17 tỉnh chi vượt trên 20% dự toán
Tính đến ngày 21/3/2018, theo số liệu trên Hệ thống giám định, đã tiếp nhận 33,48 triệu lượt KCB, chi phí đề nghị thanh toán là 16.462 tỷ đồng. Như vậy, so với cùng kỳ 2017, số lượt KCB tăng 14,59%, chi KCB bảo hiểm y tế (BHYT) tăng 18,69%.
Đặc biệt đến hết tháng 2/2018, có 17 tỉnh chi vượt nguồn kinh phí KCB dự toán trong kỳ trên 20%, như: Quảng Ninh 31,9%; Bình Dương: 31,8%; Cần Thơ 31,1%; Đồng Tháp 31,1%; Khánh Hòa 30,1%.
Đáng chú ý, theo dữ liệu trên Hệ thống giám sát của BHXH Việt Nam, đã có 63/63 tỉnh, thành phố sử dụng vượt quỹ KCB được sử dụng. Trong đó, 9 tỉnh, thành phố có tỷ lệ sử dụng vượt quỹ KCB khoảng 30% như (Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Nam, Quảng Ninh, Tiền Giang, Vĩnh Long).
Bên cạnh đó, tỷ lệ điều trị nội trú gia tăng bất thường. Cụ thể, 84 bệnh viện đa khoa tuyến huyện có tỷ lệ vào điều trị nội trú bất thường trên 40% (tỷ lệ toàn quốc tuyến huyện: 9,0%). Điển hình như ở Hà Giang, Bệnh viện đa khoa huyện Xín Mần có tỷ lệ vào điều trị nội trú là 54%, Bệnh viện đa khoa huyện Đồng Văn - 53%; Bệnh viện đa khoa Nà Chì - 49%; Bệnh viện đa khoa khu vực huyện Hoàng Su Phì - 48%). Ở tỉnh Sơn La, Bệnh viện đa khoa Sốp Cộp có tỉ lệ vào điều trị nội trú là 52%, Bệnh viện đa khoa Mường La - 41%...
So với cùng kỳ năm 2017, tỷ lệ ngoại trú 3 tháng đầu năm 2018 đều tăng ở cả 3 tuyến từ trung ương đến xã. Trong đó, 107 Bệnh viện đa khoa có tỷ lệ gia tăng chi bình quân ngoại trú tăng cao (chỉ số chung toàn quốc: 5,68%). Cụ thể, Bệnh viện Quân Y 268 Huế: 65,2%, Bệnh viện A Thái Nguyên: 25%, Bệnh viện Gang thép Thái nguyên: 20%, Bệnh viện 354 (Hà Nội): 19%...
Đáng nói, tuyến xã có tới 1.357 trạm y tế (TYT) xã có tỷ lệ gia tăng chi phí cao so với bình quân chung toàn quốc 17.74%. Ví dụ, TYT phường Phú Thuận (Thừa Thiên - Huế): 577%, TYT Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội): 185%, TYT Trung Thu (Điện Biên): 132%, TYT phường Phú Hội (Thừa Thiên - Huế): 310%, TYT thị trấn Đông Anh (Hà Nội): 147%....
Đánh giá về việc chi KCB BHYT trong quý I/2018, ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban, phụ trách Ban Thực hiện Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) - cho rằng: “Với con số chi KCB BHYT tăng như trong quý I/2018, nếu không có giải pháp chặt chẽ ngay từ đầu năm sẽ khó đảm bảo được dự toán Chính phủ giao”.
Cũng theo ông Phúc, quy định hiện hành về giá dịch vụ y tế thuộc diện thanh toán BHYT đang có một số bất cập. Ví dụ, một số dịch vụ y tế được định giá quá cao, điển hình là chi phí tiền giường bệnh. Hiện chi phí tiền giường bệnh được xây dựng trên cơ sở 1 giường có từ 1-1,3 nhân viên y tế, nhưng thực tế nhiều bệnh viện chỉ đạt 1 giường có từ 0,4-0,7 nhân viên y tế. Một số loại trang bị tính vào chi phí tiền giường nhưng giờ không còn dùng nữa, hoặc không được trang bị như tiền màn, tiền nước, máy hút ẩm... “Theo đó, cần điều chỉnh giá dịch vụ y tế về mức sát nhất, trên cơ sở khảo sát thực tế tại các bệnh viện. Dự kiến, thông tư về giá dịch vụ y tế mới sẽ có trong tháng 5 tới” – ông Phúc cho biết.
Nỗ lực triển khai nhiều giải pháp
Trước thực trạng trên, ông Lê Văn Phúc cho biết, BHXH Việt Nam đang tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, ngăn ngừa trục lợi BHYT. Cụ thể, BHXH Việt Nam đang phối hợp tích cực với Bộ Y tế sửa đổi Nghị định 105/2015/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật BHYT, sửa đổi Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của liên Bộ Y tế - Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế cũng đang tích cực xây dựng Thông tư quy định về đấu thầu vật tư y tế nhằm khắc phục tình trạng chênh lệnh chi phí thanh toán vật tư y tế giữa các cơ sở y tế. Trong 02 tháng đầu năm 2018, Quỹ BHYT đã chi trả cho 108 bệnh nhân có chi phí KCB BHYT trên 300 triệu đồng, 465 bệnh nhân có chi phí KCB BHYT từ 200 – 300 triệu đồng. Trong đó, bệnh nhân chi phí cao nhất thực hiện KCB hẹp hở van 2 lá, hẹp van động mạch chủ tại Bệnh viện Trung ương Huế từ ngày 20/9/2017 – 23/01/2018 với tổng chi phí khám chữa bệnh là 1,016 tỷ đồng.
Trao đổi với các phóng viên về việc bảo đảm quyền lợi BHYT, ngăn ngừa việc thu thêm tiền bệnh nhân bất hợp lý từ các cơ sở y tế, ông Lê Văn Phúc cho biết: BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện công khai các dịch vụ, danh mục thuốc, vật tư được thanh toán BHYT, tích cực giải thích để người dân hiểu đúng quyền lợi của mình, Bộ Y tế cũng đã có chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, chấn chỉnh việc thu thêm các chi phí bất hợp lý, bảo đảm quyền lợi BHYT của người dân.