Đảm bảo quyền của phụ nữ
Theo quy định trước đây của Ả-rập Xê-út, trong trường hợp một cặp vợ chồng nộp đơn ly hôn - mà thường là người chồng bởi người phụ nữ muốn làm gì đều phải được sự đồng ý của người giám hộ, thường cũng chính là người chồng của họ, chỉ cần 1 trong 2 người có mặt, tòa án đã có thể xem xét vụ án.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, cả 2 vợ chồng đều phải ra trình diện tại tòa thì thẩm phán mới có thể xem xét đơn ly hôn. Khi những quy định này có hiệu lực, hầu hết đàn ông ở Ả-rập Xê-út sẽ không chính thức nộp đơn ly hôn với vợ dù trên thực tế họ có thể đã có cuộc sống mới, không còn chung sống với người vợ chính thức của mình.
Điều này khiến người phụ nữ hoàn toàn phụ thuộc vào người đàn ông, dù người này có thể đã lập gia đình mới. Trong đó, về mặt pháp lý, người vợ không thể lập gia đình mới và không thể thực hiện một số thủ tục pháp lý nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng. Trong khi đó, người chồng ngoài việc được hưởng những quyền rất thuận lợi còn có thể lấy vợ thứ 2.
Trong trường hợp người vợ nộp đơn ly hôn, khả năng việc ly dị được công nhận là cực kỳ hiếm bởi những người đàn ông thường không muốn chính thức chứng thực cuộc hôn nhân tan vỡ. Chính vì vậy, quy định cả 2 người phải đồng thuận và cùng có mặt tại tòa án được cho là sẽ giúp giảm bớt gánh nặng của phụ nữ ly hôn; đảm bảo việc tuân thủ tất cả các quyền của họ sau khi cuộc hôn nhân kết thúc, bao gồm từ việc cấp dưỡng và quyền nuôi con cho đến quyền tự do của người phụ nữ đã ly hôn.
“Quyết định hiện tại bắt buộc cả chồng và vợ phải có mặt trước tòa. Vì vậy, chúng tôi chắc chắn sẽ có thể xác nhận việc ly hôn về mặt pháp lý. Các quy định cuối cùng đã buộc cả hai vợ chồng phải ra tòa để tất cả các quyền của phụ nữ và trẻ em sau khi ly hôn đều được tôn trọng”, bà Rana al-Doknan (một luật sư tại Ả-rập Xê-út) nhấn mạnh.
Phân tích về những khía cạnh tích cực của cải cách mới, bà al-Doknan cho hay, trước khi áp dụng các quy định mới, tình trạng của người phụ nữ trong quá trình xét xử đơn ly hôn khá khó khăn. “Người chồng có thể không xuất hiện trước tòa để trì hoãn quá trình ly hôn. Thông thường, phiên tòa kéo dài khoảng 3 tháng. Trong quá trình này, quyền và lợi ích của người phụ nữ không phải lúc nào cũng được tính đến.
Với các quy định mới, hiện nay, quá trình xử sẽ chỉ mất trung bình 10 ngày. Bên cạnh đó, yêu cầu bắt buộc xác nhận hồ sơ ly hôn bằng văn bản là một bước cần thiết để đảm bảo quyền của phụ nữ”, vị luật sư cho hay.
Đồng quan điểm, chuyên gia về phát triển bền vững của Ả-rập Xê-út Iman Falata cho rằng, quy định bắt buộc xác nhận ly hôn bằng văn bản với sự có mặt của cả 2 vợ chồng được đưa ra do sự xuất hiện của một số lượng lớn các trường hợp ly hôn được gọi là “không công khai”, trong đó người chồng từ chối tuyên bố ly hôn chính thức, xâm phạm quyền của người vợ.Thông thường, những ông chồng như vậy sẽ không thực hiện các khoản chi cần thiết cho vợ cũ.
Ngoài ra, người phụ nữ thậm chí còn không thể phẫu thuật trong bệnh viện nếu không có sự cho phép bằng văn bản của chồng. “Với một cuộc ly hôn không công khai, một số người đàn ông từ chối ký bất cứ văn bản nào khi được người vợ đề nghị, khiến người vợ không thể làm gì được”, vị chuyên gia cho hay.
Nhiều đàn ông từ chối ký vào văn bản (Ảnh minh họa) |
Bà Iman Falata cũng cho rằng các cải cách mới phải được thực hiện càng sớm càng tốt. “Khi đó, trong xã hội của Ả-rập Xê-út sẽ có ít vấn đề hơn nhiều so với hiện nay”, bà nhận định. Nhìn ở một góc độ khác, bà Hawazin al-Zahrani (nhà nghiên cứu về trẻ em, phụ nữ và các vấn đề nhân đạo của Ả-rập Xê-út) lưu ý rằng giải pháp mới sẽ phần nào giúp gìn giữ được một số gia đình vì các thẩm phán khi đó sẽ có cơ hội hòa giải cho các cặp vợ chồng.
“Chúng ta phải xây dựng thể chế hoạt động ổn định, có khả năng đối thoại. Một gia đình ổn định là chìa khóa cho sự ổn định trong xã hội. Luật mới không chỉ tước đi của đàn ông cơ hội ly hôn mà không thông báo cho người vợ, mà còn đưa tới hy vọng rằng trong một số trường hợp, thẩm phán sẽ có thể hòa giải được và cứu vãn hôn nhân. Nếu không thì ít nhất 2 vợ chồng sẽ có thể chia tay một cách hòa bình, đồng ý thỏa thuận hỗ trợ nuôi con và quyền nuôi con”, vị chuyên gia phân tích.
Vẫn còn nhiều rào cản
Theo thống kê được Bộ Tư pháp Ả-rập Xê-út công bố mới đây, trong những tháng gần đây, số vụ ly hôn ở Vương quốc này đã lên tới 4.000 vụ mỗi tháng. Tòa án Ả-rập Xê-út đã ban hành 6 quyết định ly hôn mỗi giờ. Đây chỉ là số liệu thống kê của các vụ ly hôn chính thức, không tính đến những vụ ly hôn không công khai.
Trước đó, hồi năm ngoái, Ả rập Xê-út cũng đã chính thức áp dụng quy định mới, theo đó chấm dứt tình trạng phụ nữ bị chồng ly dị mà không hề được thông báo.
Theo quy định lúc bấy giờ, tòa án sẽ buộc phải thông báo cho các bà vợ phán quyết ly dị bằng tin nhắn. Các nữ luật sư ở Ả-rập Xê-út khi đó cho rằng biện pháp này sẽ chấm dứt tình trạng ly hôn bí mật, tức việc đàn ông đơn phương ly dị mà không báo cho vợ biết.
Quy định này đảm bảo phụ nữ được biết rõ tình trạng hôn nhân của họ và có thể bảo vệ các quyền lợi của phụ nữ như nhận tiền trợ cấp sau ly dị. Bộ trưởng tư pháp Ả-rập Xê-út lúc bấy giờ là ông Sheikh Waleed bin Mohammed al Samaani cho rằng, việc thông báo bằng tin nhắn với những người phụ nữ về sự thay đổi về tình trạng pháp lý của họ sẽ đem đến sự minh bạch đối với các thủ tục pháp lý liên quan đến việc ly hôn.
Còn theo luật sư Nisreen al-Ghamdi, quy định trên đảm bảo phụ nữ được quyền nhận tiền trợ cấp khi họ ly dị. “Nó cũng đảm bảo rằng các quyền pháp lý mà người phụ nữ được cấp trước khi ly dị không bị lạm dụng”, vị luật sư nói.
Luật sư Samia al-Hindi cho biết thêm rằng, trước đó, do quy định đàn ông có thể dễ dàng ly hôn vợ bằng cách tuyên bố bằng miệng rồi sau đó đến tòa án để chứng thực điều này nên nhiều phụ nữ ở Ả-rập Xê-út đã nộp đơn khiếu nại lên tòa vì họ bị ly dị mà không hề biết.
Trong khi đó, phụ nữ muốn chấm dứt một cuộc hôn nhân phải thuyết phục được tòa án cả về lý do và bằng chứng về việc bị bạo hành. Không chỉ vậy, việc này cũng không thể hoàn tất nếu không được sự đồng ý của người giám hộ.
Trong số hàng loạt những quy định nhằm “cởi trói” cho phụ nữ ở Ả-rập Xê-út, năm 2018, lệnh cấm phụ nữ lái xe vốn được áp dụng ở Vương quốc này trong nhiều thập kỷ cũng đã được xóa bỏ.
Những quy định mang tính bước ngoặt nói trên là một phần của những cải cách kinh tế - xã hội ở Ả-rập Xê-út do Thái tử Mohammed bin Salman khuyến khích, gồm cả việc cho phép phụ nữ đi xem bóng đá và làm những công việc vốn trước kia chỉ dành cho đàn ông.
Song, phụ nữ ở Vương quốc này đến nay vẫn phải tuân theo luật có đàn ông giám hộ. Theo đó, phụ nữ ở Ả-rập Xê-út vẫn không được làm nhiều việc nếu không được phép của một người giám hộ nam, thường là chồng, cha, anh, em trai hay con trai như xin hộ chiếu, đi nước ngoài, kết hôn, mở tài khoản, mở một số doanh nghiệp nhất định, làm phẫu thuật có hẹn trước (không trong tình trạng nguy kịch), ra khỏi nhà tù. Cơ chế phụ nữ phải chịu sự giám hộ của nam giới khiến Ả-rập Xê-út vẫn được cho là một trong những quốc gia bất bình đẳng giới nhất ở Trung Đông.