Ám ảnh chuyện người bỏ nghề săn sau một lần vào rừng không súng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Câu chuyện trở thành “Anh hùng bảo tồn” của ông Lê Văn Hiên bắt đầu từ một lần ông vào rừng mà không mang theo súng, dù rằng ông vốn là một thợ săn nổi tiếng sát thú…
Ông Lê Văn Hiên (người thứ ba từ phải sang) được vinh danh Anh hùng bảo tồn.
Ông Lê Văn Hiên (người thứ ba từ phải sang) được vinh danh Anh hùng bảo tồn.

Tháng 1/2021, ông Lê Văn Hiên được Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI) tôn vinh là “Anh hùng bảo tồn”. Ở Việt Nam, ông Hiên là người thứ hai nhận được danh hiệu vinh dự này. 

Lần đầu nhìn voọc không qua đầu ruồi súng

Đầu năm 1994, có một người đàn ông tìm đến nhà ông Hiên ở xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Người đàn ông này tự giới thiệu là chuyên gia về linh trưởng đang thực hiện chuyến đi điều tra về loài voọc mông trắng ở Kim Bảng. Hỏi thăm biết được ông Hiên là thợ săn thông thạo đường rừng nên người chuyên gia ngỏ ý muốn nhờ ông dẫn đường. Ông Hiên nhận lời dẫn đường cho người chuyên gia đi điều tra về loài voọc mông trắng ở Kim Bảng. 

Lần đầu tiên sau nhiều năm, ông vào rừng mà không khoác súng. Một tuần dẫn đường cho chuyên gia, ông Hiên có cơ hội ngắm bầy voọc qua ống nhòm, góc xa, rộng hơn đầu ruồi khẩu súng săn. Khi ông nhìn hai con voọc con màu vàng cam quấn quýt bên mẹ, voọc bố dạy con kiếm ăn, lũ voọc con đùa giỡn bên cạnh bố mẹ hệt lũ trẻ, đột nhiên ông thấy tim mình thắt lại khi nghĩ đến cảnh tượng những con voọc mắt nhắm nghiền người đầm đìa máu mà ông mang về nhà sau mỗi chuyến đi săn.  

Biết được tâm trạng của ông, người chuyên gia khẽ khàng khuyên bảo: “Anh thấy không, chúng có tình yêu thương như con người. Nếu một con trong gia đình chết, những con khác sẽ buồn rầu, bỏ ăn. Voọc mẹ chết, con cũng sẽ chết”. Lắng nghe những lời ấy, ông Hiên im lặng và ông cũng không có phản ứng gì khi người chuyên gia tiếp tục khuyên ông buông súng, bỏ nghề thợ săn.

Những ngày sau đó, theo những bước chân dọc hành trình, cuộc đời thợ săn của ông Hiên như một cuộn phim quay chậm từ từ tua lại. Ông Lê Văn Hiên sinh năm 1961 tại thôn Lạc Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Sinh ra trong thời kỳ đất nước chiến tranh trong một gia đình nghèo khó, tuổi thơ của ông Hiên gắn với những ngày phải chạy ăn từng bữa, theo cha mẹ lên rừng hái măng, chặt cây đốt than để trang trải cuộc sống qua ngày.

Ngay cạnh nhà ông có một tay thợ săn lão luyện, cuộc sống rất sung túc, bữa ăn nào cũng có thịt chứ không như nhà ông chỉ có rau mà bữa đói, bữa no. Vậy là, cậu bé Hiên khi ấy mới 12 – 13 tuổi đã xin đi theo vác đồ, học nghề săn với hy vọng giúp cuộc sống đỡ khó khăn, vất vả hơn. Năm 17 tuổi, ông tích góp được số tiền để mua cây súng đầu tiên, chính thức trở thành thợ săn. Chàng thanh niên với đôi mắt tinh nhanh dần trở thành “ác mộng” của muông thú rừng Kim Bảng lúc bấy giờ. Ngày ấy, sau mỗi đêm đi săn về, thú bày la liệt trong nhà. Một con sơn dương bằng mấy tạ thóc, một con khỉ hay voọc bán nấu cao bằng vài tấn thóc, lái buôn đến tận nơi thu mua. Nhờ đó, kinh tế gia đình ông ngày càng khá giả hơn. Ông từng nghĩ sẽ gắn bó suốt đời với nghề thợ săn…

 

Trả món nợ với rừng

Nhưng rồi, sau chuyến đi vào rừng không mang súng cùng chuyên gia về linh trưởng ấy là những đêm dài mất ngủ. Đôi mắt tròn đen láy của voọc con ám ảnh ông, chúng không khác gì đôi mắt ngây thơ của hai đứa con ông ở nhà. Mở lời tâm sự với vợ về chuyện bỏ nghề săn, ông Hiên cứ nghĩ vợ sẽ phản đối, nào ngờ người vợ cho biết, bà lâu nay đã muốn khuyên ông như thế: “Em muốn khuyên anh mà chưa dám nói. Em luôn cảm giác bất an. Anh sát sinh nhiều quá, làm sao để được phúc đức cho con”. Được vợ ủng hộ, ông quyết tâm từ bỏ săn bắn. Hai vợ chồng thầu thêm ruộng, nuôi lợn, nghiền đá thuê, cùng nuôi dạy con, tuy vất vả hơn nhưng thanh thản…

Và không chỉ dừng lại ở vậy, để chuộc lại lỗi mình đã gây ra với rừng, với thú rừng, ông Lê Văn Hiên đã tiếp tục giúp đỡ các đoàn nghiên cứu mỗi khi họ đến tìm ông. Không chỉ có kiến thức tốt về các loại động vật tại rừng Kim Bảng, ông Hiên còn là người rất hiểu biết về các loài thực vật tại đây. Ngoài những đoàn nghiên cứu về linh trưởng, các đoàn thực vật cũng thường xuyên nhờ ông Hiên dẫn đường mỗi khi họ tiến hành nghiên cứu tại rừng. Những thông tin và hình ảnh do ông Hiên thu thập được là những tư liệu quý để các nhà khoa học nghiên cứu và thu thập dữ liệu về đa dạng sinh học tại khu rừng này.

Đầu năm 2016, ông Lê Văn Hiên tiếp tục dẫn các chuyên gia của Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế lên rừng Kim Bảng để khảo sát về loài voọc mông trắng. Những thông tin quan trọng do ông cung cấp đã giúp các nhà khoa học và chuyên gia của Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế phát hiện ra quần thể voọc mông trắng lớn thứ hai thế giới tại rừng Kim Bảng. Sau đó, Tổ chức này đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam thực hiện dự án bảo tồn voọc mông trắng. Ông Lê Văn Hiên tình nguyện tham gia Tổ bảo tồn cộng đồng và được cử làm Tổ trưởng. Công việc của tổ tuần tra là gỡ bẫy thú, theo dõi vị trí, môi trường sống của voọc mông trắng và các loài động vật trong khu rừng. Khi phát hiện hành vi phá hoại, săn bắt thú, tổ sẽ thông báo để kiểm lâm xử lý. Ông Hiên học sử dụng máy ảnh, thiết bị định vị, cách chia ô rừng đánh dấu vị trí đàn voọc…

Công việc mới của ông Hiên cũng nguy hiểm không kém khi những năm gần đây, cánh rừng nguyên sinh bị bao vây bởi việc khai thác đá. Mỗi dịp đi tuần, ông Hiên phải men theo vách đá vôi dựng đứng. Bên cạnh đó, tổ bảo vệ rừng thường xuyên nhận các cuộc gọi từ số máy lạ đe dọa, đồ đạc của họ để trong rừng bị phá hoại… Nhưng bù lại nỗi vất vả đó là niềm vui vô bờ bến khi Tổ bảo tồn cộng đồng huyện Kim Bảng do ông Hiên làm Tổ trưởng đã có những đóng góp tích cực trong việc bảo tồn đa dạng rừng, đặc biệt là loài voọc mông trắng. Nhờ đó, quần thể voọc mông trắng tại rừng Kim Bảng ngày càng phát triển, hiện có khoảng 100 cá thể, lớn thứ hai trên thế giới. Và hơn tất thảy, ông Hiên thấy lòng mình nhẹ nhõm vì đã phần nào “trả món nợ với rừng”…

Những mốc son trên hành trình bảo tồn

Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, suốt 1 thập kỷ từ 2010 - 2020, Việt Nam đã chứng kiến nhiều sự thay đổi về kinh tế, xã hội và bảo tồn đa dạng sinh học cũng không nằm ngoài ngoại lệ. Mặc dù hoạt động trong thầm lặng nhưng những nhà khoa học và các tổ chức bảo tồn đã cùng góp phần tạo nên một thập kỷ đa dạng sinh học rực rỡ với hàng loạt những nghiên cứu, phát hiện loài mới và sáng kiến, giải pháp bảo tồn hiệu quả.

Trong hàng nghìn loài động vật, thực vật được phát hiện và được quốc tế công nhận, có nhiều loài côn trùng, bò sát, lưỡng cư… được xếp loại cực kỳ nguy cấp, cần được ưu tiên bảo tồn. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu đã tìm ra các loài đặc hữu chỉ có tại Việt Nam. Có thể kể đến một số loài như bọ cạp Euscorpiopsis cavernicola (Động Hua Mạ, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) và Vietbocap thienduongensis (Động Thiên đường, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình). Ngoài ra, những loài cây quý như Mộc Hương (Aristolochia), chi Arachniodes... cũng được nghiên cứu về mối quan hệ phát sinh loài và tiến hóa nhằm phục vụ ứng dụng thực tiễn…

Song hành với nghiên cứu phát hiện loài, cũng ghi nhận nhiều sáng kiến, giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả những nỗ lực của các cấp, các ngành và cả xã hội trong công tác bảo tồn loài. Đầu tiên phải kể đến nỗ lực sinh sản, nhân nuôi bảo tồn thành công loài gà lôi lam mào trắng - một loài chim đặc hữu quí hiếm của Việt Nam. Ngoài ra, việc ghép đôi sinh sản chim cao cát bụng trắng cũng đã thành công, phục vụ công tác giáo dục môi trường và bảo tồn loài này trong tương lai. Bên cạnh giải pháp nhân nuôi bảo tồn loài nguy cấp, các sáng kiến khác tập trung vào cứu hộ loài động vật hoang dã. Trong đó, có cả các nhóm tình nguyện đã cứu hộ được cả 100 cá thể rùa biển, trong đó 94 con sống được tái thả về biển hay quy trình cứu hộ gấu, nuôi gấu trong môi trường bán hoang dã cũng như những giải pháp tăng cường sức khỏe cho gấu nuôi…

Đặc biệt với mong muốn vinh danh các tổ chức, cá nhân; nhân rộng các điển hình có nhiều thành tích cho công tác bảo tồn, đồng thời hướng đến kỷ niệm thập niên về đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức chương trình “Vinh danh các tổ chức, cá nhân; nhân rộng các điển hình tiên tiến có nhiều thành tích đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010 – 2020”. 

Sau khi phát động vào tháng 10/2020, đến nay, chương trình đã nhận được rất nhiều câu chuyện cảm động như câu chuyện từ một người từng là thợ săn nhưng nay lại dẫn dắt nhóm tự nguyện bảo tồn voọc gáy trắng tại Tuyên Hóa, Quảng Bình. Nhóm đã góp phần ngăn cản tác động của chương trình khai thác đá, bảo vệ được môi trường sống cho voọc. Nhờ đó, năm 2018 UBND Quảng Bình đã qui hoạch một phần khu rừng thành rừng đặc dụng để cân bằng giữa nhu cầu bảo tồn và khai thác. Tiếp nối thành công, đến nay, nhóm vẫn miệt mài tuyên truyền cho người dân về bảo tồn voọc cũng như hỗ trợ các đoàn nghiên cứu khi đến khu vực này. 

Hoặc có đơn vị lại ghi dấu ấn với sáng kiến dùng bẫy ảnh để điều tra các loài hoang dã tại một số vùng trọng điểm hay ứng dụng các công nghệ trong việc theo dõi, tái thả động vật hoang dã….

Được biết, cuối tháng 4 vừa qua, Hội đồng xét chọn chương trình “Vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài giai đoạn 2010 – 2020” đã họp đánh giá hồ sơ, tiến hành chọn ra những hồ sơ xuất sắc nhất để đề xuất vinh danh trong sự kiện sắp tới. Kết quả làm việc của Hội đồng xét chọn sẽ được trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định. Dự kiến, Lễ “Vinh danh các cá nhân, tổ chức có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài giai đoạn 2010 – 2020” sẽ được tổ chức vào ngày 21/05/2021 nhằm hưởng ứng Ngày Đa dạng sinh học Quốc tế 22/5. 

Đọc thêm