Theo khảo sát, huyện Lạc Dương có tới 20 - 30% diện tích (trong tổng số gần 3.500 ha cây cà phê ) bị ảnh hưởng bởi hiện tượng sương muối. Trong đó, một số diện tích bị chết khô hoàn toàn, nhiều diện tích bị chết cháy 1/3 cành phía trên thân cây.
Chủ tịch hội Nông dân xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương) cho biết: Kể từ năm 2015 đến nay, đây là đợt sương muối ảnh hưởng nặng nhất đến sản xuất nông nghiệp với các cây như cà phê, đậu; trong đó, những vườn bị ảnh hưởng thường nằm ở vị trí ẩm thấp, dưới chân đồi.
Trước sự việc trên, lãnh đạo huyện Lạc Dương đã triển khai ngay các biện pháp khắc phục đến từng địa phương và ngành chức năng trong huyện, thành lập ba tổ công tác trực tiếp xuống hiện trường hỗ trợ khắc phục và thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại, đề xuất phương án hỗ trợ theo quy định. Đồng thời, huy động các ban ngành, đoàn thể xã triển khai các biện pháp khôi phục, công tác chăm sóc cây trồng, cơ cấu lại mùa vụ để ổn định sản xuất.
Ông Sử Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, địa phương đang khẩn trương thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhân dân để sớm khôi phục sản xuất trên diện tích bị thiệt hại, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc phục hồi; những diện tích bị ảnh hưởng nặng, không có khả năng phục hồi, hướng dẫn nhà nông vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị cho vụ mới.
Còn ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, trên sở sở đánh giá mức độ thiệt hại của cà phê, Sở sẽ bố trí kinh phí từ chương trình chuyển đổi giống cây trồng, chương trình tái canh cải tạo giống cà phê năm 2020 để hỗ trợ các hộ dân khôi phục vườn cây. Bên cạnh đó, Sở hỗ trợ huyện Lạc Dương lắp đặt một số trạm cảm biến nhiệt độ, ẩm độ để có cảnh báo sớm về tình hình diễn biến thời tiết, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc cây trồng, giảm nhẹ thiệt hại./.