Tùng rồi cả nhóm bỏ đi. Giám định pháp y tỉnh Bình Định kết luận Tùng bị gãy cành ngang xương hàm dưới hai bên và gãy ba chiếc răng, tỉ lệ thương tật 49%.
Tại 4 phiên xử đầu tiên, Hùng và Vinh đều không thừa nhận đánh Tùng. Hùng khai: “Khi tôi đến hiện trường thì thấy Tùng đã bị thương, trên miệng có máu chảy và ôm đầu kêu đau. Tôi nghe mọi người nói lại là Tùng bị đánh”. Còn Vinh thì khăng khăng: “Tôi có chạy ra cùng nhiều người nhưng tôi không đánh. Người đánh Tùng là Đệ”.
Trong khi đó, tại cơ quan điều tra, Đệ khai đánh người là do hai bên có mâu thuẫn từ trước. Sau này Đệ lại cho rằng bị điều tra viên đánh, ép phải khai là Hùng và Vinh cùng đánh Tùng gây thương tích.
Tại các phiên tòa, luật sư bào chữa cho hai bị cáo Hùng và Vinh nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng cần chỉ rõ những vấn đề còn mâu thuẫn trong vụ án. Ví dụ: Theo giấy chứng nhận thương tích của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, người bị hại gãy hở xương hàm dưới vùng cành ngang và góc hàm.
Trong khi đó, thông báo kết quả giám định pháp y của Tổ chức Giám định Pháp y tỉnh Bình Định lại ghi nhận người bị hại gãy 3 cái răng. Còn tại tòa, khi luật sư yêu cầu cho xem răng thì răng bị hại còn nguyên. Bị hại phân bua: “Lúc bị đánh, răng tôi rớt ra, nhưng sau đó… để vào lại được nên bây giờ nó bình thường rồi”.
Tuy nhiên, trong 4 phiên tòa đầu tiên, những lời tự thú cũng như lời khai trên lại không được TAND huyện Hoài Nhơn chấp nhận vì cho rằng “lời khai ban đầu phù hợp với các chứng cứ khác”. Tòa vẫn kết tội, phạt Hùng 36 tháng tù giam, Vinh 24 tháng tù giam.
Ngay sau khi Tòa tuyên án, bị hại đã kháng cáo, yêu cầu tăng hình phạt và làm rõ trách nhiệm của những người tham gia đánh mình. Hai bị cáo Hùng và Vinh cũng kháng cáo kêu oan, cho rằng mình không đánh người nên không phạm tội.
Tháng 6/2011, TAND tỉnh nhận định cấp sơ thẩm đã bỏ lọt tội phạm là Nguyễn Phước Đệ. Quá trình điều tra và khai tại tòa, Đệ khai cầm khúc cây to bằng cổ tay dài hơn 1m đánh Tùng. Dù khi gây án Đệ mới 15 tuổi 6 tháng 2 ngày nhưng theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì đây thuộc trường hợp dùng hung khí nguy hiểm, thuộc trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, lỗi cố ý nên vẫn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Không truy cứu Đệ do chưa đủ tuổi là không hợp lý. Tòa tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại.
Vẫn kết tội dù còn nhiều mâu thuân
Từ khi xảy ra vụ án đến cuối năm 2013, cả Hùng và Vinh đều được tại ngoại, chấp hành các lệnh triệu tập của cơ quan tố tụng để phục vụ cho quá trình điều tra, xét xử vụ án. Tháng 12/2013, TAND huyện bất ngờ yêu cầu bắt giam hai đối tượng.
Theo luật sư bào chữa, Tòa lý giải “hai bị cáo bỏ trốn nên phải bắt giam” dù hồ sơ không có văn bản nào thể hiện việc Tòa có triệu tập nhưng họ không đến.
Tại phiên tòa ngày 18/4 vừa qua, luật sư tiếp tục yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ những nghi vấn trong vụ án. Vị luật sư này nói: “Tôi kiến nghị Tòa cần làm rõ những điểm mâu thuẫn trong vụ án như tôi đã trình bày qua các phiên tòa nhằm tránh bỏ lọt người, lọt tội, đồng thời trả tự do cho thân chủ của tôi vì theo lời khai của các nhân chứng, hai người này không phạm tội”.
Theo luật sư, đây là những tình tiết cơ bản chứng minh bị cáo có tội hay vô tội. Thế nhưng rất tiếc, những mâu thuẫn trên thay vì phải được làm rõ nhằm tránh oan sai thì vẫn bị cho qua.
Tại phiên tòa, nhiều nhân chứng cũng cho biết, đến 17h ngày 17/4, nghĩa là ít giờ đồng hồ trước phiên xử, họ mới được tống đạt giấy triệu tập ra tòa. Việc triệu tập quá chậm trễ, trong khi vụ án đã qua rất nhiều phiên xử và kéo dài hơn 6 năm, có nhằm mục đích ẩn khuất gì không?
Sau một ngày xét xử, chiều ngày 18/4, TAND huyện Hoài Nhơn vẫn kết tội “cố ý gây thương tích”, tuyên phạt Hùng 6 năm tù giam, Vinh 5 năm tù giam, Đệ 3 năm tù giam. Gia đình Hùng và Vinh cho biết sẽ kháng cáo kêu oan.
Bị cáo Hùng và Vinh đều là lao động chính trong gia đình, chỉ có nghề đi biển làm kế sinh nhai nuôi cả nhà. Từ khi mang thân phận bị can, họ không thể tiếp tục mưu sinh bằng nghề biển, kinh tế gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mẹ bị cáo Hùng cho biết: “Sự việc kéo dài đến ngày hôm nay và phán quyết của Tòa lại không đúng với sự thật vụ án chỉ vì quá trình điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tố tụng chưa thật thấu đáo và chính xác. Gia đình tôi sẽ kháng cáo và theo đến cùng vụ án này”.
Như vậy, khả năng vụ án này vẫn chưa khép lại sau hơn 6 năm với 6 phiên tòa./.