An Giang về đích sớm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

(PLVN) - Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, An Giang đã chọn giải pháp tối ưu, phù hợp với điều kiện xuất phát điểm của địa phương. Đến cuối năm 2019, An Giang phấn đấu hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM hơn 01 năm lộ trình và trở thành một trong hai tỉnh dẫn đầu phong trào xây dựng NTM khu vực ĐBSCL với nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo.
Tỉnh An Giang ký kết giao ước thi đua xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025

Nỗ lực vượt khó, bứt phá ngoạn mục

Ông Nguyễn Sĩ Lâm  - Giám đốc Sở NN&PTNT, Ủy viên thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh An Giang cho biết: Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, cùng với cả nước, An Giang bắt tay vào xây dựng NTM từ năm 2010.

Là tỉnh có xuất phát điểm thấp, nhưng bằng ý chí lớn, khát vọng cháy bỏng và quyết tâm cao, tỉnh đã xây dựng thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 và trở thành một trong hai tỉnh dẫn đầu (An Giang và Hậu Giang) phong trào xây dựng NTM khu vực ĐBSCL với nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo.

Bà Võ Thị Ánh Xuân - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang trao Bằng khen cho  các cá nhân tiêu biểu trong xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020 

Toàn tỉnh có 03/11 đơn vị cấp huyện (huyện Thoại Sơn, TP Long Xuyên và TP Châu Đốc) có 100% số xã đạt chuẩn NTM và đã được Thủ tướng công nhận huyện NTM /hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Cụ thể, Thủ tướng đã có quyết định công nhận TP Châu Đốc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2017 (theo Quyết định số 1552/QĐ-TTg ngày 14/11/2018); thành phố Long Xuyên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2018 (theo Quyết định số 886/QÐ- TTg ngày 17/07/2019) và huyện Thoại Sơn đạt chuẩn huyện NTM theo Quyết định số 956/QĐ-TTg ngày 31/7/2019 (đạt trước 01 năm so với lộ trình theo Chương trình hành động 04-CTr/TU ngày 18/7/2016 của Tỉnh ủy).

 Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giao đoạn 2010 - 2020 

Trong quá trình triển khai thực hiện, An Giang đã có nhiều mô hình, cách làm hay sáng tạo góp phần tăng thu nhập. bảo về cảnh quan môi trường, giữ gìn an ninh trật tự nông thôn…

Với mục đích nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm làm ra, trên địa bàn tỉnh An Giang đã xuất hiện nhiều mô hình độc đáo: Mô hình sản xuất VAC và Mô hình trồng cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái của (TP Châu Đốc); Mô hình phát triển nông trại sinh thái và Mô hình liên kết trồng rau màu an toàn (TP Long Xuyên); Mô hình sản xuất lúa Cánh đồng lớn, mô hình sản xuất lúa theo chuỗi giá trị và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ (huyện Thoại Sơn)....

Ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang 

Trong thực hiện xây dựng NTM, yếu tố môi trường cảnh quan nông thôn được xem là tiêu chí quan trọng, tuy nhiên đây là tiêu chí không bền vững. Đề duy trì thực hiện tốt tiêu chí này, ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các mô hình hay: “Tổ tự quản vệ sinh môi trường làng nghề”; “Ấp tự quản bảo vệ môi trường”; “Hành lang giao thông thông thoáng, môi nhà làm hàng rào cây xanh, cột cờ thăng tấp”; “Doanh nghiệp cùng nông dân bảo vệ môi trường”...

Sản phẩm xoài ba màu ở huyện Chợ Mới đã được xuất sang thị trường Úc, Mỹ sẽ giúp hàng trăm hộ dân có thu nhập ổn định

Vấn đề phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự xã hội được xem là tiêu chí quan trọng để bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân khu vực nông thôn. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều mô hình sáng tạo trong thực hiện tiêu chí này: Các mô hình “Cổng rào An ninh trật tự”, “Họp mặt, giúp đỡ người hoàn lương”, “Camera phòng chống tội phạm”, “Tự quản về An toàn giao thông”, “Xe ô tô tuyên truyền về phòng chống tội phạm”.

Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có các mô hình về lĩnh vực phát triển văn hóa, hỗ trợ, góp vốn cho phụ nữ.gây quỹ vì người nghèo, hội mái ấm tình thương, qũy khuyến học... Qua đó từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần hoàn thành tiêu chí NTM.

Tiếp tục xây dựng 

Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đề ra mục tiêu thực hiện, cụ thể như sau: Phấn đấu có thêm 28 xã đạt được công nhận xã NTM giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục giữ vững và nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu theo quy định đối với các xã đạt chuẩn NTM. Có ít nhất 03 xã trên huyện phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao; 75% các ấp trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới đạt chuẩn Bộ tiêu chí “Ấp NTM”; 02 đơn vị cấp huyện (huyện Chợ Mới và Châu Thành) đạt chuẩn huyện NTM.

 Huyện Thoại Sơn (An Giang) về đích sớm trong xây dựng NTM  

Tiếp tục giữ vững 03 đơn vị cấp huyện đã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020; phấn đấu có có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Bình quân toàn tỉnh có trên 75% trường học đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất; thu nhập bình quân khu vực nông thôn của các xã NTM đạt từ 65 triệu đồng/người/năm; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều bình quân 0,5%/năm; tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 90%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 95%, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%.

Bộ mặt NTM giàu đẹp, văn minh của huyện Chợ Mới 

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An GIang Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhờ sự nỗ lực và sự chung sức, chung lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà; đến nay tỉnh đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Tỉnh có 54 xã đạt chuẩn NTM và ước đến cuối năm 2019 sẽ có 61/119 xã đạt chuẩn xã NTM, đạt tỷ lệ 51,26% tổng số xã. Với kết quả này, tỉnh đã hoàn thành mục tiêu của Chương trình sớm hơn 01 năm so với lộ trình, kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra từ đầu nhiệm kỳ. Tỉnh đã có 03 đơn vị cấp huyện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gồm: TP Long Xuyên, TP Châu Đốc và huyện Thoại Sơn. 

Mô hình trồng rau thủy canh tại xã Vĩnh Nhuận (huyện Châu Thành, An Giang)

Tỷ lệ hộ nghèo giảm, năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 9,28%, đến cuối năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 3,67%; tỷ lệ lao động có việc làm khu vực nông thôn đạt 92,78%. Mức thu nhập bình quân/người trên địa bàn tỉnh đạt 42 triệu đồng/năm 2018; trong đó thu nhập bình quân/người khu vực nông thôn là 40,7 triệu đồng/người/năm (gấp 3 lần so với năm 2010). Có 85/119 xã đạt tiêu chí 10 thu nhập, tỷ lệ 71,43%; có 5/11 huyện, thị, thành có tỷ lệ xã đạt 100% số xã về thu nhập là Chợ Mới, Thoại Sơn, Châu Phú, Long Xuyên và Châu Đốc./.

Ngày 18/10/2019, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký quyết định tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng  NTM” giai đoạn 2016 – 2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ Quốc.

Đọc thêm